Dung Quất - Nhịp cầu nối những mùa xuân
11:9', 20/2/ 2005 (GMT+7)

Trời cho Dung Quất vị trí đắc địa là trung điểm trên con đường thiên lý bắc - nam. Từ đây ra thủ đô Hà Nội hay vào thành phố mang tên Bác Hồ vừa tròn 860 km. Nếu gói trọn miền Trung, thì từ đây ra Ðà Nẵng hay vào Quy Nhơn, Nha Trang, các thành phố sôi động, đều thuận tiện. Kề bên khu kinh tế Dung Quất là sân bay Chu Lai, đang hồi sinh phục vụ nhân dân, hướng đến năm 2010 thành một trong sáu sân bay trọng điểm của đất nước.

            Cảng Dung Quất

Ðảng và Nhà nước chọn Dung Quất làm khu công nghiệp hóa dầu đầu tiên của cả nước, là khu tập trung các ngành công nghiệp quy mô lớn, gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất, sân bay quốc tế Chu Lai, thành trung tâm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung.

Dung Quất tương lai được quy hoạch sẽ thu vào mình những thế mạnh đi sau qua kinh nghiệm và sự hỗ trợ của những vùng đi trước, qua sự liên kết sức mạnh kinh tế của hai đầu nam, bắc. Là điểm đầu của con đường xuyên Á, nối Lào, Cam-pu-chia và đông - bắc Thái-lan, Dung Quất có sức hút với toàn khu vực. Cùng thế mạnh như các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung, Quảng Ngãi không chỉ có khu công nghiệp mới Dung Quất mà còn là một địa điểm du lịch sinh thái biển, các khu lâm viên tự nhiên, nơi nghỉ mát với các bãi biển trải dài Mỹ Khê, Sa Huỳnh. Ðến Dung Quất, Quảng Ngãi, ta có cảm giác được sống lại với mạch nguồn quá khứ. Vùng đất này, ẩn chứa trong lòng nó bao sự huyền bí xa xưa với nền văn hóa Sa Huỳnh, in dấu ấn những đoàn người đi mở đất từ thời Lê Thánh Tông năm Hồng Ðức thứ hai. Thành phố Vạn Tường được quy hoạch, đang hình thành khu dân cư mới của những người lao động gắn bó trọn đời với Dung Quất. Thế hệ hôm nay và con cháu mai sau, dù được sống ở một thành phố ven biển lộng gió với những ngôi nhà cao tầng, những con đường rộng thênh thang ngập tràn ánh điện, vẫn không quên trang sử hào hùng năm xưa với trận Vạn Tường, cuộc đọ sức trực tiếp của quân dân ta với một quân đội nhà nghề mạnh hơn mình gấp bội, mở ra cục diện mới trên con đường đi đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền nam năm 1975. Chắc chắn các thế hệ mai sau cũng không dễ dàng quên nỗi đau Sơn Mỹ, ở đó sự dũng cảm, kiên cường của nhân dân được đo bằng tội ác tột cùng chống trả của kẻ thù xâm lược...

Ðến nay, Dung Quất đã hoàn thành hệ thống hạ tầng khung, đáp ứng yêu cầu hạ tầng phục vụ các dự án đầu tư. Ðã có 48 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng số vốn hơn 32 nghìn tỉ đồng, trong đó có 13 dự án đi vào hoạt động, 12 dự án đang xây dựng, 8 dự án chuẩn bị khởi công. Trong số các dự án được cấp phép, ngoài nhà máy lọc dầu, có các dự án quy mô lớn như Liên hợp đóng và sửa chữa tàu biển mà nhiệm vụ trước mắt là đóng tàu chở dầu 100 nghìn DWT, Nhà máy cán thép 400 nghìn tấn/năm, Nhà máy sản xuất kính xe ô-tô, Nhà máy lắp ráp ô-tô con 6.000 xe/năm, các nhà máy công nghiệp nhẹ, chế biến gỗ, thủy tinh, sản xuất vật liệu xây dựng, da giày, may mặc... Ở Dung Quất còn có Bệnh viện quốc tế, có Trường đào tạo nghề, Ðài truyền hình, Cung văn hóa - thể thao.

Năm 2004, giá trị sản lượng mới đạt khoảng 150 tỉ đồng, xuất khẩu chỉ gần tám triệu USD, nhưng đã giải quyết được gần 2.000 lao động có việc làm. Mặc dù dự án Nhà máy lọc dầu triển khai chậm, chưa phát huy được vai trò động lực, lan tỏa đối với Dung Quất và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, song ai nào dự báo được những con số nhảy vọt về nhiều mặt ở thời kỳ sắp tới khi Dung Quất tăng tốc đầu tư. Với quyết tâm cao của Chính phủ, của các cấp, các ngành và sự đồng tâm hợp lực của những người đã và đang làm nên khu kinh tế mới, điểm nhấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ CNH, HÐH, năm 2005, Dung Quất đứng trước vận hội vô cùng to lớn với ba sự kiện quan trọng xuất hiện cùng thời điểm đầu Xuân mới: chuyển Dung Quất thành khu kinh tế tổng hợp, ký kết gói thầu số 1 Nhà máy lọc dầu và đưa vào vận hành sân bay Chu Lai. Dung Quất sẽ có khoảng 50-60 dự án với khoảng 5.000 tỉ đồng đầu tư. Ðến năm 2006, sẽ nâng số dự án lên gấp đôi, và năm 2010 chắc chắn số dự án thêm một lần gấp đôi nữa.

Dung Quất sẽ trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, là một mô hình "khu trong khu" (trong Khu kinh tế Dung Quất có các khu công nghiệp, có cảng biển nước sâu, có khu bảo thuế, khu đô thị, khu du lịch và các trung tâm dịch vụ). Dung Quất đã đi được một chặng đường quan trọng, đủ tích lũy lượng và chất để bước vào giai đoạn tăng tốc đầu tư. Với cơ chế ưu đãi vượt trội, chính sách miễn thuế một số vật tư, nguyên liệu, linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được, Khu kinh tế Dung Quất đang là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ và tỉnh Quảng Ngãi đang tháo gỡ, đang dồn sức cho Dung Quất. Cả cơ quan quản lý khu kinh tế và nhà đầu tư đều cố gắng chạy đua với thời gian, kể từ khi khảo sát đến hoàn thành dự án và cấp phép, hoàn thành thiết kế kỹ thuật và khởi công xây dựng chỉ trong vòng mấy tháng. Thủ tục nhanh, thông thoáng, không phiền hà cũng là sức hút của đầu tư.

Sẽ không quá sớm khi nói về triển vọng của Khu kinh tế Dung Quất. Nhưng khi mà tương lai hiện ra không chỉ bằng con số, mà bằng thực tế trên công trường, thì cũng có nghĩa là ước mơ của người dân vùng cát trắng đang thành hiện thực. Vì lẽ đó mà Dung Quất đang là nhịp cầu nối những mùa Xuân, tiếp nối tương lai.

. Theo Nhân Dân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hạn hán, xâm mặn tại miền Trung  (18/02/2005)
Những đảo vàng...  (18/02/2005)
Về với Nam Đàn  (17/02/2005)
Hải Vân quan mùa xuân  (16/02/2005)
Đà Nẵng - thành phố mẫu châu Á  (15/02/2005)
Giếng cổ Gio An - câu chuyện cổ tích 5.000 năm tuổi  (14/02/2005)
Khánh Hòa: Tàu dầu thứ 29 cập Cảng Vân Phong  (14/02/2005)
Non nước Phú Yên, nồng nàn vẫy gọi  (13/02/2005)
Đảo yến ở Nha Trang  (12/02/2005)
Phan Thiết, sáng xuân nay  (08/02/2005)
Chiếc bánh tét dài 30 mét   (08/02/2005)
Khánh Hòa vững bước trên đường đổi mới  (07/02/2005)
Vinh - thành phố triển vọng  (06/02/2005)
Dung Quất những ngày đầu xuân  (05/02/2005)
Hầm Đèo Cả - dự án của mong ước  (04/02/2005)