Ngã ba Đông Dương điểm nhấn trên con đường hội nhập
16:9', 2/3/ 2005 (GMT+7)

Còn nhớ trong một lần tổ chức Chương trình Đường lên đỉnh Olympia, người dẫn chương trình - Tùng Chi tươi cười tung ra cho người chơi một câu hỏi khó. Rằng nước ta có bao nhiêu tỉnh có vùng ba biên giới? Rất đáng tiếc là em này lại không trả lời được. Cuối cùng thì Tùng Chi đã phải sử dụng đến đáp án và và chậm rãi giải thích rất chi tiết: có 2 tỉnh. Đó là Lai Châu ở phía Bắc và Kon Tum ở Tây Nguyên.

Lai Châu có vùng ba biên giới chung với Trung Quốc và Lào. Còn ở Kon Tum là Lào và Campuchia. Vùng ba biên giới ở Kon Tum còn được nhắc tới bằng một cụm từ quen thuộc "Ngã ba Đông Dương", trong văn học thì nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo khi lao bút thường hay ví von là con gà gáy cả 3 nước cùng nghe.

Thật hiếm có một nơi nào như Kon Tum, thiên nhiên đã ban tặng cho không biết bao nhiêu tiềm năng. Nào là khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mo Ray, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh; nào là dòng sông Sê San huyền thoại mà ở đó tiềm năng thủy điện có một không hai với 6 bậc thang; đường Hồ Chí Minh chạy suốt từ đầu đến cuối tỉnh; nào là Quốc lộ 24 nối Kon Tum với Quảng Ngãi… Kon Tum còn giữ trong mình một kho tàng văn hóa dân gian nguyên sơ với những sử thi, những trường ca hoành tráng, những tượng nhà mồ ấn tượng. Riêng với ngã ba Đông Dương thì khỏi phải bàn, không biết bao nhiêu tiềm năng, không biết bao nhiêu lợi thế mà kể.

Có lẽ chính vì đó mà năm 1999, Chính phủ đã quyết định chọn xã Bờ Y của huyện Ngọc Hồi để xây dựng tại đây một cửa khẩu Quốc Tế, đồng thời cam kết hỗ trợ tại khu vực này các hoạt động chủ yếu về thương mại, du lịch, dịch vụ qua cửa khẩu; hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh; phát triển chế biến công nghiệp, nông lâm sản; phát triển nông lâm nghiệp phục vụ xuất khẩu; vận tải; xuất nhập cảnh qua cửa khẩu. Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y còn được Chính phủ trao đặc quyền là một trong không nhiều khu kinh tế cửa khẩu quốc gia. Đây được xem là tâm điểm của trục động lực phát triển không những riêng cho Kon Tum mà còn chung cho các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên; là đầu cầu ngắn nhất, thuận lợi nhất nối Tây Nguyên với duyên hải miền trung, Đông Nam bộ, ngược sang Lào, Đông bắc Thái lan, Myanma…

Những ngày này Kon Tum đang vào mùa khô. Những người thợ trên các công trình thủy điện thủy điện Plei Krông, Sê San 3A, Sê San 3 và Sê San 4 trải dọc dòng sông Sê San đang tranh thủ thời tiết tốt đẩy nhanh tiến độ. Đoàn chúng tôi có cuộc hành trình đến cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Cửa khẩu đang trong thời kỳ xây dựng. Mặc cho nắng, gió và bụi đỏ, Công ty xây dựng 79 đang tập trung cao nhất mọi lực lượng, phương tiện xe máy thi công giải phóng mặt bằng. Giám đốc Lê Văn Sơn cho biết: Cửa khẩu Quốc Tế Bờ Y có tổng diện tích quy hoạch 68.570 ha, được chia thành 3 khu chức năng, trong đó có khu đô thị biên giới rộng 400 ha. Tôi nhìn mà cứ như đi lạc vào giữa một khu rừng rậm với không biết bao nhiêu gai góc. Bắt đầu từ trạm thu phí giao thông từ ngoài vào. Đây là khu văn phòng đại diện của các tổ chức kinh tế xã hội trong và ngoài nước; khu nhà ở; các công trình thương mại dịch vụ công cộng như trung tâm thương mại,khách sạn, nhà hàng, bưu điện, ngân hàng thương mại; các công trình phúc lợi công cộng như đài phát thanh- truyền hình, bệnh viện, trường học, công viên cây xanh, các công trình đầu mối, khu dân cư. Đi tiếp là khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ gia công, sản xuất các ngành nghề về gia công chế biến hàng nông lâm sản xuất khẩu, lắp ráp, đóng gói hàng điện tử xuất khẩu và một số dịch vụ xuất khẩu khác. Và cuối cùng là khu các cơ quan quản lý nhà nước; khu kho tàng, bến bãi, khu dân cư, các công trình thương mại, dịch vụ công cộng, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

Tuy đang hoàn thiện mặt bằng nhưng vừa qua Kon Tum đã chính thức giao 5 ha cho Công ty Thành Ngọc có trụ sở tại TP Đà Nẵng triển khai xây dựng khu du lịch sinh thái. Mới đây là Hiệp hội các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng đã cử một đoàn lên tìm hiểu, xem xét rồi tiếp nhận hồ sơ về nghiên cứu để chọn hướng đầu tư. Còn danh sách đăng ký thì nhiều, không kể hết.

Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y Nguyễn Thế Đạt cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng trong chiến lược liên kết vùng, tiểu vùng vì nó có lợi thế là giao điểm quan trọng trong chiến lược liên kết nhằm tạo cơ hội hợp tác phát triển đa dạng giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông. Ngoài chính sách ưu đãi nhất quán của Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều quyết định, quy định nhằm thu hút đầu tư. Theo đó các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đầu tư vào đây sẽ được áp dụng giá thuê đất đất ở mức thấp theo khung giá hiện hành. Được cung cấp các cơ sở thiết yếu như điện, cấp thoát nước, đường giao thông khu vực phía trong. Trong trường hợp nhà đầu tư bỏ phí xây dựng ban đầu sẽ được địa phương hoàn trả lại theo giá trị công trình. Kon Tum sẽ cũng chịu 100% tiền đền bù giải phóng mặt bằng đối với các chủ đầu tư được cho thuê đất, kèm hỗ trợ khác về phát triển nguồn nhân lực, về kinh phí xúc tiến đầu tư, chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin của địa phương. Ngoài ra nhà đầu tư nước ngoài cũng được miễn 5 năm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% số thuế phải nộp cho 5 năm tiếp theo kể từ khi kinh doanh có lãi. Riêng đầu tư trồng rừng thì được miễn 100% tiền thuê đất trong suốt thời gian kinh doanh… Tiến độ xây dựng cửa khẩu Bờ Y đang tiến những bước quan trọng để dần về đích. Đến nay nhiều hạng mục quan trọng đã được hoàn thành đưa vào sử dụng gồm quy hoạch chung cư xây dựng, quy hoạch chi tiết, Trạm kiểm soát liên hợp, trụ sở làm việc của Ban quản lý. Và 10 công trình đang thi công dở dang, dự kiến đưa vào sử dụng trong quý 1-2005 gồm: quy hoạch chia lô giai đoạn 1, lưới điện trung tâm giai đoạn 1, đường nội bộ trạm kiểm soát liên hợp, đường trục chính… Hiện tại, Kon Tum cũng đang giúp phía bạn Lào quy hoạch xây dựng khu cửa khẩu, xây dựng trạm kiểm soát liên hợp, giúp đào tạo cán bộ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến quốc lộ 18B từ Kon Tum đi tỉnh A Tô Pư để cuối năm 2005 đưa vào hoạt động.

Với quyết tâm khai thông cửa ngõ phía bắc cùng cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, hy vọng một ngày mai không xa, nơi ngã ba Đông Dương này sẽ có sự hiện diện của một thành phố, là nơi giao lưu thương mại - văn hóa - du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Đó cũng là điểm nhấn để Kon Tum có cơ hội tiến một bước xa trên đường hội nhập.

. Theo báo Kon Tum

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Festival Tây Nguyên 2005  (02/03/2005)
Kon Tum: Trận mưa đáng giá hàng tỉ đồng   (02/03/2005)
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào miền Trung  (01/03/2005)
Bảo tồn và phát huy Nhã nhạc Huế   (01/03/2005)
Sức xuân thành phố trẻ  (28/02/2005)
Kon Tum: Hơn 12.200ha cây trồng bị hạn  (28/02/2005)
Cảm nhận Chu Lai  (27/02/2005)
Bãi biển mặc áo hoa   (25/02/2005)
Rong chơi cho hết miền Trung  (24/02/2005)
Để vùng duyên hải miền Trung có nhiều hộ giàu lên  (23/02/2005)
Tái diễn quyết liệt việc tranh mua mía nguyên liệu   (21/02/2005)
Dung Quất - Nhịp cầu nối những mùa xuân   (20/02/2005)
Hạn hán, xâm mặn tại miền Trung  (18/02/2005)
Những đảo vàng...  (18/02/2005)
Về với Nam Đàn  (17/02/2005)