Đà Nẵng - thành phố mẫu châu Á
15:21', 15/2/ 2005 (GMT+7)

Trung tâm Đô thị thành phố Kobe (AUICK- Nhật Bản) đã đề nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng xây dựng "Đà Nẵng thành phố kiểu mẫu của châu Á" và tham gia chương trình liên kết chín thành phố kiểu mẫu của châu Á do AUICK đề xướng nhằm giải quyết các vấn đề đô thị. Điều này cho thấy Đà Nẵng đã mang một dáng vóc mới trước cái nhìn tự bên ngoài.

              Cầu Sông Hàn

Thành phố biển lớn nhất miền Trung này liên tục được ca ngợi như một thành phố năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới. Nằm ở miền Trung đất nước, cách Thủ đô Hà Nội 759 km, cách TP Hồ Chí Minh 917 km, có đường bộ, đường sắt xuyên Việt chạy qua, có cảng biển lớn Tiên Sa và 9 cầu cảng dọc sông Hàn, có sân bay quốc tế hiện đại bậc nhất khu vực được xây dựng từ 1975, Đà Nẵng nghiễm nhiên trở thành cửa khẩu lớn nhất và thuận tiện nhất để vươn ra thế giới và các nước tiểu vùng sông Mekong.

Để hoàn thành một khối lượng và quy mô xây dựng cơ sở hạ tầng đồ sộ như vậy, Đà Nẵng đã xuất sắc vượt qua được một cửa ải gian nan và đầy trắc trở, đó là việc di dân, đền bù trong quá trình giải phóng mặt bằng. Trong vòng vài năm qua, Đà Nẵng đã di dời 52.000 hộ dân với 250.000 nhân khẩu, xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ nhằm chỉnh trang lại bộ mặt thành phố theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Hàng loạt con đường bốn làn xe được thi công bằng công nghệ mới và với tiến độ thần tốc. Trên sông Hàn vừa có thêm hai cây cầu hiện đại- cầu quay và cầu Tuyên Sơn, cảng biển Sơn Trà, năm khu công nghiệp: Hòa Khánh, Liên Chiểu, Đà Nẵng, Thọ Quang, Hòa Cầm, Trung tâm công nghệ phần mềm, trường Đại học Đà Nẵng và hàng loạt trường học, khách sạn, công trình thể thao, khu vui chơi giải trí…

Các đường bay Bangkok - Đà Nẵng, Siêm Riệp - Đà Nẵng đã được khôi phục, đường bay Đài Bắc - Đà Nẵng vừa được khai trương. Tất cả góp phần tạo dựng vóc dáng mới cho Đà Nẵng: mới mẻ, sôi động và có sức hút như một khối nam châm. Nhưng cái làm được lớn nhất của Đà Nẵng chính là sự "mạnh tay" của thành phố. Là địa phương dẫn đầu cả nước về việc cấp sổ đỏ cho dân - một việc mà nhiều nơi khác đang đánh vật một cách ỳ ạch. Hay là việc mạnh dạn xây dựng và đổi mới cơ sở hạ tầng có quy mô đồ sộ, hoành tráng, với tầm nhìn xa nhưng dựa trên cơ sở khoa học và quy hoạch rất nghiêm túc nên đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc.

Một điều rất thú vị là trên thành đầu cầu quay qua sông Hàn, có một tấm bảng lớn khắc tên những cá nhân, đơn vị đã đóng góp cho việc xây cầu. Nhân dân đã tình nguyện góp tới 20 tỉ đồng cho cây cầu và trong thi công, lực lượng cựu chiến binh, cán bộ hưu trí đã tham gia giám sát để chống thất thoát. Bằng nhiều biện pháp và sáng kiến, thành phố Đà Nẵng đã tạo được vốn đầu tư từ quỹ đất lên tới 1.094 tỉ đồng. Trung ương cũng ban hành quy chế phối hợp giữa các ngành và địa phương để tạo một không gian kinh tế thống nhất của vùng mà Đà Nẵng là cực trung tâm. Đà Nẵng được phép sử dụng bán đảo Sơn Trà, đèo Hải Vân, sân bay Nước Mặn để phát triển du lịch. Toàn bộ 31 dự án phát triển du lịch đang được triển khai tại Đà Nẵng đã có chủ đầu tư có tổng mức huy động vốn có thể lên tới 800 triệu USD. Đây thực sự là cơ hội cất cánh tuyệt vời cho Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Thế Bá, Giáo sư tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã nhận xét: Chính sách khai thác quỹ đất, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng là một cách làm sáng tạo và năng động. Các nhà lãnh đạo thành phố tin tưởng chắc chắn rằng nguồn vốn này sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới khi các nhà đầu tư đã nhận ra Đà Nẵng không chỉ hội tụ nhiều tiềm năng, mà còn có môi trường thông thoáng, an toàn để họ làm ăn. Nguồn vốn từ trong dân mà ta quen gọi là nội lực rất giàu có, là khối tiền nhàn rỗi khổng lồ đang tích tụ ở mỗi gia đình, tuy nhiên vấn đề là làm thế nào để người dân tin tưởng vào tính trong sạch và hiệu quả của các dự án xây dựng mà tự nguyện, vui vẻ "mở hầu bao".

Ở Đà Nẵng, con số các hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp được hỗ trợ về nhà ở chung cư lên đến hàng nghìn hộ. Trong sáu tháng đầu năm 2004, thành phố có thêm 300 hộ gia đình chính sách khác được hỗ trợ sáu tỉ đồng để cải thiện nhà ở. Sau giai đoạn an cư, người dân đang từng bước chuyển nghề và lạc nghiệp ngay trên các khu đô thị mới.

Người dân Đà Nẵng hài lòng khi thấy thành phố thân yêu của mình trở thành một công trường xây dựng khổng lồ, dáng vẻ đổi mới từng ngày theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Họ vui mừng trước nhịp độ phát triển kinh tế khá cao của Đà Nẵng. Cũng chính những người dân ấy đã đóng góp một lượng tiền không nhỏ để thành phố xây dựng các trung tâm cai nghiện gắn với dạy nghề, có vốn cho người nghèo, gặp khó khăn vay để tạo dựng cuộc sống tiến tới tương lai. Có thể ví Đà Nẵng hôm nay như chiếc máy bay đang lấy đà, lao trên đường băng với vận tốc ngày càng lớn để cất cánh.

. Theo báo Pháp Luật

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giếng cổ Gio An - câu chuyện cổ tích 5.000 năm tuổi  (14/02/2005)
Khánh Hòa: Tàu dầu thứ 29 cập Cảng Vân Phong  (14/02/2005)
Non nước Phú Yên, nồng nàn vẫy gọi  (13/02/2005)
Đảo yến ở Nha Trang  (12/02/2005)
Phan Thiết, sáng xuân nay  (08/02/2005)
Chiếc bánh tét dài 30 mét   (08/02/2005)
Khánh Hòa vững bước trên đường đổi mới  (07/02/2005)
Vinh - thành phố triển vọng  (06/02/2005)
Dung Quất những ngày đầu xuân  (05/02/2005)
Hầm Đèo Cả - dự án của mong ước  (04/02/2005)
Miền Trung và Tây Nguyên: Không phát thêm dịch cúm gia cầm  (04/02/2005)
Quảng Ngãi: 380 tỉ đồng cho dự án điện nông thôn II  (03/02/2005)
Mỹ hỗ trợ lương thực cho các tỉnh miền Trung  (02/02/2005)
Hà Tĩnh mời gọi đầu tư  (02/02/2005)
Thừa Thiên - Huế: Trao 319 căn nhà tình nghĩa cho đồng bào A Lưới  (02/02/2005)