Hầm Đèo Cả - dự án của mong ước
15:26', 4/2/ 2005 (GMT+7)

Ai đã một lần đi trên con đường thiên lý Bắc - Nam qua địa phận Phú Yên sẽ không khỏi ngẩn ngơ trước cảnh núi non hùng vĩ của Đèo Cả. So với Đèo Hải Vân và những đèo tên tuổi khác ở vùng Tây Bắc, Đèo Cả còn kém rất xa về độ dài nhưng mức độ nguy hiểm thì ở vào tốp đầu.

Trên đoạn đường ngoằn ngoèo dài gần 17 km hết sức nguy hiểm dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Mặc dù, ngành giao thông vận tải hằng năm đã bỏ ra rất nhiều kinh phí để duy tu sửa chữa mặt đường đèo, làm tường hộ lan ở các khu vực nguy hiểm, nhưng Đèo Cả vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn. Để có thể giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đã cho triển khai thực hiện dự án xây dựng hầm Đèo Cả.

Cho đến thời điểm này, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Tư vấn và khảo sát thiết kế xây dựng thuộc Bộ Quốc phòng đã có báo cáo tiền khả thi cho chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 85 về công trình hầm Đèo Cả. Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, việc triển khai thực hiện dự án hầm Đèo Cả là hết sức cần thiết bởi đoạn Quốc Lộ 1A đi qua Đèo Cả, lý trình từ km 1353+500 đến km 1370+500, có tiêu chuẩn kỹ thuật rất thấp. Trên đoạn đường đèo có rất nhiều đoạn đường cong trong đó có hai cua cánh chỏ đặc biệt nguy hiểm với bán kính đường cong từ 10 mét đến 15 mét, độ dốc dọc trên tuyến phổ biến từ 9% đến 10%. Chính vì vậy, đoạn Quốc lộ 1A qua Đèo Cả chưa đáp ứng được qui mô và tiêu chuẩn chung của toàn tuyến. Tổn thất của các phương tiện giao thông khi qua đèo, nhất là chi phí vận hành và thời gian còn rất lớn. Thêm vào đó hiện nay trên tuyến quốc lộ 1A đi qua khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung, Chính phủ đã cho triển khai xây dựng hai hầm đường bộ Hải Vân (Thừa Thiên- Huế) và Đèo Ngang (Hà Tĩnh). Do vậy việc sớm đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả sẽ góp phần nâng cao năng lực giao thông và hoàn chỉnh toàn bộ dự án nâng cấp quốc lộ 1A, đồng thời xóa các điểm nguy hiểm trên tuyến đường huyết mạch này.

Để có thể sớm triển khai công trình hầm Đèo Cả, đơn vị tư vấn thiết kế đã dày công nghiên cứu 5 phương án xây dựng. Tất cả các phương án đều có những ưu khuyết điểm của nó nhưng phương án được chọn có quy mô tổng chiều dài dự án 9750 mét trong đó chiều dài đường dẫn 4300 mét, chiều dài hầm chính 5450 mét, có 3 cầu dẫn vào hầm dài 360 mét. Tổng kinh phí xây dựng khoảng 1987 tỉ đồng. Theo phương án này hầm Đèo Cả được xây dựng vĩnh cửu từ km 1353+500 đến km 1373+500 Quốc lộ 1A. Hầm Đèo Cả gồm có hai hầm, trong đó, hầm chính có mặt đường dành cho xe chạy rộng 10 mét, phần dành cho người đi bộ một phía rộng 1m; hầm lánh nạn có kích thước 17,86m2 được bố trí cách hầm chính 30 mét để làm nhiệm vụ cứu nạn khi có sự cố xảy ra ở khu vực hầm chính. Phần đường dẫn của công trình phải đi qua khu vực Biển Hồ là nơi có nền đất yếu nên phải xử lý kỹ thuật. Điểm đầu của đường dẫn nối vào Quốc lộ 1A tại km 1353+500 gần khu vực Đập Hàn thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Tuy Hòa; điểm cuối nối vào Quốc lộ 1A tại khu vực Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Đường dẫn có bề rộng mặt đường 11m, trong đó mặt đường dành cho xe chạy rộng 7,5m, tốc độ thiết kế 60km/giờ.

Với quy mô như vậy, có thể khẳng định rằng hầm đường bộ Đèo Cả là một công trình xây dựng phức tạp đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, thiết bị thi công chuyên dùng và một đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi. Hiện nay trình độ của Việt Nam đã thực hiện những công trình hầm đường bộ có tầm cỡ khu vực Đông Nam Á như hầm Hải Vân. Do vậy, với hầm Đèo Cả, chắc chắn đội ngũ những người thợ của ngành giao thông vận tải có thể đảm đương toàn bộ việc thi công. Vấn đề còn lại là nguồn vốn vào khoảng 133 triệu USD, Bộ GTVT đang tìm cách thực hiện theo hình thức BOT hoặc đưa vào danh sách đăng ký dùng vốn ODA của Chính phủ.

. Theo Báo Phú Yên

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miền Trung và Tây Nguyên: Không phát thêm dịch cúm gia cầm  (04/02/2005)
Quảng Ngãi: 380 tỉ đồng cho dự án điện nông thôn II  (03/02/2005)
Mỹ hỗ trợ lương thực cho các tỉnh miền Trung  (02/02/2005)
Hà Tĩnh mời gọi đầu tư  (02/02/2005)
Thừa Thiên - Huế: Trao 319 căn nhà tình nghĩa cho đồng bào A Lưới  (02/02/2005)
Đác Lắc ký kết hợp tác với tỉnh Mondulkiri (Campuchia)  (01/02/2005)
Tuy Hòa - thành phố du lịch tương lai  (01/02/2005)
Phương hướng chủ yếu phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020  (01/02/2005)
Quảng Nam bảo tồn 2 di sản văn hóa thế giới   (01/02/2005)
Đà Nẵng cần phát huy tối đa thế mạnh cảng biển   (01/02/2005)