Việc khởi công các gói thầu quan trọng nhất vào cuối tháng 11-2005 vừa qua đã đặt dấu chấm hết cho một quá trình gần 10 năm chờ đợi về dự án lọc dầu đầu tiên của nước ta. Vậy là, xóm Đồng Tre, nơi sẽ đặt trụ sở của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, từ hôm nay, bình minh đã bắt đầu ló dạng.
|
San lấp mặt bằng Nhà máy lọc dầu (ảnh: TĐ)
|
Mưa vàng trên cát trắng
Có thể nói như thế về Nhà máy lọc dầu Dung Quất vì sự hiện hữu của nó ngay tại vùng cát trắng mênh mông ở phía đông bắc của tỉnh Quảng Ngãi này.
Vốn không được thiên nhiên ưu đãi, vùng Đồng Tre, nói rộng ra là cả khu đông huyện Bình Sơn, từ lâu đã gắn với câu ca xót lòng: "Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm". Khoai hay củ gì thì cũng thế thôi. Nghĩa là, khái niệm "cơm" với người dân nơi đây luôn là một điều gì đó quá đỗi xa vời.
Còn bây giờ, chưa biết có được ăn cao lương hay đặc sản gì hay không nhưng với 2,5 tỉ USD (40 ngàn tỉ đồng VN) mà rót cùng lúc vào vùng cát trắng bời bời này thì chắc hẳn người dân không còn phải ăn củ hay khoai gì nữa.
Theo tính toán của các nhà kinh tế, với ngần ấy tiền được rót vào Dung Quất, chí ít, số tiền ăn ở và các dịch vụ khác cũng chiếm 20%, tức 8 ngàn tỉ đồng. Như thế, trong vòng 4 năm tới, sẽ có ít nhất là 8 ngàn tỉ được chi dùng vào các dịch vụ ngay tại Quảng Ngãi. Nên biết điều này: Thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi hiện nay chưa vượt ngưỡng 500 tỉ đồng/năm.
Nêu con số trên để thấy rằng 8 ngàn tỉ kia là số tiền khổng lồ đối với một tỉnh luôn luôn "đội sổ" về thu ngân sách như Quảng Ngãi. Nói "mưa vàng" trong trường hợp này cũng không có gì là quá lắm. Vấn đề bây giờ là Quảng Ngãi phải làm gì để đón cơn mưa nghìn năm có một ấy ra sao mà thôi.
Cơ hội cho Dung Quất
Sau nhiều năm lặng tiếng, những "cựa quậy" của Nhà máy lọc dầu trong thời gian gần đây đã mang lại cho Dung Quất những sinh khí mới. Ban Kinh tế Dung Quất nêu trong bản báo cáo của mình rằng, đến nay đã có trên 40 dự án được đầu tư vào Dung Quất với số vốn lên đến trên 4 tỉ USD. Thực ra, số liệu trên chỉ mang tính "động viên" hơn là thực chất, vì rằng, giấy phép cho các nhà đầu tư thì đã cấp rồi, song hầu như tất cả còn chờ những động tĩnh mới từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Không ít những dự án "nhanh chân" đã thành gánh nặng nợ nần cho các doanh nghiệp. Nhà máy nước Dung Quất, vốn đầu tư 50 tỉ, mỗi năm lỗ hàng tỉ đồng, là một ví dụ. Vì vậy, sự dè dặt trong việc triển khai các dự án đã cấp phép của các nhà đầu tư tại Dung Quất cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, từ mấy tháng qua, không khí đầu tư vào khu kinh tế này đã bắt đầu ấm dần lên. Trong những ngày cuối năm vừa qua, hàng loạt các nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại Phân khu Sài Gòn-Dung Quất đã gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng để đến đầu năm 2006 là sẽ có sản phẩm đầu tiên, xuất bến ngay tại cảng Dung Quất.
Hay như Nhà máy đóng tàu của Vinashin - một dự án không liên quan nhiều đến Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đã khởi công mấy năm nay, song đến cuối tháng 11-2005, khi Nhà máy lọc dầu "khởi công lại", Nhà máy đóng tàu mới thực sự nhập cuộc. Đến năm 2007, ngay tại Dung Quất, Vinashin sẽ cho xuất xưởng con tàu mười vạn tấn đầu tiên của nước ta.
|
Trên công trường Dung Quất (ảnh: TĐ)
|
Còn nhà máy thép, vốn 1 tỉ USD do một tập đoàn thép của nước ngoài đầu tư, mấy năm nay họ cứ "lượn lờ" nhiều chỗ nhưng chưa định hình, giờ Nhà máy lọc dầu vào cuộc, họ quyết định đầu tư tại Dung Quất. Nhiều nhà đầu tư và các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đã quay trở lại Dung Quất để đưa ra các quyết định cuối cùng của họ kể từ khi Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất bằng nguồn vốn trong nước.
Có thể nói, đây là giai đoạn tốt nhất để Khu Kinh tế Dung Quất thể hiện sự năng động của mình trong việc nắm bắt các cơ hội đầu tư tại đây.
Cả miền Trung cùng hy vọng
"Khi khả năng độc lập về năng lượng của mỗi quốc gia đã thành chủ đề trung tâm của toàn thế giới thì sự hiện hữu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dù chỉ cung ứng 30% nhu cầu trong nước, đã là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế của Việt Nam". Ngài Đại sứ Pháp tại VN đã nói như thế tại buổi lễ khởi công các gói thầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào cuối tháng 11-2005 vừa qua.
Trước hết, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế cho cả khu vực miền Trung trong giai đoạn hiện tại. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, lạc quan: "Với số lượng hàng ngàn chuyên gia sẽ có mặt tại Dung Quất vào năm 2006 này thì sân bay Chu Lai sẽ là nơi chịu ảnh hưởng tích cực đầu tiên. Hãng hàng không sẽ tăng nhiều chuyến bay chứ không dừng lại 2 chuyến/ tuần như hiện nay. Họ cũng sẽ mở thêm tuyến Hà Nội-Chu Lai vào đầu quý II năm 2006 và sử dụng loại máy bay lớn nếu như số chuyên gia và các nhà đầu tư đến Dung Quất ngày một nhiều hơn. Cảng Kỳ Hà cũng sẽ nhộn nhịp hơn trong những năm tới".
Được biết, một số dự án liên quan đến các sản phẩm sau dầu được các doanh nghiệp đặc biệt chú ý và có những dự định trong việc đầu tư, không chỉ ở Khu Kinh tế Dung Quất mà ngay cả Khu Kinh tế Chu Lai. Một khi Nhà máy lọc dầu đưa vào sử dụng, cả một chuỗi đô thị miền Trung từ Chân Mây-Thừa Thiên-Huế đến Đà Nẵng rồi Nhơn Hội của Bình Định mà "hạt nhân" là Chu Lai-Dung Quất sẽ được kéo theo.
Trong báo cáo trình Đại hội Đảng bộ các tỉnh vừa qua, cơ cấu kinh tế cũng đã được thay đổi dựa vào những chuyển biến từ các khu kinh tế mà "trái tim" vẫn là Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Đồng Tre - cánh đồng ấy giờ không còn tre nữa mà sẽ thay vào đó là ống khói của nhà máy lọc dầu. Bài ca khoai củ đau đáu một thời giờ chỉ còn trong ký ức. Mãi mãi sẽ là như thế. Hy vọng là như thế.
|