Sự kiện UNESCO công nhận cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa thế giới vừa mới đây đã làm nức lòng mọi người, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nhưng ngay lập tức, điều bức xúc từ thực tế cũng được đặt ra một cách cấp thiết: Hồn thiêng trong tiếng chiêng cồng đang mai một !
|
Những chiếc chiêng quý như thế này không còn tồn tại nhiều trong các buôn làng người thiểu số gần đô thị như xã Lát, huyện Lạc Dương.
|
Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là "tiếng nói" của con người và của thần linh theo quan niệm vạn vật hữu linh.
Chỉ nhìn riêng dưới góc độ diễn tấu cồng chiêng cũng dễ dàng nhận biết điều vừa nói ở trên. Ở nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên, trong các hoạt động mang tính nghi lễ, tiếng chiêng thường đi kèm với lời cúng và múa thiêng để cầu gọi các thế lực siêu nhiên.
Ở tộc người Giarai, dàn chiêng arap (cing arap) 13 chiếc thường dùng vào tang ma, chiêng kơm và chiêng trum dùng trong lễ rước thần lửa…
Với người Churu ở Lâm Đồng, nhạc cụ dùng trong tang ma thường là chiêng và được diễn tấu bằng một bộ chiêng riêng và những bài bản diễn tấu trong lễ tang cũng phải tuân thủ theo một quy định khá nghiêm ngặt (có những bài bản dành riêng cho chiêng trong tang ma).
Trong khi đó, với người Mạ (Lâm Đồng), cũng với quan niệm vạn vật hữu linh nhưng cách ứng xử của tộc người này đối với chiêng thiêng có khác hơn nhiều so với nhiều dân tộc Tây Nguyên khác: Thay vì đưa bộ chiêng ra sử dụng trong tang ma, họ làm một "bộ chiêng" bằng tre (có tên gọi riêng) để tấu và chôn theo người chết như một sự "chia của".
Còn đây là lối ứng xử với vật thiêng chiêng cồng của hầu hết các dân tộc thiểu số Tây Nguyên: Bộ chiêng từ giá trị vật chất đơn thuần, để trở thành vật thiêng, dân làng phải tiến hành nhiều nghi lễ mang đậm dấu ấn tâm linh; trong đó đáng kể là lễ "đón hồn chiêng" - lễ cuối cùng trong hàng loạt các nghi lễ được tiến hành nhằm đưa "xác chiêng" được "nhập hồn".
Khi chiêng đã "nhập hồn" và trở thành chiêng thiêng, việc sử dụng cồng chiêng như thế nào và trong những lễ hội gì cũng đều được người thiểu số Tây Nguyên tuân thủ theo những quy định rất nghiêm ngặt.
Hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên đều cho rằng: Không gian văn hóa của cồng chiêng đang bị thu hẹp. Với các dân tộc bản địa Tây Nguyên, không gian văn hóa để lưu giữ và phát triển âm nhạc chiêng cồng là không gian thiêng. Về hình thức, không gian này là không gian của rừng núi hoang dã, của bản làng đơn sơ bên những dòng suối, ngọn núi, rừng cây… nhưng điều quan trọng bậc nhất là trong không gian ấy có các vị thần cùng "chung sống". Chỉ có không gian thiêng mới có thể sinh ra tiếng chiêng thiêng.
Bên cạnh đó, trong cái không gian thiêng ấy, con người với tư cách là một thực thể của vũ trụ chính là "tầng dưới" đang hướng về một "cõi thiêng" nằm ngoài vũ trụ. Bởi thế, trong các buôn làng truyền thống Tây Nguyên, khi già làng và thầy cúng làm lễ cúng chiêng trước khi mang thứ nhạc cụ vào lễ hội, mọi người có mặt quanh đó đều phải im lặng và mắt hướng về phía ngọn lửa với lòng thành tuyệt đối.
Đến lúc chiêng được mang vào hội, nghĩa là đã được sự đồng ý của thần linh, khi những âm thanh trầm bổng dập dồn cất lên thì mọi người đều phải "vào vòng" xoang với niềm hân hoan tưởng như bất tận. Có thể nói, trong không gian thiêng ấy, thế giới thần linh luôn hiện hữu cùng với những hoạt động của con người.
Điều đáng quan tâm hiện nay là, ở lớp người trẻ tuổi, không những đơn giản hóa những quan niệm về chiêng cồng mà khả năng tiếp thu để diễn tấu các bài bản chiêng của họ cũng rất hạn chế. Trong cộng đồng Mạ, Cơho ở Lâm Đồng, nhiều nghệ nhân trẻ không thể nhớ hết nổi "36 điệu chiêng" của ông bà họ để lại. Cũng như vậy, ở cộng đồng Mnông tỉnh Đăk Lăk, vẫn có những người không thể phân biệt đâu là bài bản chiêng dùng trong lễ phát rẫy, lễ phơi rẫy, lễ xuống giống và đâu là bài bản chiêng trong lễ tạ ơn rìu rựa, lễ tắm lúa, lễ cúng bến nước…
Điều nguy hiểm hơn, xu thế mất dần tính thiêng của chiêng cồng Tây Nguyên còn được thể hiện ở chỗ: Ngày nay, nhiều người đã tỏ ra rất tùy tiện trong việc sử dụng các bộ chiêng thiêng và tùy tiện sử dụng các bài bản. Trong các buôn làng ngày xưa, cồng chiêng thường chỉ được sử dụng trong các lễ lớn của gia đình, dòng tộc hoặc buôn làng thì nay, cũng ngay trong cái không gian buôn làng ấy, việc "mua vui" cho "người ngoài" đã trở nên một hiện tượng không hiếm, nếu như không muốn nói là khá phổ biến.
Rồi nữa, không gian địa lý để cho chiêng "cất lời" đã trở nên quá dễ dãi tại những đô thị với các lễ hội mà yếu tố hội hầu như chiếm phần lớn.
Chương trình hành động quốc gia sau khi cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới hẳn là một chương trình dài hơi và đòi hỏi cần được đầu tư nhiều về vật chất và đặc biệt là trí tuệ. Với thực trạng cồng chiêng Tây Nguyên như trên vừa phân tích, xem ra chương trình này khi được triển khai bằng những việc làm cụ thể ắt không mấy dễ dàng!
|