Khánh Hòa vững bước trên đường đổi mới
10:57', 7/2/ 2005 (GMT+7)

Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Khánh Hòa cuối năm 2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải hết sức phấn khởi trước những gì đạt được của Khánh Hòa. Thủ tướng nhận định: Khánh Hòa đang phát triển rất tốt, rất đúng hướng. Thủ tướng đã động viên Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa phấn đấu nhiều hơn nữa để xây dựng tỉnh thành một trung tâm du lịch có tầm cỡ quốc tế, thành trung tâm kinh tế khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Một đường phố Nha Trang hôm nay

Còn nhớ những ngày giữa năm 1989, Khánh Hòa được tách ra từ Phú Khánh trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp; Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận; tình hình trong nước đã 3 năm liền lạm phát lên đến 3 con số; sản xuất chậm phát triển; kết cấu hạ tầng thấp kém; đời sống nhân dân, người lao động còn gặp nhiều khó khăn… Trong thời điểm đó, với tinh thần nỗ lực vượt qua mọi gian khó, đoàn kết một lòng, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, theo nhiều người đánh giá, đã làm nên một kỳ tích, làm nên một cuộc bứt phá ngoạn mục trên mảnh đất xưa nay vẫn mang tiếng là nghèo, nhưng lại nhiều tiềm năng. Xin hãy khoan nói đến những con số. Bây giờ, nhiều người đi xa về đều hết sức ngỡ ngàng trước khuôn mặt mới hôm nay của Khánh Hòa, từ bộ mặt thành phố Nha Trang từng ngày đổi thay, ngày càng khang trang, diễm lệ đến ngay cả huyện miền núi Khánh Sơn xa xôi là thế mà xe hơi đã có thể bon bon khắp nơi, mà, đến đâu, đêm về cũng thấy đèn điện rực sáng cả núi rừng. Có thế, mới dám nói những gì làm được là kỳ tích.

Có thể nói, thực hiện đường lối đổi mới, thành tựu nổi bật nhất là nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung đã chuyển sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, phát triển tương đối toàn diện và liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao. GDP bình quân hàng năm tăng gần 11%, là mức tăng cao của cả nước. Cơ cấu kinh tế từng bước được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH). Mới đây thôi, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 (nhiệm kỳ 1996 - 2000) xác định cơ cấu kinh tế là Công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ và du lịch. Ngay sau đó, đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 (nhiệm kỳ 2001 - 2005) đã là Công nghiệp - dịch vụ, du lịch - nông nghiệp. Cũng chỉ mấy năm sau, đến năm 2004, tỉ trọng dịch vụ, du lịch đã chiếm 39,6% trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp và xây dựng chiếm 40,9%; nông, lâm, thủy sản chiếm 19,4%. Cho nên, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 sắp tới sẽ xem xét, quyết định một vấn đề quan trọng: Xác định cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp.

Có lẽ, bên cạnh việc dịch chuyển trên thực tế tỉ trọng du lịch, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, chỉ đạo của Thủ tướng Phan Văn Khải về việc Khánh Hòa phải được quy hoạch thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước, có tầm cỡ quốc tế là một tiền đề quan trọng để Khánh Hòa quyết định chọn cơ cấu kinh tế phù hợp cho tương lai. Và, như thế, quả là một sự chuyển mình kỳ diệu. CNH-HĐH đã từng bước được cụ thể hóa như thế. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng mới cũng đã nói lên rằng tiềm năng của Khánh Hòa đang được đánh thức. Và, cơ cấu kinh tế ấy đã và sẽ thúc đẩy Khánh Hòa đi lên với một tầm thế mới.

Quyết tâm rất cao của tỉnh trong việc đẩy mạnh cuộc bứt phá được thể hiện khá rõ nét trong việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020. Đó là xác định tăng trưởng không chỉ ở mức từ trung bình trở lên mà còn luôn tính tới việc phát triển ở tốc độ cao khi có nhiều điều kiện thuận lợi đặc biệt. Và, một lần nữa, Khánh Hòa đã chứng tỏ được sự tự tin của mình khi Chính phủ ủng hộ và chỉ đạo sâu sắc, quyết liệt về việc phát triển kinh tế vùng Bắc bán đảo Cam Ranh và khu vực vịnh Vân Phong. Cam Ranh - Nha Trang - Vân Phong sẽ là những trung tâm kinh tế lớn. Mà, không chỉ có thế, việc sáng tạo, năng động trong liên kết phát triển KT-XH với các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận cũng đã tạo cho Khánh Hòa một sức mạnh mới, một thế đứng mới.

Có thể nhìn thấy từ hướng xây dựng cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong cũng đồng thời nâng cấp cảng Vũng Rô để gắn 2 cảng này thành cụm cảng quốc tế, thành cửa ngõ ra Biển Đông cho Tây Nguyên và khu vực Nam Lào; Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan trong tương lai. Rồi làm hầm đường bộ đèo Cả. Rồi làm đường sắt từ Vân Phong lên Tây Nguyên… Do đó, nhiều người nói Khánh Hòa đang đứng trước một vận hội mới, quả cũng không ngoa.

Đến nay, Khánh Hòa còn có quyền tự hào về một kỷ lục khác nữa: Tốc độ tăng thu ngân sách. Nếu năm 1989, toàn tỉnh thu 58 tỉ đồng thì đến năm 2000, Khánh Hòa đã gia nhập "Câu lạc bộ 1.000 tỉ", đến năm 2003 vượt khỏi ngưỡng 2.000 tỉ và ngay sau đó, năm 2004, vượt khỏi ngưỡng con số 3.000 tỉ đồng. Cũng cần nói thêm rằng, năm 2004, nếu Chính phủ không hạ mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu xuống còn 0% thì con số thu ngân sách của Khánh Hòa sẽ còn lớn hơn nhiều.

Ngay từ những ngày đầu năm 2005 này, bên cạnh việc các ngành các cấp triển khai ngay thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách của mình, việc Chính phủ cho nâng mức thuế suất nhập khẩu xăng dầu là một tin vui cho một mùa bội thu mới.

Bên cạnh các nội dung xây dựng, phát triển KT-XH, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Khánh Hòa đang tự tin đi tới, tự tin viết tiếp những trang sử mới trên con đường đổi mới, con đường CNH-HĐH đất nước.

Mới đây, trong lễ kỷ niệm 15 năm Khánh Hòa đổi mới và phát triển, đồng chí Nguyễn Văn Tự - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: "Bằng những bước phát triển vững chắc, diện mạo vùng đất, con người Khánh Hòa đang dần hiện ra trong con mắt của bạn bè trong nước và quốc tế với một dáng vẻ mới và tầm vóc mới, không chỉ được biết đến như một miền đất với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, những sản vật quý hiếm như yến sào, trầm hương mà còn là một địa phương năng động, sáng tạo và có nhiều khởi sắc trong công cuộc đổi mới".

. Theo báo Khánh Hòa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vinh - thành phố triển vọng  (06/02/2005)
Dung Quất những ngày đầu xuân  (05/02/2005)
Hầm Đèo Cả - dự án của mong ước  (04/02/2005)
Miền Trung và Tây Nguyên: Không phát thêm dịch cúm gia cầm  (04/02/2005)
Quảng Ngãi: 380 tỉ đồng cho dự án điện nông thôn II  (03/02/2005)
Mỹ hỗ trợ lương thực cho các tỉnh miền Trung  (02/02/2005)
Hà Tĩnh mời gọi đầu tư  (02/02/2005)
Thừa Thiên - Huế: Trao 319 căn nhà tình nghĩa cho đồng bào A Lưới  (02/02/2005)
Đác Lắc ký kết hợp tác với tỉnh Mondulkiri (Campuchia)  (01/02/2005)
Tuy Hòa - thành phố du lịch tương lai  (01/02/2005)
Phương hướng chủ yếu phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020  (01/02/2005)
Quảng Nam bảo tồn 2 di sản văn hóa thế giới   (01/02/2005)
Đà Nẵng cần phát huy tối đa thế mạnh cảng biển   (01/02/2005)