Năm 2005 là năm Dung Quất chuyển sang giai đoạn tăng tốc phát triển. Mốc son đánh dấu bước chuyển minh quan trọng đó là: Gói thầu số 1 Nhà máy lọc dầu Dung Quất được ký kết và động thổ; hoàn thành việc nạo vét túi bùn đê chắn sóng; cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện, thu hút và chấp thuận đầu tư cho nhiều dự án, trong đó có 2 dự án FDI với quy mô lớn…
Theo Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất Trần Lê Trung, để Dung Quất sớm trở thành một trong những hạt nhân tăng trưởng mạnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước thì nhất quyết Dung Quất phải đi bằng "hai chân và ba mũi".
Hai chân ở đây là: lọc dầu, hóa chất và các chế phẩm hóa chất khác; luyện cán thép và sau thép. Ba mũi gồm: Phát triển công nghiệp (chủ yếu công nghiệp nặng); khai thác lợi thế cảng nước sâu để phát triển thương mại - xuất nhập khẩu và phát triển dịch vụ du lịch - đô thị.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Trung đưa ra 2 giải pháp quan trọng. Đó là, thực hiện cơ chế "1 cửa", huy động nguồn nhân lực, gồm: cán bộ quản lý giỏi và lực lượng công nhân lành nghề, có trình độ cao, chứng chỉ nghề quốc tế… Trên cơ sở hoạch định đó, Ban quản lý KKT Dung Quất tiếp tục coi trọng việc đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, coi đây là bộ mặt, đòn bẩy kích thích các nhà đầu tư vào Dung Quất. Đến nay, giá trị khối lượng thực hiện các dự án trong năm 2005 ước đạt khoảng 223 tỉ đồng/154,9 tỉ đồng, đạt 114% kế hoạch, tăng 17,5% so với năm 2004. Tổng vốn đã giải ngân là 254,9 tỉ đồng (kể cả vốn ứng trước kế hoạch năm 2006 là 50 tỉ đồng và vốn tín dụng 50 tỉ đồng), đạt 164,6% kế hoạch vốn cả năm.
Nhờ đó, việc thu hút đầu tư và phát triển khai các dự án đầu tư đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong năm đã cấp phép cho 20 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.534 tỉ đồng; chấp thuận đầu tư cho 32 dự án (1,264 tỉ USD), trong đó có 4 dự án vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, đã có 94 dự án được cấp phép và chấp thuận đầu tư tại Dung Quất, với tổng vốn đăng ký tương đương 4,5 tỉ USD.
Điều này chứng tỏ Dung Quất đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Minh chứng cho thành công đó là lần đầu tiên ở Dung Quất có 2 dự án đầu tư 100% vốn FDI với quy mô lớn, đang triển khai các bước lập dự án và xin cấp phép đầu tư (Nhà máy luyện thép lò cao, Nhà máy liên hiệp công nghiệp nặng, do các Tập đoàn lớn của Châu Á đầu tư).
Hiện tại có 25 nhà máy đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ trong năm 2005 ước đạt 170 tỉ đồng (đạt 113% kế hoạch), kim ngạch xuất khẩu 15 triệu USD (đạt 100% kế hoạch); giải quyết việc làm mới cho 4.730 lao động với mức thu nhập từ 700.000- 1.570.000 đồng/người/tháng.
Để sẵn sàng cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các nhà đầu tư vào đây, trong năm 2005 Trường đào tạo nghề Dung Quất đã đào tạo tập trung 3.260 học sinh, sinh viên (trong đó có 140 sinh viên đại học quản trị điều hành doanh nghiệp, 120 sinh viên đại học tài chính kinh tế doanh nghiệp, 107 học viên trung cấp PCCC…). Lớp công nhân kỹ thuật 3/7 gồm 655 em tốt nghiệp ra trường đã có việc làm ổn định tại các nhà máy của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Hiện nay trường đang xúc tiến nâng cấp thành trường cao đẳng dạy nghề đầu tiên của cả nước.
Về định hướng phát triển trong năm 2006, theo ông Trần Lê Trung thì đây là thời điểm Nhà máy lọc dầu Dung Quất tiếp tục được triển khai thi công đồng loạt các gói thầu; đồng thời là năm có tính chất đột phá trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất…
Tất cả những điều kiện đó làm tiền đề cho Dung Quất bước vào giai đoạn bắt đầu tăng tốc phát triển. Cũng theo ông Trung, dự kiến tổng vốn đầu tư trong năm khoảng 574,6 tỉ đồng (không kể vốn doanh nghiệp đầu tư hạ tầng xã hội, sản xuất - kinh doanh). Cấp phép đầu tư 25 dự án với vốn đăng ký đầu tư 4.500 tỉ đồng. Thực hiện giá trị công nghiệp đạt 455 tỉ đồng, đạt kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD, giải quyết việc làm mới cho khoảng 4.000 lao động.
. Theo báo Quảng Ngãi |