Để vùng duyên hải miền Trung có nhiều hộ giàu lên
16:15', 23/2/ 2005 (GMT+7)

Không có quỹ đất màu mỡ phù sa như hai đầu đất nước, thiên tai dịch họa lại thường xuyên rình rập…, nhưng các tỉnh duyên hải miền Trung (DHMT) lại có lợi thế về nhân lực, tiềm năng đất đai còn dồi dào, với khoảng 400.000 ha đất cát ven biển còn bỏ hoang hóa chưa được đụng đến. Các chủ trương chính sách khuyến khích được ban hành kịp thời; nhiều tiến bộ khoa học công nghệ được đưa vào ứng dụng rộng rãi đã giúp nông dân trong vùng tạo ra được những mô hình làm giàu chính đáng. Tuy nhiên…

* Khao khát làm giàu

Mô hình trồng rau cho thu nhập cao ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam)

Những bãi cát trải dài ngút ngàn, từ hàng trăm năm nay chẳng biết làm gì, ngoài việc để… ngắm cho vui, làm nghĩa địa, hoặc chỉ để trồng phi lao chắn gió, chắn cát bay thì nay bỗng nhiên hái ra tiền. Thật không thể ngờ tới được. Có thể nói liên tiếp trong các năm vừa qua phong trào nuôi tôm trên cát ở vùng DHMT rộ lên. Chưa bao giờ người nông dân trong vùng lại quan tâm đến chuyện nuôi tôm trên cát như vậy.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Quảng Ngãi, theo kỹ sư Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, Trung tâm đã mở gần chục lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm trên cát cho nông dân với hơn 500 lượt người tham gia, vậy mà vẫn còn nhiều người muốn học. Ngành địa chính tất bật không kém trong việc đo đạc giao đất. Nông dân từ các tỉnh khác kéo về học tập, trao đổi kinh nghiệm rộn ràng. Mặc dù còn nhiều ý kiến bất đồng nhưng các nhà chuyên môn đã đưa ra được con số thật hấp dẫn: 1 ha đất cát đưa vào nuôi tôm thâm canh mang lại giá trị sản xuất 450 triệu đồng, lợi nhuận gần 210 triệu đồng và thu hút được 720 ngày công lao động; còn nếu nuôi bán thâm canh, giá trị sản xuất sẽ là 225 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt  trên 96 triệu đồng/ha và thu hút được 480 ngày công lao động.

Bên cạnh đó, chăn nuôi bò sữa, tuy chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây nhưng đã nhanh chóng cuốn hút nông dân vào cuộc. Tại Bình Định, đến nay, người nông dân đã tính được giá thành sản xuất 1 tấn sữa tươi là 2,63 triệu đồng. Theo đó, với giá bán sữa tươi 3.000 đồng/kg, bình quân sản xuất 1 tấn sữa cho họ thu nhập 1,63 triệu đồng, lãi ròng 370 ngàn đồng, nếu tính cả sản phẩm bê con thì bình quân 1kg sữa được lãi 815 ngàn đồng. Mỗi gia đình chỉ nuôi quy mô 4 con bò sữa, mỗi năm sẽ có lãi ròng 14,675 triệu đồng. Nuôi bò lai vỗ béo càng hấp dẫn hơn: 1 con bò lai đầu tư ban đầu trị giá không tới 3 triệu, sau 4 tháng vỗ béo đã cho thu nhập 2,5-3 triệu đồng/con.

Rồi mô hình trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò thịt ở xã Nghĩa Dũng (Quãng Ngãi) thu 40-60 triệu đồng/ha. Còn trên đất cát nghèo dinh dưỡng, thông qua sự giúp đỡ của các nhà khoa học, người nông dân xã Cát Trinh (Phù Cát - Bình Định) đã tìm được những công thức luân canh hiệu quả: Lạc đông xuân - sắn, cho lãi 15 triệu đồng/ha, nếu đầu tư thâm canh thì được 29 triệu đồng/ha; lạc đông xuân - dưa hấu - ngô thu đông, lãi 20 triệu đồng/ha, đầu tư thâm canh: 59,6 triệu đồng/ha; hành trái vụ - hành chính vụ lãi 40 triệu đồng/ha; hành trái vụ - cà rốt - hành chính vụ: 52,8 triệu đồng/ ha. Đặc biệt, nhờ áp dụng phương thức canh tác mới (trồng giống điều lùn, trồng dày, có đầu tư thâm canh), 1 ha đào trồng trên đất cát, tại xã Cát Hiệp (Phù Cát, Bình Định) đã cho thu nhập gần 40 triệu đồng/ha.

Trước đó năm 2000, 600 hộ nông dân nghèo ở xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch - Quảng Bình), đồng loạt bỏ 12 ha lúa mỗi năm trồng chỉ đạt 1,7 tấn thóc/ha sang làm rau, cải tạo đất cát, mỗi năm trồng 6-7 vụ rau đã cho thu nhập lên 100 triệu đồng/ha. Các vùng rau chuyên canh trên đất cát tại huyện Thăng Bình, thị xã Hội An (Quảng Nam) cũng cho thu nhập 100-170 triệu đồng/ha. Tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), trên đất màu người nông dân đã có thu nhập 30-40 triệu đồng/ha từ mô hình luân canh: Bông vải - xen đậu cô ve, lạc đông xuân - ngô, lúa hè thu...

Thành công của các mô hình làm giàu, có thể nói bắt nguồn từ các chủ trương chính sách thông thoáng của Đảng và Nhà nước. Cho đến nay gần như địa phương nào cũng ban hành được chính sách khuyến khích hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi. Tiêu biểu như Bình Định, cả 13 cây con vật nuôi quy hoạch chuyển đổi đều có chính sách ưu đãi về giống, vốn, kỹ thuật. Tỉnh Quảng Nam khuyến khích mở rộng khai hoang bằng hỗ trợ kinh phí: 7 triệu đồng/ha khai hoang tập trung, 3 triệu đồng/ha phân tán; chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng dứa 1 triệu đồng/ha….

Tuy vậy, những nỗ lực của các địa phương so với tiềm năng hiện có vẫn chưa tương xứng, các mô hình làm giàu của nông dân miền Trung chưa nhiều, tỉ lệ hộ đạt mức thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng/ha trở lên trong toàn vùng ước tính chưa tới 5%. Vấn đề không phải là thiếu hụt nhân lực, ý chí vươn lên làm giàu mà là vốn và hướng đi. Nhiều nơi, nguồn vốn của các ngân hàng thương mại bị đóng băng không giải ngân được, do sự ràng buộc cơ chế tín dụng, trong khi đó việc phối hợp thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài của ngành địa chính chậm trễ, không đáp ứng. Các mô hình khuyến nông không tạo ra được sự cộng hưởng do thiếu sự phối hợp đồng bộ của các cấp các ngành trong việc vận động tuyên truyền.

Và, sự hạn chế lớn nhất hiện nay là công tác quy hoạch cây con, vật nuôi của các địa phương không có đủ một tầm nhìn chiến lược, thiếu tính thực tiễn, không gắn được vùng nguyên liệu với nhà máy nên giữa đường thường bị "đứt gánh", sản phẩm làm ra không có thị trường, không có ai bao tiêu sản phẩm, nông dân phải tự "bơi"…

Nuôi bò sữa, nghề mới đang thu hút nông dân Bình Định

Tại Hội thảo xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha do Bộ NN&PTNT chủ trì diễn ra tại TP.Quy Nhơn, các đại biểu đều thống nhất thừa nhận: Thách thức lớn nhất của toàn vùng là chịu ảnh hưởng chuyển tiếp khí hậu Nam Bắc nên có nhiều thiên tai; kết cấu hạ tầng kém (do hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại); trình độ dân trí thấp; mức thu nhập thấp; tỉ lệ nghèo đói còn cao; khả năng huy động vốn đầu tư gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, DHMT không phải không có nhiều lợi thế: Nguồn nhân lực dồi dào, giá ngày công rẻ; điều kiện giao thông cảng biển, cảng hàng không, các cơ sở công nghiệp và chế biến bảo quản, dịch vụ thuận lợi đã và đang ngày càng được đầu tư nâng cấp, mở rộng; vùng có lượng bức xạ ánh sáng cao đến > 150 Kcai/cm2; độ mặn nước biển cao nhất nước, có vùng ổn định trên 30 phần ngàn (hiện nay ngành thủy sản đang kiến nghị đưa độ mặn vào như một khái niệm mới trong khoa học, coi đó là một tiềm năng để phát triển trong nông nghiệp). Đặc biệt là quỹ đất, trong tổng số 600.000 ha đất cát chỉ mới có trên 200.000 ha sử dụng cho cây trồng nông nghiệp, còn tới 400.000 ha chưa đụng đến. Trong nền kinh tế thị trường, các chuyên gia cho rằng: Đó là báu vật, là tiềm năng để nâng cao thu nhập cho nông dân.

* Để có nhiều hộ làm giàu?

Như vậy, với đặc thù điều kiện vùng DHMT, giải pháp để giúp nông dân làm giàu là Nhà nước phải có những bước đi tích cực: Quy hoạch lại cơ cấu cây trồng - vật nuôi cho toàn vùng, quy hoạch chi tiết cho từng tiểu vùng theo hướng khai thác có hiệu quả các lợi thế và tiềm năng để định hướng cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì. Tiêu chí để quy hoạch phải gắn liền với cơ cấu đầu tư, công nghiệp chế biến và nhất là phải có thị trường đầu ra ổn định. Tổng kết đánh giá và nhân rộng các mô hình, các công thức canh tác, luân canh đã có hiệu quả và triển vọng. Tăng cường tập huấn và đẩy mạnh dạy nghề cho nông dân; làm sao để cho mỗi hộ nông dân tự mình có thể thiết kế tổ chức được một mô hình làm ăn mới, biết hạch toán lãi lỗ, biết cập nhật các tiến bộ kỹ thuật đưa vào ứng dụng để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng - vật nuôi, và nhất là không thụ động trước các sản phẩm làm ra.

Đã đến lúc vai trò của các cấp ủy Đảng và chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng cần được phát huy hơn, thông qua việc tuyên truyền, vận động làm cho các hộ gia đình chuyển đổi được tư duy: Từ số lượng sang giá trị; từ sản xuất tự túc, tự cấp sang sản xuất hàng hóa; chuyển từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, chăn nuôi, nhất là nuôi trồng thủy sản…; từ thuần canh sang đa canh, đa nghề; xây dựng tập quán sản xuất hàng hóa (dưới hình thức mô hình gia trại, trang trại) gắn với chế biến quy mô vừa và nhỏ…

Cùng với nội lực của hộ nông dân, Nhà nước các cấp cần có chính sách tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Giao thông, thủy lợi, điện (ở những vùng chưa có); chính sách đầu tư cho công nghiệp chế biến; chính sách tín dụng (tháo gỡ nhanh những vướng mắc về cơ chế để nguồn vốn đến với hộ gia đình nhanh hơn, kịp thời hơn) và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, trong đó ứng dụng các thành tựu của công nghệ sinh học để tạo ra và nhân nhanh giống cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ cho hộ nông dân.

. Hưng Thịnh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tái diễn quyết liệt việc tranh mua mía nguyên liệu   (21/02/2005)
Dung Quất - Nhịp cầu nối những mùa xuân   (20/02/2005)
Hạn hán, xâm mặn tại miền Trung  (18/02/2005)
Những đảo vàng...  (18/02/2005)
Về với Nam Đàn  (17/02/2005)
Hải Vân quan mùa xuân  (16/02/2005)
Đà Nẵng - thành phố mẫu châu Á  (15/02/2005)
Giếng cổ Gio An - câu chuyện cổ tích 5.000 năm tuổi  (14/02/2005)
Khánh Hòa: Tàu dầu thứ 29 cập Cảng Vân Phong  (14/02/2005)
Non nước Phú Yên, nồng nàn vẫy gọi  (13/02/2005)
Đảo yến ở Nha Trang  (12/02/2005)
Phan Thiết, sáng xuân nay  (08/02/2005)
Chiếc bánh tét dài 30 mét   (08/02/2005)
Khánh Hòa vững bước trên đường đổi mới  (07/02/2005)
Vinh - thành phố triển vọng  (06/02/2005)