Đến xã Gio An, tỉnh Quảng Trị, du khách sẽ được thăm hơn 20 chiếc giếng cổ rất kỳ lạ, không chỉ là những công trình dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất từ hàng nghìn năm trước đến nay, mà còn là một kiểu di tích văn hóa rất đặc biệt của Việt Nam.
Các giếng cổ, mang những cái tên độc đáo như giếng Kình, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Ông, giếng Bà, giếng Tép, giếng Gai, giếng Lợi, giếng Cõi, giếng Dưới... nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan lớn, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đồi. Từ trước đến nay, dù thời tiết khô hạn đến đâu, nước trong hệ thống giếng cổ Gio An vẫn không bao giờ cạn, vẫn trong xanh và mát lạnh.
Các nhà khoa học cho rằng, hệ thống giếng Gio An được tạo ra vào thời kỳ cuối của thời đại đồ đá mới, nghĩa là đã 5.000 năm tuổi.
Giếng cổ được chia thành 2 dạng, một dạng giếng có bể lắng và máng dẫn. Đây là những công trình liên hoàn rất quy mô, đòi hỏi sự tính toán kỹ thuật rất cao và chế tác đá công phu. Mỗi hệ thống giếng có 3 bậc. Bậc cao nhất là bãi hứng nước, bãi này rất rộng, có nơi hàng trăm mét vuông, xếp bằng đá cuội lớn, rất cứng. Từ bãi hứng này, nước chảy qua các máng, được đẽo từ đá tổ ong màu đen. Từ các máng, nước chảy xuống bậc thứ 2, gọi là giếng. Giếng này sâu hơn 1 mét, xếp bằng đá cuội lớn. Tiếp theo bể chứa là mương dẫn nước vào các ruộng bên dưới.
Dạng thứ 2 là những giếng được xây dựng ít công phu hơn, chỉ là những bể chứa được đào sâu và xếp bằng đá cuội lớn ngay cửa mạch nước trong sườn đồi trực tiếp chảy ra, làm cho giếng luôn đầy và mát lạnh.
Những hệ thống giếng này rất hoàn hảo về kỹ thuật, rất phù hợp với phương thức canh tác ruộng bậc thang ở xã Gio An.
Giếng cổ Gio An đang ngày càng nổi tiếng, trở thành một địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến xem, nghe những câu chuyện cổ về chuyện làm giếng, được tắm nguồn giếng cổ để thưởng hương vị "nước siêu sạch" này.
. Theo TTXVN |