Đó là chùa Mật Đa - di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, tọa lạc tại phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa). Theo văn bia còn lưu giữ thì chùa Mật Đa được xây dựng từ xa xưa, ngay bên bờ sông Mã, vào năm Quý Mão (1724) được dời về ấp Hòa Bình, phường Nam Ngạn là vị trí hiện nay.
Chùa nằm trong quần thể di tích làng cổ Đông Sơn, nơi phát hiện nền văn minh cổ đại rực rỡ của dân tộc và cụm di tích lịch sử Hàm Rồng - Nam Ngạn lừng lẫy chiến công trong kháng chiến chống Mỹ cách đây 40 năm.
Chùa Mật Đa rất đẹp, bên trái có núi hình con rồng vươn ra biển, bên phải có hình hổ trắng đang chầu, trước mặt có sông chảy, sau lưng có chim phượng chầu. Mật Đa Tự mang hàm nghĩa là rừng cây hình chữ bảo tháp, có hoa thơm quả ngọt của đất Phật, có nhiều phúc đức, nên từ xa xưa chùa đã thu hút rất đông khách thập phương về chiêm bái thể nguyện tâm linh, cầu phúc, làm việc thiện giúp đời…
Mật Đa Tự không chỉ là một ngôi chùa đẹp, linh thiêng trong tâm nguyện của nhân dân mà còn là một di tích lịch sử, có công trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ thế kỷ trước. Cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Hàm Rồng - Nam Ngạn không bao giờ quên hình ảnh các nhà sư trong chùa tham gia đánh Mỹ, thời kỳ chiến tranh phá hoại từ 1965 đến hòa bình lập lại.
Chùa Mật Đa chỉ nằm cách cầu Hàm Rồng non 2 km theo đường chim bay nên đã trở thành điểm cứu chữa thương binh quan trọng của trận địa bảo vệ cầu Hàm Rồng. Theo những nhân chứng hiện hữu thuật lại: khi đó, thương binh nhiều quá, trên trời máy bay gầm rú, mặt đất bom nổ ầm ầm, tiếng súng bộ binh, pháo cao xạ của ta đan lưới lửa nở rộ trên trời. Lát lát lại có tiếng reo "máy bay cháy rồi"…
Trong đạn bom ác liệt như vậy, thì cửa thiền lại rộng mở, dang vòng tay nhân ái đón nhận thương binh về cứu chữa. Từ sư cụ đến các chú tiểu trong chùa đều tất bật, hối hả băng bó, vận chuyển thương binh, thiếu băng thì xé cả màn để băng, tháo cả cửa làm chỗ nằm cho thương binh… Mọi người đều xả thân phục vụ chiến đấu, điển hình như sư cụ Thích Đàm Xuân, nay đã viên tịch, sư cụ Thích Đàm Duyên nay đã ngoài tám mươi tuổi (khi đó mới là sư thầy) đã không quản hy sinh cứu chữa được rất nhiều bộ đội, dân quân du kích và thanh niên xung phong. Họ đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huân, huy chương, Bác Tôn gửi tặng lụa vàng… Và cố nhà thơ Huy Cận lúc đó đã đề thơ tặng chùa và sư cụ Đàm Xuân như sau:
Cởi áo cà sa, ký lên Tam bảo,
Xông pha chiến trường, giết giặc lập công.
Nếu trong chiến tranh, chùa Mật Đa là một nơi có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ, thì hôm nay chùa là một địa chỉ tin cậy, tín ngưỡng của nhân dân TP Thanh Hóa và khách thập phương. Chùa đã có nhiều công lao trong việc cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn tật nguyền, tham gia xây dựng nhà tình nghĩa và nhiều hoạt động xã hội từ thiện khác, được các cấp chính quyền và đoàn thể thành phố Thanh Hóa ghi nhận.
Các sư trụ trì hôm nay đều là những người sống tốt đời đẹp đạo, được nhân dân trong vùng tin tưởng mến yêu, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng thành phố Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp. Họ còn luôn mong muốn chùa Mật Đa ngày càng trở nên đẹp đẽ, khang trang xứng với cơ ngơi cửa Phật, xứng với tầm vóc một di tích lịch sử quốc gia.
. Theo báo Thanh Hóa |