Trên quê hương di sản
8:36', 21/12/ 2005 (GMT+7)

Nằm giữa khúc ruột miền Trung, trong quá trình mở cõi, thông thương, giao lưu với bên ngoài, Quảng Nam là nơi hội tụ, giao lưu và tiếp biến nhiều nền văn hóa khác nhau như Văn hóa Sa Huỳnh thời tiền sử và sơ sử, Văn hóa Chăm, Văn hóa Đại Việt, Văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa… Chính sự gặp gỡ ấy đã làm cho Quảng Nam lắng đọng thêm nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc anh em.

           Mỹ Sơn (ảnh: TPO)

Vùng đất Quảng Nam xưa từng một thời hưng thịnh, rực rỡ của Vương quốc Chămpa và xứ Đàng Trong của quốc gia Đại Việt. Trên nền lịch sử đó, Quảng Nam đã thừa hưởng nhiều di sản, di tích mang dấu của nhiều thời đại với quá khứ vàng son. Ngoài đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận di sản văn hóa thế giới, Quảng Nam còn có hàng chục di tích được xếp hạng cấp quốc gia, hàng trăm di tích cấp tỉnh.

Quảng Nam là nơi còn bảo lưu nhiều nhà cổ dân gian có nhiều giá trị về kiến trúc, nghệ thuật. Bên cạnh những di sản, di tích vật thể, Quảng Nam cũng giữ gìn nhiều di sản văn hóa phi vật thể quý báu của dân tộc, đó là di sản văn hóa phi vật thể của người Kinh ở đồng bằng và di sản văn hóa phi vật thể của nhiều dân tộc thiểu số ở miền núi như Cơtu, Xơđăng, Giẻ-Triêng, Co.

Quảng Nam còn có nhiều danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên như cù lao Chàm, Hòn Kẽm- Đá Dừng, Bàn Than, các khu bảo tồn thiên nhiên như sông Thanh, Ngọc Linh…

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Nam - mảnh đất kiên trung, bất khuất đã ghi thêm những trang sử oai hùng; mỗi tên đất tên làng đều gắn với những chiến công huyền thoại, trở thành di tích chiến tranh cách mạng, làm giàu thêm vốn di sản, truyền thống nhân văn, phẩm giá của dân tộc.

Là chủ nhân của hai di sản văn hóa thế giới và nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong nhiều năm qua Quảng Nam đã nỗ lực để giữ gìn những di sản cho nhân loại và cho đất nước, để các di sản, di tích mãi mãi góp phần làm đẹp, làm giàu cho quê hương.

Tuy nhiên, do khối lượng di tích quá lớn và đã lâu không được quan tâm tu bổ, tôn tạo, hằng năm trải qua những trận lũ, lụt nên nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Di tích Mỹ Sơn bị bom đạn trong chiến tranh tàn phá nên hầu hết ở trong trình trạng phế tích. Vả lại, do vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gạch, đá sa thạch và đất nung, bí ẩn của chất kết dính chưa được giải mã cho nên việc bảo quản, tu bổ và phục hồi gặp nhất nhiều khó khăn không chỉ về kinh phí mà còn về quan niệm, nhận thức và khả năng của đội ngũ cán bộ quản lý, cơ quan tư vấn thiết kế và đơn vị thi công đảm nhận nhiệm vụ trùng tu, gia cố các di sản kiến trúc nghệ thuật Chămpa.

Các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc chưa được sưu tầm, nghiên cứu, phát huy có hiệu quả, nhiều tài sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một. Nạn buôn bán nhà cổ, cổ vật bất hợp pháp chưa thể ngăn chặn được, đang ngấm ngầm làm thất thoát hiện vật quý.

Hơn bao giờ hết tỉnh Quảng Nam cần quy hoạch, xây dựng những công trình, cơ sở hạ tầng, những thiết chế văn hóa như nhà bảo tàng, khu bảo tàng ngoài trời đáp ứng cho công tác trưng bày, giới thiệu, phục chế các hiện vật khảo cổ học, dân tộc học, lịch sử chiến tranh cách mạng nhằm phục vụ việc nghiên cứu, tham quan du lịch, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh trùng tu cách di tích vật thể, cần đi sâu nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học về di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện đề án hỗ trợ xây dựng nhà làng truyền thống đối với đồng bào miền núi, tổ chức định kỳ ngày hội văn hóa - thể thao miền biển, ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc miền núi để bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Phát triển và phục hồi làng nghề truyền thống, điều tra và lập danh sách nghệ nhân để trình lên cấp trên công nhận nghệ nhân dân gian nhằm tôn vinh và ghi nhận công sức, tài năng, trí tuệ của họ trong việc gìn giữ, truyền dạy những tài sản, tinh hoa văn hóa của dân tộc.

. Theo báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
KKT Chân Mây - Lăng Cô: Cơ hội mới của Thừa Thiên Huế  (20/12/2005)
Qua đèo Ngang nhớ câu thơ xưa  (19/12/2005)
Núi Ngự Bình - Vẻ đẹp xứ Huế  (18/12/2005)
Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh  (16/12/2005)
Sáng mãi một di tích  (15/12/2005)
Bình minh từ xóm Đồng Tre  (14/12/2005)
Chu Lai - thời cơ và thách thức  (14/12/2005)
Phát hiện nền tháp Chăm mới tại Thừa Thiên - Huế  (13/12/2005)
Bán đảo Sơn Trà: Ấn tượng và triển vọng  (13/12/2005)
Du lịch Cửa Lò  (12/12/2005)
Đi biển xứ Quảng  (11/12/2005)
Liên kết vùng hướng mở cho du lịch Lâm Đồng  (09/12/2005)
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Thừa Thiên Huế  (08/12/2005)
Nét đẹp xứ cà phê Tây Nguyên  (08/12/2005)
Thăm hồ Ya Ly  (07/12/2005)