Hải Vân quan mùa xuân
16:16', 16/2/ 2005 (GMT+7)

Đi bộ thì sợ Hải Vân

Đi thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi.

Lịch sử con đèo hiểm trở trên dặm trường thiên lý Bắc Nam có thể được bắt đầu từ 700 năm về trước, khi Huyền Trân Công Chúa vượt Cửa Tư Hiền vào Nam và trong mắt "Nàng Chiêu Quân", dải núi xanh bồng bềnh mây trắng khác nào con tuấn mã đang cuộn vó lao mình ra biển Đông…

             Hải Vân quan

700 năm sau, mùa xuân 2005, dưới chân "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" và con đèo hiểm trở, lịch sử lại mở ra một trang mới khi hầm đường bộ dài 12 cây số, lớn nhất, hiện đại nhất Đông Nam Á hoàn thành.

* Chờ đợi giờ G

Tháng 1 năm 2005, các gói thầu chính 1A (xây dựng hầm đường bộ phía Bắc), 1B (xây dựng hầm đường bộ phía Nam), 2A (cầu Lăng Cô và đường dẫn phía Bắc), 2B (cầu và đường dẫn phía Nam) đã hoàn thành. Bóng dáng con hầm đường bộ xuyên lòng núi và "xuyên thế kỷ" đã rời rỡi trong nắng xuân nhưng tất cả còn phải đợi đến… "giờ G".

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Ban 85 Bộ GTVT, Giám đốc Dự án Hầm đường bộ Hải Vân - cho biết, giờ G sẽ bắt đầu vào một ngày "đẹp trời" của tháng 5 năm nay nhưng chưa thể nói chính xác là ngày nào.

Giờ G là giờ diễn ra sự kiện trọng đại - khánh thành và đưa vào sử dụng Hầm đường bộ Hải Vân. Hầm Hải Vân dự kiến được khánh thành vào trước Tết Nguyên đán năm nay nhưng phía nhà thầu thi công các gói thầu số 3 và số 4 (lắp đặt hệ thống điện, điện chiếu sáng, quản lý giao thông, báo cháy, kiểm tra tốc độ, phát thanh… hệ thống thông gió, quạt phản lực, lọc bụi tĩnh điện…) có nguyên tắc bất di bất dịch của họ căn cứ trên điều khoản hợp đồng.

Đến thời điểm tháng 1-2005, cả 2 gói thầu số 3 và 4 đã hoàn thành gần 90% khối lượng công việc nhưng do tiêu chí về chất lượng nên kết quả cuối cùng mà nhà thầu thi công thông báo cho phía Việt Nam vẫn là "đợi đến tháng 5"! Ngoài vấn đề về chất lượng, có gì "ghê gớm" trong thiết bị lắp đặt ở 2 gói thầu này buộc nhà thầu phải "hoãn cái sự sung sướng" của hàng triệu người Việt Nam là chứng kiến giờ phút khai thông đường hầm lịch sử đến tận tháng 5? Tôi nêu câu hỏi này với ông Nguyễn Ngọc Cảnh và được ông Cảnh hé lộ vài chi tiết như hệ thống báo cháy trong hầm dùng toàn rơle (cảm ứng nhiệt).

Những thiết bị này sẽ tự động báo cháy và có thể "chỉ" chính xác đến từng xăng-ti-mét bất cứ vị trí nào của đường hầm chính dài 6.247m, diện tích 89m2 - có nhiệt độ trên 60 độ C. Trong hầm cũng được lắp đặt tần số phát thanh đặc biệt dành cho các trường hợp khẩn cấp… Tóm lại, chi tiết nào của 2 gói thầu lắp đặt thiết bị trong hầm Hải Vân cũng thuộc loại đặc biệt, cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cũng như đảm bảo cho phương tiện giao thông đạt tốc độ tối đa 80 km/h (với khoảng thời gian 12 phút qua hầm).

* Lãng mạn cùng rượu sa kê

Tôi thực sự là người may mắn được chứng kiến những khoảnh khắc trọng đại của đường hầm "xuyên thế kỷ". Khoảnh khắc đầu tiên là ngày 27-8-2000, khi cùng một lúc ở hai đầu Bắc (Lăng Cô - Thừa Thiên Huế), Nam (Liên Chiểu - Đà Nẵng), rượu sa kê được tưới vào vách đá thỉnh tạ Thần núi (theo phong tục của người Nhật) trong lễ khởi công hầm.

Khoảnh khắc thứ hai, là 11 giờ trưa ngày 7-11-2003, sau tiếng mìn vang dội phá bung vách đất cuối cùng, chính thức thông kỹ thuật hầm đường bộ Hải Vân, trong tiếng vỗ tay dào dạt của hàng ngàn người chứng kiến, sa kê được múc ra từ thùng gỗ, tưới tràn lòng hầm chưa tan khói, đang hư ảo như lòng núi lửa vừa kịp nguội.

Ở Hầm đường bộ Hải Vân, mọi người sẽ còn một cơ hội nữa để nếm dư vị ngọt ngào của sa kê, đấy là "khi giờ G đến". Ở cửa hầm phía Bắc, trong nắng xuân tươi vàng đầu tháng giêng, tôi gặp ông Masaki Kudora - Tổng giám đốc Liên doanh Hazama - Cienco 6.

Với trọng trách này, có thể coi Kudora là chủ nhân của những thùng sa kê từng tưới đẫm lòng núi đá Hải Vân. Hải Vân Quan - mùa xuân 2005, câu thần chú "Vừng ơi..." đã mở cánh cửa đá ngàn năm trên con đường thiên lý Bắc Nam, đồng thời mở ra vận hội mới cho một vùng kinh tế năng động của miền Trung… Dưới chân Hải Vân Quan, từ Hầm đường bộ Hải Vân, những kỹ sư, thợ cầu đường Việt Nam đã thực sự vững vàng để tiếp tục đi qua những mùa xuân. 

. Theo SGGP

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đà Nẵng - thành phố mẫu châu Á  (15/02/2005)
Giếng cổ Gio An - câu chuyện cổ tích 5.000 năm tuổi  (14/02/2005)
Khánh Hòa: Tàu dầu thứ 29 cập Cảng Vân Phong  (14/02/2005)
Non nước Phú Yên, nồng nàn vẫy gọi  (13/02/2005)
Đảo yến ở Nha Trang  (12/02/2005)
Phan Thiết, sáng xuân nay  (08/02/2005)
Chiếc bánh tét dài 30 mét   (08/02/2005)
Khánh Hòa vững bước trên đường đổi mới  (07/02/2005)
Vinh - thành phố triển vọng  (06/02/2005)
Dung Quất những ngày đầu xuân  (05/02/2005)
Hầm Đèo Cả - dự án của mong ước  (04/02/2005)
Miền Trung và Tây Nguyên: Không phát thêm dịch cúm gia cầm  (04/02/2005)
Quảng Ngãi: 380 tỉ đồng cho dự án điện nông thôn II  (03/02/2005)
Mỹ hỗ trợ lương thực cho các tỉnh miền Trung  (02/02/2005)
Hà Tĩnh mời gọi đầu tư  (02/02/2005)