Đã bước sang mùa xuân thứ 9 kể từ khi Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch Khu công nghiệp Dung Quất, Nhà nước và các doanh nghiệp đã đầu tư vào Dung Quất trên 1.600 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội; thu hút được 48 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 32.168 tỉ đồng; một khu công nghiệp và một thành phố hiện đại, văn minh đang hiện hữu từng ngày trên mảnh đất một thời "tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm"…
Những ngày đầu xuân, chúng tôi lại có dịp đến Dung Quất để chứng kiến lễ động thổ xây dựng Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô- DACATA - Dung Quất của Công ty Đại Cát Tường và khánh thành Xí nghiệp may Dung Quất (Công ty may Phương Đông). Trên những vùng cát trắng hoang hóa trước đây, nay đã và đang mọc lên những nhà máy, xí nghiệp mới. Trong phân xưởng Xí nghiệp may Dung Quất, bạn Bùi Thị Phi - một công nhân của xí nghiệp vui vẻ cho biết, em quê ở Bình Chánh (Bình Sơn), sau khi tốt nghiệp khóa học may công nghiệp ở Trường Đào tạo nghề Dung Quất, em được xí nghiệp cho vào TP. Hồ Chí Minh vừa học vừa làm 6 tháng, khi xí nghiệp đi vào hoạt động, em trở về và chính thức trở thành công nhân của nhà máy. Qua 2 tháng đi vào sản xuất, thu nhập của em cũng khá, khoảng 900.000 đồng/tháng. Em cảm thấy rất vui, tự hào và mong muốn sẽ có nhiều bạn ở Bình Sơn quê em được vào làm việc ở các nhà máy trong khu công nghiệp.
Tại Trường Đào tạo nghề Dung Quất, nơi đào tạo công nhân kỹ thuật cho KCN Dung Quất và Khu kinh tế mở Chu Lai, được xây dựng khá khang trang. Thầy Võ Duy Thi - Phó Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: trường được nhà nước đầu tư trên 70 tỉ đồng cho xây dựng cơ bản, nên cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Về trang thiết bị cho việc đào tạo nghề, sắp đến trường sẽ được đầu tư khoảng 80 tỉ đồng để mua sắm những trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề. Đến nay, trường đã mở 3 khóa đào tạo, với trên 2500 học sinh. Riêng khóa 1 với 1.000 học sinh thì đã có 200 em học may vào làm việc tại Xí nghiệp may Dung Quất, 600 em sẽ được nhà trường bàn giao cho Nhà máy đóng tàu Dung Quất vào tháng 5-2005. Nhìn chung, học sinh do trường đào tạo, sau khi tốt nghiệp đều được các doanh nghiệp trong KCN tiếp nhận vào làm việc. Trên công trường xây dựng Nhà máy Liên hợp công nghiệp (LHCN) tàu thủy Dung Quất, ông Đinh Tiến Dũng- phụ trách dự án cho biết, Nhà máy LHCN tàu thủy Dung Quất giai đoạn I (2003-2007) có tổng vốn đầu tư 2.835 tỉ đồng, đến nay chúng tôi đã san lấp mặt bằng được trên 200 ha và hoàn thành một số hạng mục như đê quay chắn cát, nạo vét luồng tàu và đang khẩn trương thi công ụ khô để đóng tàu, giá trị thực hiện ước đạt khoảng 220 tỉ đồng. Dự kiến tháng 1-2006, nhà máy sẽ chính thức đóng con tàu 100.000 tấn và sẽ hạ thủy vào dịp Quốc khánh 2-9-2007. Đây sẽ là một sự kiện lớn không chỉ đối với nhà máy mà là của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Sau khi Bộ Chính trị có Thông báo số 155 về chuyển Dung Quất thành Khu kinh tế Dung Quất, tình hình thu hút đầu tư vào Dung Quất đã có nhiều dấu hiệu khả quan. Năm 2004, KCN Dung Quất có 19 dự án được cấp phép với số vốn trên 2.000 tỉ đồng, nâng tổng số dự án được cấp phép từ trước đến nay lên 48 dự án với tổng vốn 32.168 tỉ (tương đương 2,1 tỉ USD). Ngoài ra còn có 28 dự án đang đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 17.000 tỉ đồng. Riêng tại Phân khu công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất, có 9 dự án được cấp phép đầu tư trên diện tích 24 ha, vốn đầu tư đăng ký 689 tỉ đồng. Đến nay đã có 1 dự án đi vào sản xuất, 3 dự án đang triển khai xây dựng. Tuy nhiên, có một vài dự án triển khai chậm do thay đổi nhà thầu thi công hoặc do thị trường xuất khẩu biến động nên chủ dự án đề nghị cho giảm tiến độ. Ngoài ra, tại phân khu này còn có 10 dự án đang trong giai đoạn đăng ký và lập dự án để xin cấp phép trên diện tích 35 ha, tổng vốn khoảng 700 tỉ đồng. Cùng với việc thu hút đầu tư, Ban quản lý KCN Dung Quất cũng chú trọng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các tiện ích xã hội khác nhằm từng bước đáp ứng tại chỗ nhu cầu ăn, ở, sinh họa, giải trí cho hàng vạn cán bộ, chuyên gia, công nhân sinh sống, làm việc tại Dung Quất trong một tương lai gần. Hiện tại, Ban quản lý đang tập trung phát triển tại 2 khu vực Vạn Tường và Dốc Sỏi; trước mắt là phát triển khu nhà ở công nhân tại Dốc Sỏi và hạ tầng kỹ thuật - xã hội trên diện tích 200 ha tại đô thị mới Vạn Tường. Công nhân có thể thuê nhà chất lượng tốt, với mức giá từ 50-60 ngàn đồng/người/tháng.
Cùng với những cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội của Khu kinh tế Dung Quất, cần thực hiện tốt cơ chế "một cửa - tại chỗ" nhằm tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư với phương châm "thành công của nhà đầu tư là thành công của Dung Quất". Tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật - xã hội và dịch vụ tiện ích, nhằm tạo sức hấp dẫn và những điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai dự án. Một vấn đề cũng rất quan trọng là phải tạo cho được một nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cao, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của KKT Dung Quất.
Một mùa xuân mới lại về trên mảnh đất Vạn Tường lịch sử năm xưa, hy vọng năm 2005, KKT Dung Quất sẽ thu hút được khoảng từ 40-50 dự án đầu tư với tổng vốn khoảng 4-5 ngàn tỉ đồng, đạt giá trị sản lượng công nghiệp khoảng 150-250 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 12-15 triệu USD và giải quyết việc làm mới cho khoảng 2000 lao động. Tạo thế và lực đưa Dung Quất phát triển nhanh hơn, đem lại ấm no và hạnh phúc cho người lao động.
. Theo báo Quảng Ngãi |