Vụ mía đường 2004-2005 ở miền Trung - Tây Nguyên:
Tái diễn quyết liệt việc tranh mua mía nguyên liệu
16:26', 21/2/ 2005 (GMT+7)

* Đã có ít nhất 5 cuộc họp của Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mía đường Việt Nam và địa phương bàn và giải quyết về việc thu mua nguyên liệu của các nhà máy đường (NMĐ) trong vùng từ đầu vụ đến nay.

* Nghịch lý tại vùng mía nguyên liệu ở Bình Định: Mía chín nhưng nông dân bỏ khô không chịu đốn.

Xe chở mía cho NMĐ An Khê mang biển số 81 K đang nằm "mai phục" tại xã Vĩnh Quang (Bình Định)

Rút kinh nghiệm việc tranh chấp nguyên liệu giữa các NMĐ từ các vụ ép trước, trước khi bước vào vụ ép năm nay, lãnh đạo 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định đã cùng ngồi lại để dàn xếp những tình huống có thể xảy ra. 3 ngày sau đó, 12 NMĐ trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng đã nhóm họp không ngoài nội dung tương tự. Tiếp đến ngày 4-12-2004, Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối cũng đã vào cuộc dưới sự chủ trì của Cục trưởng Bạch Quốc Khang để bàn việc tránh tái diễn tình trạng tranh chấp nguyên liệu giữa 3 NMĐ (KCP, An Khê và Bình Định) tại khu vực huyện Đồng Xuân (Phú Yên).

Tạm yên tâm về vùng nguyên liệu này thì trong các ngày 21 và 30-12-2004, Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối lại nhận tiếp công văn và báo cáo của 2 NMĐ Bình Định và An Khê kiến nghị về việc tranh chấp trong thu mua nguyên liệu giữa 2 NMĐ xảy ra trên địa bàn 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai. Để giải quyết, ngày 11-1-2005, được sự ủy quyền của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giám đốc Công ty Đường Quảng Ngãi, ông Võ Thành Đàng - với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội - đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo 2 NMĐ. Đáng tiếc là cuộc họp này đã không đi đến thống nhất về quan điểm nên càng làm cho tình hình "nóng" thêm. Sau đó hàng ngày, các NMĐ An Khê và NMĐ Kon Tum (thuộc Công ty đường Quảng Ngãi) vẫn "đổ quân" xuống các vùng nguyên liệu của các NMĐ Bình Định và NMĐ Ayunpa (Công ty TNHH mía đường Bourbon Gia Lai) đẩy giá lên cao để thu mua mía bằng mọi giá.

Bên trong NMĐ Bình Định không có nguyên liệu sản xuất

Trước tình hình này, ngày 14-1-2005 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã khẩn cấp triệu tập một cuộc họp để bàn cách giải quyết. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã chỉ rõ: "Việc tranh chấp thu mua nguyên liệu ngoài vùng gây lộn xộn như vừa qua đã ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ, thiệt hại cho người sản xuất và NMĐ. Nông dân sẽ tự phát trồng mía, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các NMĐ...". Do vậy, "Bộ yêu cầu NMĐ An Khê tuyệt đối không được thu mua mía của NMĐ khác đã ký hợp đồng đầu tư và thu mua dưới bất kỳ hình thức nào. Giao cho Hiệp hội Mía đường Việt Nam chủ trì phối hợp với các Cục: Nông nghiệp, Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối  tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm".

Thế nhưng, bất chấp ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, một ngày sau khi cuộc họp kết thúc, NMĐ Kon Tum và NMĐ An Khê vẫn tổ chức thu mua mía trong vùng có đầu tư của các NMĐ khác. Đến ngày 24-1, trong báo cáo khẩn cấp gửi đến Bộ, Công ty TNHH Bourbon Gia Lai cho biết, đã có khoảng 680 tấn mía thuộc vùng nguyên liệu của Công ty đầu tư đã bị NMĐ Kon Tum "hớt" mất. Còn tại Bình Định, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Đường Bình Định, danh sách xe tải mang biển số Gia Lai vi phạm vì chở mía trái tuyến đã bị lập biên bản lên đến hàng chục chiếc với gần 200 tấn mía, trong đó đã "lọt lưới" được 2 xe/22 tấn. Những ngày qua, cùng với việc tổ chức thu mua mía, ông Phan Lâm Tường - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Đường Bình Định cho biết, cán bộ nhân viên của Công ty đã phải tăng cường bám trụ các vùng nguyên liệu 24/24 để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp lén lút bán mía ra bên ngoài.

Hậu quả nhãn tiền của việc tranh mua nguyên liệu không lành mạnh đã dẫn tới việc 450 ha mía của NMĐ Ayunpa bị đốt cháy. Do giá mua được đẩy lên quá cao (bình quân cao hơn 40.000 - 50.000 đ/tấn) đã khiến cho nhiều người trồng mía muốn "vượt rào" để kiếm thêm. Cho nên mới có chuyện, mặc dù trên đồng ruộng mía đã chín chiếm tỉ lệ từ 15 - 20%, thậm chí có vùng mía chín đến 40% nhưng hiện nay nhiều ruộng mía của nông dân Bình Định vẫn không chịu thu hoạch. Chúng tôi đã chứng kiến những ruộng mía chín nằm dọc hai bên đường tỉnh lộ (chạy về hướng trung tâm huyện Vĩnh Thạnh) phơi một màu trắng rốc, nhiều đám đã quá lứa trổ cờ trắng phau..., chỉ cần một tàn thuốc vô ý của một người đi đường cũng đủ để làm cho nó bùng cháy. Mà dù cho tình huống này không xảy ra, chỉ cần kéo dài thêm một thời gian nữa thì nông dân cũng lãnh đủ: Mía khô, năng suất và chữ đường sẽ giảm mạnh.

Trước nghịch lý trên, Công ty Cổ phần Đường Bình Định đã chủ trương "thả cửa": Cùng một lúc áp dụng linh hoạt hai phương thức thu mua theo chữ đường và mua xô; không khống chế phiếu đốn, ai có nhu cầu thì cấp ngay; nâng giá mua tại ruộng lên 250.000 đ/tấn (10 chữ đường), cao hơn đầu vụ 10.000 đ/tấn; kết hợp tăng cường thêm nhân viên địa bàn phối hợp với địa phương vận động các hộ gia đình thu hoạch mía. Thế nhưng tình hình vẫn không cải thiện mấy. Đang vào giai đoạn ép chính vụ nhưng tại thời điểm chúng tôi có mặt, NMĐ Bình Định gần như ngưng hoạt động hoàn toàn, quang cảnh hết sức vắng lặng, bên trong trống trơn nguyên liệu. "Bình quân mỗi ngày NMĐ chỉ chạy được vài tiếng đồng hồ là dừng lại nằm chờ" - ông Tường ngậm ngùi thừa nhận.

Cùng với nắng hạn kéo dài làm cho năng suất và sản lượng mía giảm, nỗi lo không hoàn thành kế hoạch vụ ép đang bao trùm lên toàn thể cán bộ công nhân viên NMĐ Bình Định. Nhưng điều quan trọng hơn, nếu tình hình này còn tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới những hệ lụy hết sức xấu: NMĐ sẽ bị lỗ vì phải liên tục đôn giá lên cao; nông dân thì nghi ngờ giá mua của NMĐ Bình Định; việc thực hiện tinh thần Quyết định 80 của Chính phủ chắc chắn sẽ bị phá sản; việc tái đầu tư lâu dài cho vùng nguyên liệu của Công ty sẽ khó thực hiện được...

Mía chín trổ cờ nhưng nông dân không chịu đốn

Rõ ràng là việc tranh chấp trong thu mua nguyên liệu của các NMĐ trong khu vực đang diễn ra hết sức quyết liệt và đang gây ra hệ quả hết sức xấu, mà nguyên nhân chính là do 2 NMĐ An Khê và Kon Tum đã không tôn trọng tinh thần của các cuộc họp trước đó. Thế nhưng, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Đức - Phó giám đốc NMĐ An Khê, đã phủ nhận hoàn toàn: "NMĐ An Khê không hề có chủ trương thu mua mía ngoài vùng đầu tư. Nếu có là trách nhiệm thuộc về tư thương và các tài xế xe tải". Tuy nhiên ông Đức cũng đã tỏ rõ quan điểm "trả đũa", rằng trước đó từ đầu vụ NMĐ Bình Định đã "chia sẻ" quá đậm vùng nguyên liệu của NMĐ An Khê.

Trả lời với chúng tôi qua điện thoại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ông Võ Thành Đàng, tỏ ra rất mệt mỏi về sự "vượt rào" của các NMĐ trực thuộc: "Hiệp hội đã làm hết trách nhiệm của mình. Chúng tôi không thể can thiệp sâu hơn nữa. Việc còn lại bây giờ là các NMĐ phải cùng "bắt tay" ngồi lại để tự tìm giải pháp cho mình.".

. Hưng Thịnh

 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Bí thư Thị ủy thị xã An Khê:

Quan điểm của địa phương là rất rõ ràng. Mặc dù NMĐ Bình Định không đứng chân trên địa bàn nhưng họ đã làm rất đúng theo tinh thần của QĐ 80 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay từ những năm đầu khi chưa có NMĐ An Khê ở đây, NMĐ Bình Định đã đầu tư 200 triệu đồng để giúp địa phương làm đường giao thông. Năm 2003, họ đã có văn bản và được huyện đồng ý giao 3 xã phía đông gồm: Cửu An, Song An và Tú An để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Ngoài ký hợp đồng đầu tư đến hộ trong vùng nguyên liệu, năm 2004 vừa qua NMĐ Bình Định còn bỏ ra 450 triệu đồng để làm 3 tuyến đường cho 3 xã nói trên. Và mới đây họ còn thỏa thuận bằng văn bản với thị xã trong năm 2005 sẽ tiếp tục đầu tư thêm 500 triệu đồng. Trong khi đó, kể từ khi đặt NMĐ An Khê cho đến nay, Công ty Đường Quảng Ngãi chưa hề làm được một công trình nào, dù nhỏ. Ngay cả tuyến đường nối liền từ trục quốc lộ 19 vào trung tâm NMĐ có giá trị đầu tư gần 3 tỉ đồng, địa phương đề nghị Công ty Đường Quảng Ngãi hỗ trợ 0,5 tỉ đồng nhưng đã bị phớt lờ.

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dung Quất - Nhịp cầu nối những mùa xuân   (20/02/2005)
Hạn hán, xâm mặn tại miền Trung  (18/02/2005)
Những đảo vàng...  (18/02/2005)
Về với Nam Đàn  (17/02/2005)
Hải Vân quan mùa xuân  (16/02/2005)
Đà Nẵng - thành phố mẫu châu Á  (15/02/2005)
Giếng cổ Gio An - câu chuyện cổ tích 5.000 năm tuổi  (14/02/2005)
Khánh Hòa: Tàu dầu thứ 29 cập Cảng Vân Phong  (14/02/2005)
Non nước Phú Yên, nồng nàn vẫy gọi  (13/02/2005)
Đảo yến ở Nha Trang  (12/02/2005)
Phan Thiết, sáng xuân nay  (08/02/2005)
Chiếc bánh tét dài 30 mét   (08/02/2005)
Khánh Hòa vững bước trên đường đổi mới  (07/02/2005)
Vinh - thành phố triển vọng  (06/02/2005)
Dung Quất những ngày đầu xuân  (05/02/2005)