Chu Lai - thời cơ và thách thức
10:11', 14/12/ 2005 (GMT+7)

Gần đây Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai được cả nước và bạn bè quốc tế biết đến như là một nơi hấp dẫn đầu tư. Tại buổi lễ kỷ niệm 2 năm thành lập KKTM Chu Lai, theo Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng KKTM Chu Lai Vũ Ngọc Hoàng, thì Chu Lai đã kết thúc giai đoạn khởi động và bước vào giai đoạn tăng tốc.

KKTM Chu Lai ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động mở và tích cực đàm phán để hội nhập kinh tế quốc tế vì vậy chủ trương mở của Chu Lai không gặp nhiều trở ngại. Mặt khác, Bộ Chính trị và Chính phủ cũng đang tập trung đầu tư cho miền Trung để phát triển hài hòa với hai đầu đất nước. Đây là cơ hội cho miền Trung nói chung và Chu Lai nói riêng. Tại Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh và các địa phương đã và đang tập trung sức xây dựng KKTM với một quyết tâm cao.

Đối với các nhà đầu tư trong nước, phần nào đã lường trước sự cạnh tranh khốc liệt khi mở cửa thị trường trong thời gian tới, nên đã tranh thủ đi trước tạo lập nền tảng tại những nơi ít chịu tác động của cạnh tranh, dễ tìm vị trí thuận lợi, hoạt động cầm chừng nhằm hạn chế rủi ro trong ngắn hạn và chờ cơ hội để hợp tác với nước ngoài trong dài hạn nên họ có nhu cầu bước vào miền Trung.

Hiện nay, Việt Nam đang nổi lên như là một địa chỉ tin cậy để đầu tư lâu dài. Khi chọn Việt Nam các nhà đầu tư sẽ nhìn đến một thị trường lớn hơn cho hàng hóa mà họ sản xuất và tiêu thụ, khi đó lợi thế về ổn định sản xuất kinh doanh và hạ giá thành sản phẩm tại chỗ sẽ là quan trọng. Và như vậy miền Trung, trong đó có Chu Lai, không nằm ngoài tầm ngắm của họ.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13-8-2004 về phương hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và 2020, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy khu vực này phát triển có trọng tâm và đúng hướng. Tại đây, thành phố Đà Nẵng và tốc độ đô thị hóa rất nhanh đã và đang khẳng định sẽ trở thành trung tâm hành chính, tài chính, thương mại, dịch vụ của miền Trung. Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức khởi công theo đó là sự bùng nổ của hàng loạt các ngành công nghiệp sau hóa dầu và các ngành công nghiệp nặng khác. Chu Lai nằm ở giữa nếu biết tận dụng cơ hội sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ hai cực phát triển này.

Với thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XIX sẽ tạo ra những bước đi căn bản, lâu dài và ổn định hơn cho sự phát triển của KKTM Chu Lai. Về phía Trung ương, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (năm 2006) cũng sẽ tạo ra những cú hích mới, những tư duy chiến lược mới; đặc biệt, những cơ chế thoáng mở sẽ được mạnh dạn hơn trong đệ trình và áp dụng.

Có ý kiến so sánh yếu tố mở của Chu Lai hôm nay với "mở" của Hội An, Thâm Quyến, Âu-Mỹ ngày xưa. Đã mở là thành công. Nhưng thực tế cho thấy, chưa nói đến những yếu tố khác thì bối cảnh quốc tế cũng đã khác xa bối cảnh quốc tế ngày xưa - bây giờ là thời buổi toàn cầu hóa kinh tế quốc tế dựa trên nền kinh tế tri thức và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, chứ không phải hạn chế mậu dịch và đầu tư trong điều kiện buôn bán, di chuyển tư bản thủ công như ngày xưa. Vì vậy "mở" ngày nay chỉ là lợi thế tương đối.

Mặt khác, cho đến thời điểm này, yếu tố "mở" của KKTM Chu Lai cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét lại. Nếu chỉ ưu đãi thêm so với mặt bằng chung về thuế, đất đai, xuất nhập khẩu, cải cách một vài thủ tục hành chính, thân thiện với nhà đầu tư thì cũng chưa thể gọi là "mở" trong bối cảnh hiện nay. Làm thế nào để chứng minh cho nhà đầu tư rằng, khi họ đầu tư vào đây sẽ thu được lợi nhậu nhanh và an toàn, bền vững hơn bất kỳ nơi nào khác.

Miền Trung là nơi khắc nghiệt về thời tiết, tài nguyên nhiều nhưng phân tán, nhân công dồi dào nhưng chất lượng thấp (gồm cả đội ngũ quản lý và công nhân có tay nghề), thị trường tại chỗ không đáng kể và trải dài, chi phí đầu tư cao. Riêng Chu Lai, ngoài ý thức thị dân chưa cao thì kết cấu hạ tầng và dịch vụ cơ bản còn quá kém và thiếu tính cạnh tranh (cảng container, điện, nước, xử lý môi trường, thông tin liên lạc, giao thông, y tế, đào tạo, dịch vụ đô thị, vui chơi giải trí, công nghiệp- dịch vụ hỗ trợ…), chưa thể đáp ứng cho sản xuất công nghiệp hiện đại. Quy hoạch và chiến lược đầu tư còn chưa rõ ràng (phạm vi, mức độ, nội dung quy hoạch; ưu tiên về khu vực và hạng mục đầu tư; hoạch định chiến lược 5 năm, kế hoạch hằng năm…).

Với những tồn tại về "phần cứng" như vậy, kêu gọi đầu tư trong điều kiện hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Chu Lai được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng triển khai trên thực tế thì chưa bao nhiêu.

Công tác quản lý và triển khai hậu cấp phép dường như chưa được quan tâm đúng mức và còn rời rạc, chưa rõ ràng. Còn nhiều đầu mối có thẩm quyền can thiệp vào công việc của nhà đầu tư và thúc đẩy họ triển khai dự án một cách duy ý chỉ, khiến nhà đầu tư không biết tại KKTM Chu Lai bộ phận nào, cơ quan nào là thực sự có thẩm quyền quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Vẫn còn khoảng cách giữa "tư tưởng thoáng" của lãnh đạo tỉnh với "nghiệp vụ chặt chẽ" của cán bộ chuyên môn. Nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án của nhà đầu tư đã không được giải quyết kịp thời, thậm chí để trôi trong một thời gian dài. Đây không phải là những việc xảy ra thường xuyên, nhưng tại KKTM thì lại là vấn đề lưu tâm lớn.

Trên thực tế, do KKTM Chu Lai chưa có cơ chế, chính sách thí điểm nên Chính phủ đã không cần tổng kết để rút kinh nghiệm mà thành lập hàng loạt các khu kinh tế khác có điều kiện tương tự và nằm gần nhau như Chân Mây, Dung Quất, Nhơn Hội, Văn Phong. Các khu kinh tế này có hạ tầng khá tốt và cũng nhiều lợi thế thu hút đầu tư. Do đó, Chu Lai không còn là "số một" nữa. Và được biết, Chính phủ đang soạn một nghị định chung áp dụng cho các khu kinh tế.

Chúng ta thường nói cơ chế chính sách là "phần hồn" của Chu Lai, nhưng việc quan tâm có khoa học và đúng bản chất để thực thi có hiệu quả vẫn còn chưa quyết liệt trong thời gian vừa qua. Vẫn còn tình trạng chung chung, không nắm các diễn biến của hệ thống pháp luật và ngại đương đầu với khó khăn.

Bộ máy trực tiếp thực hiện các công việc liên quan đến hình thành và phát triển KKTM Chu Lai chưa đủ tầm. Làm thế nào để chúng ta chuyển từ tư duy quản lý dự án sang tư duy tổ chức đầu tư, chuyển từ quan điểm kế hoạch hóa sử dụng ngân sách Nhà nước sang chiến lược phát huy các nguồn lực từ dân doanh và nước ngoài, chuyển từ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đơn lẻ sang kiến thức tổng hợp phù hợp với xu thế thời đại, chuyển từ trách nhiệm riêng (ban quản lý) sang trách nhiệm chung (các địa phương và ngành liên quan)… Đây là những yêu cầu đã và đang đặt ra đối với đội ngũ làm kinh tế mở của thời kỳ "mở".

Trên đây mới chỉ là những thời cơ và thách thức cơ bản đối với KKTM Chu Lai trong thời gian gần. Những gì đã làm được trong thời gian qua là đáng ghi nhận, tuy nhiên, để xứng tầm của một KKTM đầu tiên của Việt Nam thiết nghĩ còn quá nhiều việc phải làm - làm mới hoặc làm lại. Thực tế khách quan này buộc chúng ta phải bắt đầu bằng sự thẳng thắn tự nhìn lại mình. Hy vọng rằng bước vào năm mới, với thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, sẽ tạo nên một cách nghĩ mới và một cách làm mới cho KKTM Chu Lai.

. Theo báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát hiện nền tháp Chăm mới tại Thừa Thiên - Huế  (13/12/2005)
Bán đảo Sơn Trà: Ấn tượng và triển vọng  (13/12/2005)
Du lịch Cửa Lò  (12/12/2005)
Đi biển xứ Quảng  (11/12/2005)
Liên kết vùng hướng mở cho du lịch Lâm Đồng  (09/12/2005)
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Thừa Thiên Huế  (08/12/2005)
Nét đẹp xứ cà phê Tây Nguyên  (08/12/2005)
Thăm hồ Ya Ly  (07/12/2005)
Dung Quất sau một năm tăng tốc  (07/12/2005)
Hang Từ Thức - vẻ đẹp bí ẩn  (06/12/2005)
Mộ gió ở đảo Lý Sơn  (05/12/2005)
Xây dựng cáp treo nối đất liền với đảo Hòn Tre  (04/12/2005)
Hồn thiêng trong tiếng chiêng cồng  (04/12/2005)
Xây nhà máy đóng tàu tại Vịnh Cam Ranh  (02/12/2005)
"Nàng tiên" của Bình Thuận  (02/12/2005)