Hàng năm, khi mùa mưa bão sắp kết thúc thì cũng là lúc các đợt triều cường "mở màn" cho việc tàn phá các làng chài ven biển miền Trung. Năm nay, triều cường còn được sự trợ giúp đắc lực của đợt áp thấp cuối mùa nên mức độ tàn phá càng dữ dội hơn.
|
Kè chống sạt lở ở Bình Châu - Quảng Ngãi (ảnh: T.Đ)
|
Mỗi dịp cuối năm
Cứ vào dịp cuối năm, khi mùa mưa bão ở miền Trung sắp kết thúc thì cũng là lúc triều cường bắt đầu "khai cuộc". Năm nay cũng vậy, từ giữa tháng 12, triều cường bắt đầu xuất hiện và hoành hành mạnh nhất trong suốt một tuần qua dọc dải đất miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.
Báo cáo nhanh của các tỉnh cho biết, trong các ngày từ 18-22.12, các tỉnh ven biển miền Trung có gần 30 điểm sạt lở, trong đó hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định bị nhiều nhất với 15 điểm sạt lở nặng. Khu vực Bình Thuận hiếm khi bị triều cường "thăm hỏi", song năm nay cũng có đến 4 điểm sạt lở đe dọa đến hàng trăm hộ dân.
Sở dĩ có hiện tượng bất thường này là vào những ngày qua, bên cạnh các đợt gió mùa đông bắc liên tục tràn xuống nước ta còn có thêm đợt áp thấp nhiệt đới ở khu vực vùng biển phía nam "hỗ trợ" nên triều cường càng hoành hành dữ.
Các đợt không khí lạnh vẫn chưa chấm dứt nên gió mùa đông bắc liên tục tràn xuống các tỉnh miền Trung. Do đó, triều cường vẫn chưa chấm dứt tàn phá các làng chài ven biển các tỉnh trong khu vực.
Bài toán về đất ở
Trong một tuần qua (17-24.12), triều cường đã đánh sập hoàn toàn 28 ngôi nhà của cư dân ven biển thuộc các tỉnh: Bình Thuận (13 nhà), Bình Định (9), Quảng Ngãi (6) nhà và đe dọa 280 ngôi nhà khác. Đó là chưa kể đến 5 chiếc tàu đánh cá của Bình Định bị sóng đánh chìm, 146 hồ tôm của nông dân khu vực Nhơn Hội bị triều cường bằm nát. Triều cường không chỉ đe dọa dân cư ở các lành chài nông thôn mà ngay cả trong thị xã La Gi, Phan Thiết của Bình Thuận cũng bị biển "gặm" sâu vào đất liền từ 500 đến 1.500 mét làm các bể nuôi tôm giống và hàng trăm cây phi lao ngã đổ.
Tại xã Đức Lợi huyện Mộ Đức và xã Bình Châu huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), xã Hoài Hải huyện Hoài Nhơn (Bình Định), thủy triều đã tiến sâu vào đất liền hàng chục mét khiến hàng trăm gia đình phải sơ tán khẩn cấp trong những ngày qua. Những thiệt hại về nhà cửa và tài sản là rất lớn, song lớn nhất vẫn là diện tích đất thổ cư. Do đặc thù của miền Trung nên toàn bộ số cư dân hành nghề đánh cá đều sống tập trung ngay sát các cửa biển. Do thiếu đất ở nên mật độ dân cư tại các làng chài này còn cao hơn các thành phố lớn.
|
Triều cường gây sạt lở ở Nghĩa An - Quảng Ngãi (ảnh: T.Đ)
|
Đất đã thiếu, giờ thủy triều xâm thực nên lại càng thiếu. Rõ ràng, bài toán về đất ở quả là khó giải cho các làng chài hiện nay.
"Phải chuyển dân!"
Đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát với lãnh đạo các tỉnh sau khi đi thị sát các điểm sạt lở do triều cường dọc các tỉnh miền Trung. Tại buổi làm việc với các tỉnh, Bộ trưởng Phát lưu ý: "Cần phải chuyển gấp dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Không nên duy trì quan điểm "sống chung với triều cường" như lâu nay mà phải tránh xa nó bằng cách hình thành các khu tái định cư cho dân, đồng thời trồng cây chắn cát để hạn chế sạt lở".
Tuy nhiên, theo phản ánh của các tỉnh, tình trạng "thi công nhỏ giọt" các khu tái định cư cho dân lánh nạn triều cường đang diễn ra ở nhiều địa phương khiến công tác di dời dân gặp rất nhiều khó khăn. Gần 170 hộ dân của Bình Châu huyện Bình Sơn, 240 hộ dân ở Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa và 62 gia đình ở Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) luôn luôn sống trong tình trạng sợ thủy triều nuốt chửng từ 3-4 năm qua song họ không thể ra đi vì các khu tái định cư vẫn chưa thi công xong.
Trong khi chờ các khu tái định cư hoàn thiện, người dân các điểm sạt lở vẫn phải đầu tư hàng triệu đồng để mua bao cát về kè chống lở. Tuy nhiên, cứ ban ngày kè bao cát thì ban đêm thủy triều lấy đi. Dân các làng chài hiện nay chẳng khác nào những chú dã tràng xe cát!
|