Sức xuân thành phố trẻ
15:38', 28/2/ 2005 (GMT+7)

Chưa có bao giờ Đồng Hới đẹp như mùa xuân 2005. Du khách đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thành phố trẻ bên bờ sông Nhật Lệ.

Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho thành phố Đồng Hới nhiều lợi thế. Giáo sư, tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam từng nhận xét: Thành phố Đồng Hới có điều kiện địa hình đẹp, trong không gian nối dài được cảm xúc gò đồi và sông biển; như gò đồi Hải Thành ăn lan ra biển. Một thành phố có nhiều dòng sông đi qua như sông Nhật Lệ, sông Phú Vinh, sông Cầu Rào, sông Lệ Kỳ, cùng hệ thống hồ nước như hồ Bàu Tró, hồ Bàu Bàng, hồ Phú Vinh… Tất cả những không gian sông nước này tạo nên một bài thơ đô thị tuyệt tác…

Quang cảnh lễ công bố quyết định thành lập TP Đồng Hới (ảnh: VietNamNet)

Không chỉ những du khách, các nhà khoa học mà ngay chính mỗi một người dân Đồng Hới cũng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và tiến trình đô thị hóa nhanh của thành phố Đồng Hới. Mới ngày nào thôi, chừng 15 năm về trước, cả Đồng Hới như một công trường xây dựng. Thế mà giờ đây, một thành phố trẻ đã tượng hình. Có thể nhận xét rằng: Đồng Hới trẻ hơn bất cứ thành phố nào khác, bởi Đồng Hới đi lên từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh. Và vì thế sức vươn của thành phố Đồng Hới càng mãnh liệt. Đó là sức xuân, sức vươn của một ý chí kiên cường; sức vươn của Đảng bộ và nhân dân Đồng Hới anh hùng, một lòng theo Đảng, Bác Hồ kính yêu; sức vươn của một thành phố giàu bản sắc văn hóa.

Đồng Hới đang tiến nhanh trên hành trình đô thị hóa. Nhiều tuyến đường mới mở. Chiếc cầu Nhật Lệ đã bắc qua sông mở tầm vươn ra hướng biển ôm trọn hòn ngọc Bảo Ninh vào lòng thành phố. Sân bay Đồng Hới đang được xây dựng. Nhiều khu dân cư mới hình thành ở Hải Đình, Đồng Mỹ, Hải Thành, Nam Lý… khu công nghiệp phía tây thành phố mở ra tiềm năng mới về sức phát triển CNH, HĐH… Diện mạo thành phố không ngừng khởi sắc. Ngay tại thời điểm xây dựng đề án nâng cấp đô thị loại III, các tiêu chí về đô thị thành phố đã được thật cao: Nền kinh tế tăng trưởng liên tục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 8-10,5%; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, số hộ giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm từ 9,3% năm 2000 xuống còn 3,6% năm 2004. Xây dựng và quản lý đô thị ngày càng tiến bộ, đã cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng làm cho diện mạo Đồng Hới ngày càng đàng hoàng hơn. Bình quân diện tích sàn xây dựng nội đô thị 15,4m2/người trên ngưỡng 12m2/người. Tỉ lệ nhà kiên cố đạt 65,8%, ngưỡng là 40%. Tỉ lệ đất giao thông so với đất đô thị 22-26% trên ngưỡng là 18-20%. Mật độ đường chính rải nhựa đạt 5,18km2, ngưỡng 3,5-4 km/km2. Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt đạt 1.000 KWh/người/năm, ngưỡng 700KWh/người/năm. Tỉ lệ đường phố chính được chiếu sáng 90%, ngưỡng 90%. Sự nghiệp văn hóa- xã hội phát triển mạnh sự nghiệp GD-ĐT không ngừng được mở rộng, nâng cao. Năm 2000 Đồng Hới hoàn thành phổ cập bậc THCS; có 20/22 trường tiểu học, 2/16 trường THCS, 2/18 trường mầm non được công nhận trường chuẩn quốc gia. Mạng lưới y tế phát triển mạnh. 100% phường, xã có bác sĩ.

Được làm người dân Đồng Hới thật hãnh diện. Cuộc sống đang ngày mỗi đổi thay. Niềm tự hào đó càng hiện rõ trong ngày hội lớn mùa xuân 2005, khi diễn ra sự kiện: Lễ công bố thành lập thành phố Đồng Hới. Thông điệp từ Hiệp hội Đô thị Việt Nam do ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND thành phố Huế, Chủ tịch Hiệp hội Đô thị Việt Nam đánh giá: "Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ và nhân dân thành phố Đồng Hới, ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc xây dựng phát triển thành phố Đồng Hới".

Tuy còn non trẻ, Đồng Hới đang có biện pháp để đối phó với những vấn đề bức xúc như: nạn ùn tắc giao thông, vấn đề giải quyết việc làm, nhà ở cho người nghèo... Cũng còn bao mâu thuẫn khác như: tiến trình chỉnh trang đô thị nhanh nhưng quy hoạch chậm, còn thiếu công viên, khu trung tâm vui chơi giải trí. Vì non trẻ nên thành phố còn chưa có kinh nghiệm trong quy hoạch. Một số cơ sở hạ tầng xây dựng chưa đồng bộ, một vài khu dân cư còn chật hẹp, có tuyến đường còn bé nhỏ, tỏ ra lạc hậu trước sự phát triển của tương lai đô thị. Một số công sở, nhà dân xây dựng chưa phù hợp với mỹ quan đô thị. Mâu thuẫn giữa việc đổi đất lấy cơ sở hạ tầng dẫn đến một số người dân vừa thoát khỏi nạn nhà tạm đã gặp cảnh thiếu việc làm ổn định…

Mùa xuân 2005, khi nghĩ về một thành phố tương lai, mọi người dân Đồng Hới ai cũng đều thấy trách nhiệm công dân của mình. Tất cả đều mong muốn trên tiến trình đô thị hóa, thành phố Đồng Hới luôn giữ nét trẻ trung duyên dáng của mình, có bản sắc kiến trúc riêng không phải là bản sao của một thành phố nào. Lợi thế của Đồng Hới ở sự trẻ trung, của sự đi sau biết đón đầu và đúc rút kinh nghiệm của những đô thị trước. Nên chăng, đề xuất với các nhà quản lý đô thị thành phố thuê một kiến trúc sư trưởng giỏi, có uy tín lớn để thực hiện quy hoạch tổng thể cho Đồng Hới. Về tương lai của thành phố Đồng Hới, kiến trúc sư Đặng Đức Dục, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: "Quy mô đất Đồng Hới đủ rộng để phát triển thành phố trên 165 km2, nay mai sẽ có tuyến đường tránh cho thành phố Đồng Hới từ nam Chánh Hòa nối thẳng cầu Quán Hàu, góp phần giải quyết phân bổ sử dụng đất. Đặc biệt trong xây dựng, khuyến khích các hộ dân phát triển biệt thự, nhà vườn, góp phần tạo cho thành phố Đồng Hới xanh- sạch-đẹp".

. Theo Báo Quảng Bình

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kon Tum: Hơn 12.200ha cây trồng bị hạn  (28/02/2005)
Cảm nhận Chu Lai  (27/02/2005)
Bãi biển mặc áo hoa   (25/02/2005)
Rong chơi cho hết miền Trung  (24/02/2005)
Để vùng duyên hải miền Trung có nhiều hộ giàu lên  (23/02/2005)
Tái diễn quyết liệt việc tranh mua mía nguyên liệu   (21/02/2005)
Dung Quất - Nhịp cầu nối những mùa xuân   (20/02/2005)
Hạn hán, xâm mặn tại miền Trung  (18/02/2005)
Những đảo vàng...  (18/02/2005)
Về với Nam Đàn  (17/02/2005)
Hải Vân quan mùa xuân  (16/02/2005)
Đà Nẵng - thành phố mẫu châu Á  (15/02/2005)
Giếng cổ Gio An - câu chuyện cổ tích 5.000 năm tuổi  (14/02/2005)
Khánh Hòa: Tàu dầu thứ 29 cập Cảng Vân Phong  (14/02/2005)
Non nước Phú Yên, nồng nàn vẫy gọi  (13/02/2005)