Trái bầu nước trong cuộc sống của người Mnông
9:51', 23/12/ 2005 (GMT+7)

Đến Tây Nguyên gặp bất cứ một nhóm người dân tộc thiểu số tại chỗ nào như Mnông, Ê-đê, Ba-na, Cơ-ho… đi lên rẫy thì du khách đều thấy người ta mang theo những trái bầu khô, có thể đeo ngang hông, bỏ trong gùi hoặc cầm trên tay với vẻ trân trọng.

Đội chiêng của người Mnông, Tây Nguyên (ảnh: TTO)

Đó là trái bầu nước đã gắn bó với bà con nơi đây từ bao đời nay, mặc dù trên thị trường bán rất nhiều vật dụng khác bằng nhựa, kim loại giản tiện hơn song người ta vẫn không thích dùng.

Theo các già người Mnông kể lại thì trái bầu đựng nước cũng là giống bầu ăn trái bụng phình to, cổ thon lại cao khoảng 10 cm nhưng phải được trồng trên mảnh đất cằn cỗi, tuy lâu có trái và trái nhỏ nhưng vỏ rất dày và bền.

Khi bầu kết trái to bằng nắm tay thì chọn chừa lại mỗi dây 2-3 trái đẹp nhất không méo mó, số còn lại vặt bỏ hết. Lúc còn non người ta phải treo trên cổ bầu một loài lá cây làm cho ruồi nhặng sợ không đục, khi bầu bắt đầu cứng vỏ thì thận trọng cột giữ cho cho chắc trên giàn rồi dùng gai cây rừng vẽ hoa văn, họa tiết tùy theo ý thích mỗi người.

Không chỉ vẽ một lần là được mà cứ vài ngày phải nạo lại vết vẽ kẻo bầu lớn bít mất và đợi khi nào dây bầu héo khô mới cắt đem về nhà. Người ta làm cơm cúng Giàng rồi mới dùng mũi dao nhọn, bén đục lỗ phía trên cổ bầu, lấy cái móc xoắn luồn vào lôi hết ruột, hột ra và đổ nước vôi vào ngâm. Ngâm như thế nửa tháng mới trút bỏ và đem cho 7-8 trái bầu vào nồi to cài cây phía trên cho chìm ngập nước luộc hai đêm hai ngày mới vớt ra (bầu được luộc không bị mối, mọt đục).

Tiếp đến là ngâm và súc nước lạnh mỗi ngày hai lần suốt 7 ngày cho sạch xơ bầu bên trong mới sửa chữa lại hoa văn, họa tiết cho sắc nét. Nhiều người thích sơn bầu bằng nhựa của một loài củ rừng; việc sơn rất cầu kỳ, mỗi ngày phải dùng chổi quét tới 5-7 lần đem phơi nắng, khô lại quét tiếp đến cả một tháng mới ngấm (chứ không phải là sơn hóa chất như ta tưởng).

Có người thích để vỏ mộc như vậy nhưng cũng được đánh bóng bằng lá cây ráp phơi hơi héo hàng chục lần đến độ soi gương được mới thôi. Mỗi người trong nhà từ 10 tuổi trở lên đều có bầu nước riêng để đem theo khi đi rừng hoặc đi rẫy, thậm chí đem đi học. Nhà nào cũng có một trái bầu rất to có thể chứa được từ 8-10 lít nước để uống, tiếp khách gọi là "bầu cái" đặt trong góc nhà và người mẹ phải có trách nhiệm không để bầu cạn khô nước và các "bầu con" được lấy nước từ bầu mẹ này.

Ngoài ra bầu còn dùng vào rất nhiều việc như đựng rượu, ngâm thuốc bổ, đựng hạt giống có khi đựng cả canh mang lên rẫy, nhưng bầu nào dùng cho việc gì thì chỉ có việc ấy, không đựng lộn xộn.

Ngày xưa trai gái đến tuổi cặp kê thường hay lấy trái bầu nước tỏ tình với nhau bằng cách, chàng trai đã để ý cô gái nọ mà không dám ngỏ lời thì chàng phải về trồng một dây bầu; thỉnh thoảng kiếm cớ rủ cô gái ra đứng dưới gốc bầu trò chuyện, khi bầu già tự tay chàng phải trổ hết tài năng làm một trái vừa xinh xắn vừa có hoa văn đẹp nhờ người đem tặng và chờ đợi.

Nếu như đầu mùa rẫy năm ấy mà nàng cột đúng trái bầu ấy lủng lẳng sau gùi là nàng đã chấp nhận lời cầu hôn. Lúc này cứ mạnh miệng nói thẳng lời yêu thương thì chẳng mấy bữa cha mẹ nàng sẽ nhờ người mai mối đến dạm hỏi ngày (tục người Mnông con gái bắt chồng); nhưng nếu thấy nàng đeo trái bầu không phải của mình thì nên rút lui bởi "anh đã đến muộn em đã trót nhận bầu của người đến trước".

Tập tục này cho đến nay nhiều buôn người Mnông và một số dân tộc khác ở vùng sâu vẫn giữ. Cũng bởi trái bầu vừa là vật dụng không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày và đã từng là cầu nối tình duyên nhiều đôi lứa nên nó gắn bó mật thiết với người Mnông suốt bao đời nay.

. Theo Báo Dân tộc và Phát triển

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Du ngoạn trên dòng sông Lam, xứ Nghệ  (22/12/2005)
Trên quê hương di sản  (21/12/2005)
KKT Chân Mây - Lăng Cô: Cơ hội mới của Thừa Thiên Huế  (20/12/2005)
Qua đèo Ngang nhớ câu thơ xưa  (19/12/2005)
Núi Ngự Bình - Vẻ đẹp xứ Huế  (18/12/2005)
Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh  (16/12/2005)
Sáng mãi một di tích  (15/12/2005)
Bình minh từ xóm Đồng Tre  (14/12/2005)
Chu Lai - thời cơ và thách thức  (14/12/2005)
Phát hiện nền tháp Chăm mới tại Thừa Thiên - Huế  (13/12/2005)
Bán đảo Sơn Trà: Ấn tượng và triển vọng  (13/12/2005)
Du lịch Cửa Lò  (12/12/2005)
Đi biển xứ Quảng  (11/12/2005)
Liên kết vùng hướng mở cho du lịch Lâm Đồng  (09/12/2005)
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Thừa Thiên Huế  (08/12/2005)