. Ký của Trần Đăng
|
Bảo tàng Ba Tơ |
Trong những cuộc bù khú với lớp đàn em chúng tôi, nhà thơ Thanh Thảo hay kể về hoàn cảnh ra đời trường ca "Bùng nổ mùa xuân" của anh - một trong bộ ba trường ca "Những ngọn sóng mặt trời" đã được Nhà nước trao Giải thưởng về Văn học nghệ thuật. Chuyện thì dài nhưng tôi chỉ nhớ mỗi chi tiết này: Chuẩn bị kỷ niệm 40 năm khởi nghĩa Ba Tơ (1985), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghĩa Bình có "đặt hàng" cho nhà thơ viết một trường ca về cuộc khởi nghĩa này. Đấy là thời điểm "cực thịnh" của Thanh Thảo trong sự nghiệp sáng tác của mình, anh cho ra đời sòn sòn vài năm một tập thơ hoặc một tập trường ca. Nhà thơ đã nhận "đơn đặt hàng" của Hội Văn nghệ và bắt đầu một cuộc "truy tìm" những tài liệu và con người liên quan đến cuộc khởi nghĩa lừng danh này. Thấy tư liệu đã "hòm hòm", nhà thơ theo đoàn "rước đuốc Bác Hồ" về Ba Tơ để "thâm nhập thực tế". Vừa thấy mặt Thanh Thảo, mấy anh em ở Ba Tơ, vốn rất yêu quý nhà thơ nên "luộc" anh chín nhừ rồi… cho về! Vì vậy, Ba Tơ trong mắt của Thanh Thảo chỉ là một thị tứ lèo tèo dăm bảy nóc nhà lụp xụp và một cửa hàng công nghệ phẩm có rất nhiều… bia!
Một cuộc "thâm nhập thực tế" có một không hai trong đời sáng tác của Thanh Thảo. Ấy thế mà "Bùng nổ của mùa xuân" vẫn là một trong những trường ca xuất sắc trong sự nghiệp sáng tác của Thanh Thảo. Những người mới tập tò làm thơ vẫn thường thắc mắc điều này nhưng không dám hỏi anh. Chỉ đến khi họ biết rằng Tố Hữu tuy chưa đến lòng chảo Điện Biên Phủ nhưng bằng cảm nhận của một nhà thơ, ông vẫn có "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" nổi danh mấy chục năm qua thì mới hết thắc mắc. Tôi nhắc lại chi tiết này chỉ để nói lên một điều: Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và đội du kích lừng danh ấy đã ngấm vào máu thịt của tất cả chúng ta rồi. Chỉ cần một "lý do" hối thúc nào đó là những cảm xúc về cái địa danh ấy sẽ ùa vỡ ra thôi. Thanh Thảo là nhà thơ tài hoa, trường ca lại là thế mạnh của anh lúc bấy giờ. Vì vậy, mùa xuân của 40 năm trước đó đã thực sự "bùng nổ" trong anh. Năm nay, cuộc khởi nghĩa và đội quân du kích ấy đã tròn 60 năm. Dĩ nhiên là không có một trường ca thứ hai viết về về sự kiện này mà chỉ có những… bài ca, ca ngợi những con người Ba Tơ hôm nay đã biết đứng lên bằng đôi chân đầy thương tích sau hai cuộc chiến tranh giữ nước để xua đi bóng ma của đói nghèo và bệnh tật đã ám vào đời họ như một định mệnh.
* Người của hôm qua
|
Ruộng bậc thang của người Hrê ở Ba Tơ |
Đọc lại một số tư liệu liên quan đến cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, lúc thì người ta ghi đội du kích có 17 tay súng, khi thì trung đội ấy lên đến 28 người. Tôi thắc mắc thì được cô bạn chuyên nghiên cứu lịch sử giải thích rằng, sở dĩ có sự "chênh" nhau như thế là vì con số 28 là quân số sau khi khởi nghĩa và thành lập trung đội, còn số 17 là lúc mới… xông vào đồn Tây ở Ba Tơ! Tôi lại an ủi mình, thôi thì thắc mắc làm gì 17 với 28, mà chỉ chú ý đến ba gương mặt tiêu biểu của đội quân non trẻ ngày nọ: Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn và Nguyễn Khoách. Đây là những người lãnh đạo đầu tiên của Đội du kích Ba Tơ (sau ngày khởi nghĩa Ba Tơ có Nguyễn Chánh, vượt lao Thừa Phủ - Huế về và tham gia lãnh đạo đội du kích). Trong số ba vị thủ lĩnh đầu tiên của du kích Ba Tơ, chỉ có tướng Phạm Kiệt là tôi chưa được tiếp xúc. Phạm Kiệt quê Tịnh Minh, Sơn Tịnh, từ nhà tù Buôn Ma Thuột chuyển về căng an trí Ba Tơ. Đứng trước tình hình "Nhật-Pháp gầm gừ" nhau, Tỉnh ủy Quảng Ngãi gồm một số tù nhân đang ở căng an trí bấy giờ - phân công nhau một nhóm về đồng bằng, số còn lại đi bắt liên lạc với các thủ lĩnh người Hrê để lập căn cứ kháng chiến lâu dài. Phạm Kiệt được phân công ở lại và ông trở thành Chỉ huy trưởng đầu tiên lúc hạ đồn Ba Tơ và thành lập đội du kích tại Hang Én sau đó. Công lao của Phạm Kiệt và ảnh hưởng của ông đối với đội quân du kích còn non trẻ này đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử và các tướng lĩnh đánh giá rất cao. Tôi không được biết nhiều về ông nhưng rất chú ý đến chi tiết do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cập trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ hồi năm ngoái. Theo tướng Giáp thì Phạm Kiệt là vị tướng đã ủng hộ ông trong việc "kéo pháo ra khỏi lòng chảo Điện Biên khi công tác chuẩn bị chưa chín". Việc "kéo pháo ra" ấy là một quyết định khó khăn vì không ít các cấp chỉ huy bấy giờ ở Điện Biên ai cũng muốn đánh nhanh rồi… nghỉ. Vậy là, tướng Giáp đã có một thuộc cấp là Phạm Kiệt đã hiểu được ý đồ chiến lược của vị tổng chỉ huy mặt trận và hết lòng ủng hộ. Tướng Kiệt đã nhận diện được sự khắc nghiệt của cuộc đối đầu lịch sử ở Điện Biên Phủ, chứng tỏ rằng ông có một nhãn quan quân sự đặc biệt.
|
Dệt thổ cẩm ở Ba Tơ |
Vị thủ lĩnh thứ hai của Du kích Ba Tơ là ông Nguyễn Khoách. Ông Khoách hiện gần trăm tuổi, đang sống tại phường Quảng Phú thị xã Quảng Ngãi. Còn nhớ, nhân kỷ niệm 50 năm khởi nghĩa Ba Tơ (1995), ông Khoách đã làm cho các nhà sưu tầm các hiện vật liên quan đến khởi nghĩa này phải… giật mình khi ông moi lên từ góc vườn nhà hai khẩu súng mà đội du kích đã sử dụng 50 năm trước đó! Xin được lưu ý: Ông Khoách, đến khi nghỉ hưu chỉ mang quân hàm đại tá, song ông là một trong hai người đầu tiên được Bác Hồ tin tưởng giao cho một nhiệm vụ hết sức đặc biệt, quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ: Mở đường Trường Sơn. Dịp cuối năm ngoái, trong lúc trò chuyện với ông Khoách, tôi nghe ông cụ gần bách niên này ao ước được trở lại dự lễ kỷ niệm 60 năm khởi nghĩa vào ngày 11-3 năm nay. Mới đây lại nghe nói cụ bị bệnh. Mong cụ sớm lành bệnh để có mặt trong ngày lễ hết sức trọng đại này.
Khác với ông Khoách thể tạng hom hem, tướng Nguyễn Đôn, dù đã bước sang tuổi 87 nhưng trông ông còn khá khỏe mạnh. Nhà tướng Đôn ở trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đình Phùng - Đà Nẵng. Ngôi nhà của vị thủ lĩnh Du kích Ba Tơ này khá khiêm tốn so với công lao mà ông đóng góp cho đất nước. Nghe tôi "chê" nhà nhỏ, ông cười thật tươi: "Ở thế này là được rồi. Có hai vợ chồng già thôi mà, con cái trưởng thành và ở riêng cả rồi". Hình như cuộc khởi nghĩa của 60 năm trước vẫn còn ấm nóng trong ông. Ông kể với tôi rất nhiều về những ngày đầu đầy gian khó của đội du kích sau khởi nghĩa cũng như công tác chuẩn bị để cùng nhân dân trong tỉnh tham gia giành chính quyền vào tháng 8 năm 1945. Ông nói: "Những người tù ở căng an trí ngày ấy chẳng một ai qua trường lớp quân sự nào cả. Chính cuộc chiến tranh và lòng yêu nước của tuổi trẻ đã thành trường quân sự lớn, trui rèn chúng tôi trở thành những vị tướng sau này". Tướng Đôn đã cùng đội du kích năm xưa đi trọn cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm cho đến ngày thắng lợi. Cũng như ông Khoách, ông cũng mong mình có mặt trong ngày lễ kỷ niệm 60 năm Khởi nghĩa Ba Tơ sắp tới. Tôi đã gửi đến ông một lời chúc nhưng chẳng thấy ông vui mà chỉ nhận từ ông một chút xa xăm: "Bây giờ còn nhiều chuyện mệt đầu lắm cháu à. Người dân ở nhiều vùng căn cứ cách mạng, trong đó có Ba Tơ, còn khó khăn quá!". Tôi an ủi vị tướng già: "Cũng còn khó nhưng không "khó quá" đâu bác. Ba Tơ chuẩn bị đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đấy!". Khuôn mặt ông chợt sáng lên.
* … Và của hôm nay
|
Trung tướng Nguyễn Đôn-một trong ba thủ lĩnh của Khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11.3.1945 |
Ông Trần Trung Chính, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ rỉ vào tai các nhà báo nhân lễ ra quân đầu năm của ngành giao thông được tổ chức tại Ba Tơ sau Tết: "Hy vọng là Ba Tơ sẽ đón danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm khởi nghĩa". Tôi hơi ngạc nhiên trước thông tin này, hỏi ông Chính: "Thành tích nổi bật nhất của Ba Tơ là cơ bản... xóa xong rừng chứ có gì mà anh hùng, thưa ông?". Ông Chính dịu giọng: "Tôi cung cấp cho nhà báo một chi tiết này thôi: Ba Tơ hiện nay chỉ còn 13% hộ nghèo thôi". Một con số chợt hiện ngay trong tôi: Toàn tỉnh còn đến 20% hộ nghèo, Ba Tơ chỉ còn 13%, anh hùng cũng xứng đáng chứ không phải danh hão!
Mùa mưa năm ngoái, tình cờ tôi gặp một thanh niên người Hà Tĩnh, định cư hơn 15 năm nay ở Ba Tơ. Anh có khoe với tôi rằng hiện anh đang sở hữu một loại giống cây đặc biệt. Đó là cây mây. Cây mây không lạ gì với người dân nhưng gieo ươm và trồng thành rừng thì quá lạ rồi. Đồng bào Hrê ở Ba Tơ đã "hít" loại cây này ghê lắm. Họ ví cây mây như hũ gạo giữa rừng. Khi nào hết gạo, ra rừng bứt dăm bảy sợi mây là có gạo qua ngày được rồi. Mây còn là cây giữ rừng nữa, vì là "hũ gạo" nằm ngoài rừng nên chẳng một ai dám đốt rừng. Bài toán khá đơn giản nhưng mấy chục năm nay, Ba Tơ mới tìm được lời giải. Cũng như chuyện trồng cây keo lai vậy. Ở Ba Tơ hiện nay không còn một chỗ đất trống nào, vì đồng bào đã tận dụng để trồng rừng hết. Bày việc cho người dân làm, đó là cái cách của lãnh đạo Ba Tơ áp dụng lâu nay. Ngược đường 24 bây giờ sẽ dễ dàng bắt gặp những tay lái trâu dắt trâu về xuôi. Hình ảnh này không bao giờ có vào thời điểm 5-10 năm trước. Con trâu đã nhập cuộc vào cơ chế thị trường chứ không còn là vật tế thần đơn thuần của đồng bào Hrê nữa. Tôi cho đó là một thành công của cuộc vận động để đồng bào Hrê thay đổi cách nhìn, vì trước đây có nhiều gia đình người Hrê sở hữu hàng chục con trâu mà vẫn cứ đói, giờ họ chỉ cần bán vài con trâu là có thể xây được ngôi nhà rồi. Hoặc như việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi ở Ba Tơ cũng được làm khá bài bản. Năng suất lúa bình quân ở Ba Tơ hiện nay đã lên đến 34 tạ/ha là một thành công đáng nể. Đồng bào đã biết dùng phân chuồng để bón lúa chứ không phải cho lúa "ăn chay" như trước đây nữa.
Không còn hộ đói là điều đáng mừng nhưng chưa phải đã hết lo. Con đường đến với ấm no và giàu có của người dân Ba Tơ vẫn còn nhiều ổ trâu chứ không phẳng phiu như quốc lộ 24. Nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thì cũng sướng bụng đấy, nhưng người dân đang cần những cái cụ thể hơn.
. T.Đ
|