Bình Thuận - Điểm du lịch giàu tiềm năng
9:57', 30/12/ 2005 (GMT+7)

Ai về Bình Thuận quê tôi

Mà xem Mũi Né, Hòn Bà, Đồi Dương

Hòn Rơm, Cà Ná mến thương

Lầu Ông Hoàng đó, Gành Son, Tháp Chàm…

Những câu ca dao mộc mạc đã giới thiệu khái quát được những cảnh đẹp nổi tiếng của một tỉnh Nam Trung bộ với nắng vàng, biển xanh, cát trắng có tiềm năng du lịch khá lớn.

 

                   Mũi Né - biển xanh nắng vàng cát trắng.

 

Bình Thuận được biết đến với nhiều cảnh đẹp sơn thủy hữu tình và một môi trường trong lành vừa mang vẻ hoang sơ vừa hiện đại như: Mũi Né, Cà Ná, Cù Lao Nâu, Hòn Bà, Đồi Dương, Tháp Chàm Pôshanư, chùa Cổ Thạch, Chùa Ông, Lầu Ông Hoàng, mộ nhà thơ Nguyễn Thông, Hải đăng Khe Gà, Bàu Trắng... Nơi đây còn có trường Dục Thanh mà thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã từng dạy học, trước khi đi tìm đường cứu nước.

Bình Thuận còn nổi tiếng với nước mắm Phan Thiết, các đồ hải sản, nước suối Vĩnh Hảo... Và ta cũng không thể quên được những nhạc cụ dân tộc, các làn điệu dân ca qua giọng hát ngọt ngào của các cô gái Chăm làm say lòng du khách.

Sau một chặng đường dài của chuyến viễn du, ta có thể đắm mình trong dòng nước trong xanh ở Mũi Né, Đồi Dương,... xóa tan bao mỏi mệt đường dài. Bãi biển Đồi Dương - Phan Thiết, cát trắng mịn chạy dài hàng chục cây số, thoải dần ra biển, là một bãi tắm lý tưởng chẳng kém các bãi tắm nổi tiếng ở Vũng Tàu, Nha Trang, Sầm Sơn, Hạ Long... Du khách vừa tắm biển, vừa lắng nghe điệu nhạc bất tận của những hàng dương rì rào cùng sóng gió. Tắm xong, bạn có thể lên nằm nghỉ dưới tán mát cây dương, thưởng thức món mực tươi nướng (còn gọi là mực một nắng) thì thật tuyệt diệu, mà chỉ ở Bình Thuận mới có.

Đồi cát Mũi Né chạy dài tít tắp, óng ả như tấm thảm khổng lồ trong truyện cổ tích Ba Tư. Dưới ánh nắng vàng như mật ong cùng luồng gió mát, đẫm vị mặn của biển, bạn có thể ngắm mặt trời lên với vẻ đẹp tinh khôi, hoặc thả bộ tới những bãi tắm của Mũi Né có cảnh đẹp hùng vĩ, hoang sơ như Bãi Ông Địa, Bãi Trước, Bãi Sau... để tắm, câu cá, hoặc săn bắn.

Cách Phan Thiết hơn 7 km về hướng Đông Bắc là Lầu Ông Hoàng nằm trong một quần thể núi, đồi, sông, biển, chùa, tháp… tạo thành một khu danh lam thắng cảnh gắn với di tích lịch sử - văn hóa, nổi lên ở đồi Ngọc Lâm. Ở đây có Tháp Chàm cổ Pôshanư, chùa Bửu Sơn, núi Cố, và mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông.

Tới Hải đăng Khe Gà, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc đồ sộ do kỹ sư người Pháp Chnavat thiết kế, xây dựng từ tháng 2-1897, và hoàn thành vào năm 1899. Công trình này xây bằng đá hoa cương, cao 65m so với mực nước biển, mỗi cạnh chân tháp dài 20,6m, có 184 bậc thang xoắn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh. Trên ngọn tháp có bóng đèn 2.000W làm tín hiệu dẫn đường cho tàu bè qua lại. Phía dưới ngọn tháp là căn nhà lớn hình vuông, mỗi cạnh dài 40m, có hầm chứa nước ngọt sâu tới 3m. Đây là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài.

Bạn có thể đi ghe máy ra thăm cảnh đẹp Cù Lao Câu cách bờ biển 9km, hoặc thăm Hòn Bà cách thành phố Phan Thiết 7km. Nơi đây, người Chăm đã xây dựng một ngôi đền thờ nữ thần Ana - vị thần thiêng liêng của vương quốc Chăm-pa, hằng năm tổ chức lễ giỗ vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, còn gọi là ngày "vía Bà".

Xe sẽ đưa du khách về thăm Gành Son, thuộc xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Vào buổi sáng tinh sương hay những buổi chiều êm ả, biển lặng, từ trên Gành Son có thể nhìn thấy toàn cảnh làng chài nhộn nhịp, ấm cúng ở gần đó. Gành Son được thiên nhiên ban tặng với những hang động có nhiều hình thù kỳ lạ mà nhiều người chưa biết đến.

Trở về Bàu Trắng nơi có nhiều đồi cát được mệnh danh là đồi "Trinh nữ". Dưới ánh nắng chan hòa, trên xe vượt cát chạy dọc bờ biển qua Hòn Rơm đến Bàu Trắng, ta lắng nghe tiếng sóng, cảm nhận ngọn gió biển mát lạnh, hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng mới cảm hết được sự mặn mà, cuốn hút của cát, của biển. Xa xa, giữa đồi cát trắng bỗng thấy xuất hiện một hồ sen chập chờn những chiếc lá xanh, những đóa hoa màu đỏ, nhị vàng tạo sự thanh bình, tươi mát. Ta có cảm giác như lạc vào chốn thiên thai.

Sẽ là một điều đáng tiếc, nếu đến Bình Thuận mà không tới thăm Trường Dục Thanh. Trường được xây dựng vào năm 1907, thuộc làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết. Năm 1910, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng dạy học nơi đây, trước khi rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Vẫn còn nguyên đó những án thư, nghiên mài mực, bộ tràng kỷ, cây khế và giếng nước còn ấm hơi Người. Những hiện vật ấy luôn lưu giữ những kỷ niệm đẹp về một thời trai trẻ của Bác Hồ kính yêu.

Trên địa bàn Bình Thuận còn có một hệ thống đền, chùa, miếu cổ, hang động như Chùa Hang, chùa núi Tà Cú xây dựng vào năm 1879, chùa Cổ Thạch xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XIX, chùa Ông xây dựng vào năm 1770, chùa Bà Thiên Hậu xây vào năm 1728, đình làng Đức Nghĩa, đình làng Đức Thắng... Trong tương lai, sau khi hoàn tất tuyến cáp treo Tà Cú, bạn có thể ung dung ngồi cáp treo có 26 cabin, đi đoạn đường dài 1.651m, lên viếng chùa Linh Sơn cao hơn 74m so với mực nước biển.

Nhưng có lẽ độc đáo hơn cả ở Bình Thuận là tháp Chàm Pôshanư, một quần thể tháp kiến trúc rất kỳ vĩ, độc nhất vô nhị nằm trên đồi Bà Nài, thuộc xã Phú Hải, cách Phan Thiết khoảng 7 km. Những tháp này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII đến đầu thế kỷ thứ IX. Quần thể gồm một tháp chính và hai tháp phụ được dựng nên để thờ thần Shiva và công chúa Pôshanư. Tháp cao khoảng 15m, cạnh đáy dài gần 10m, có một cửa chính lớn. Bên trong có nhiều hình ảnh chạm trổ công phu với những đường nét kỳ ảo mang đậm phong cách nghệ thuật Chăm.

Nói đến những danh lam thắng cảnh, những vùng địa linh nhân kiệt, bao giờ ta cũng thấy nó gắn liền với những lễ hội. Ở Bình Thuận có hội đền Dinh Thầy vào ngày 15-16 tháng 9 âm lịch để người dân làm giỗ Thầy Thím. Lễ hội Mbăngkatê của người Chăm theo đạo Bà La Môn tổ chức vào tháng 8 - 9 âm lịch, để tưởng nhớ các vị thần thánh, anh hùng, tổ tiên, các vị vua có công với nước như Pôklong, Garai, Prômê. Lễ hội Cầu Yên, chèo Bá Trạo, hội đua thuyền của người Chăm diễn ra rất sôi nổi, tươi vui, đẹp mắt. Tất cả đều in đậm dấu ấn của một nền văn minh từ quá khứ vọng về.

Bạn còn có thể tham gia các tua du lịch để khám phá thiên nhiên như đi bộ vượt đồi cát, hay bơi thuyền thúng, hoặc ra khơi tập làm ngư dân câu cá mực... Bình Thuận còn có trái thanh long nổi tiếng ngọt mát, nó chiếm hơn 70% sản lượng thanh long của cả nước. Khi ra về bạn đừng quên mua vài chai nước mắm - loại nước chấm đã làm nên danh tiếng Phan Thiết - làm quà cho người thân. Bạn cũng đừng quên mua vài chai nước suối Vĩnh Hảo để giải khát trong cuộc hành trình. Nếu được ngâm mình vào làn nước ấm hơn 30 độ C, có nhiều thành phần hóa học của suối Vĩnh Hảo, bạn có thể chữa được một số bệnh ngoài da, cao huyết áp, nhức đầu, chóng mặt...

Du lịch và kinh tế biển là hai thế mạnh của Bình Thuận. Đến Bình Thuận ta có thể đi theo đường sắt. Các chuyến tàu Bắc Nam đều dừng ở ga Mường Mán, cách thành phố Phan Thiết 12km. Hoặc bạn có thể đi đường bộ theo tuyến Quốc lộ 1, nối Hà Nội với TP Hồ Chí Minh, Quốc lộ 55 đi Bà Rịa - Vũng Tàu, và Quốc lộ 58 đi Bảo Lộc - Lâm Đồng. Theo đường thủy bạn có thể đi nhiều tuyến trên hành trình du lịch biển từ Vũng Tàu, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh... để đến một vùng đất rất giàu tiềm năng du lịch.

. Theo Báo Cần Thơ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thành cổ Quảng Trị - Di tích chiến tranh kiêu hùng  (29/12/2005)
Đà Nẵng - bước trưởng thành không đợi tuổi  (28/12/2005)
Làng biển Xuân Đừng  (27/12/2005)
Xanh biếc hồ Tuyền Lâm  (26/12/2005)
Đắk Nông: Hơn 4.000 hộ có nhà mới đón Giáng sinh  (26/12/2005)
Miền Trung trước hiểm họa triều cường  (25/12/2005)
Trái bầu nước trong cuộc sống của người Mnông  (23/12/2005)
Du ngoạn trên dòng sông Lam, xứ Nghệ  (22/12/2005)
Trên quê hương di sản  (21/12/2005)
KKT Chân Mây - Lăng Cô: Cơ hội mới của Thừa Thiên Huế  (20/12/2005)
Qua đèo Ngang nhớ câu thơ xưa  (19/12/2005)
Núi Ngự Bình - Vẻ đẹp xứ Huế  (18/12/2005)
Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh  (16/12/2005)
Sáng mãi một di tích  (15/12/2005)
Bình minh từ xóm Đồng Tre  (14/12/2005)