Di sản văn hóa thế giới ở miền Trung
16:23', 4/3/ 2005 (GMT+7)

* Huế:

Ngày 11-12-1993, Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO) đã công nhận Quần thể di tích Huế là di sản văn hóa của nhân loại, khi nhận định rằng: "Quần thể Di tích Huế là một thí dụ điển hình về thiết kế đô thị và xây dựng một thành phố kinh đô có phòng thủ, biểu hiện quyền lực của vương quốc phong kiến ngày xưa ở Việt Nam thời tột đỉnh vào đầu thế kỷ XIX".

Tổng giám đốc UNESCO ký bản chứng chỉ công nhận đối với Di tích Huế có đoạn nội dung chính tạm dịch như sau:

"Ủy ban Di sản thế giới đã ghi tên Quần thể Di tích Huế vào danh mục Di sản thế giới.

Ghi tên vào danh mục này là công nhận giá trị toàn cầu đặc biệt của một tài sản văn hóa hoặc thiên nhiên để được bảo vệ vì lợi ích của nhân loại".

Di tích Huế là quần thể di tích đầu tiên của Việt Nam được vinh dự đứng vào hàng tài sản văn hóa quý báu nhất của thế giới.

Tiếp theo, ngày 7-11-2003, cũng tổ chức này đã chính thức công bố 28 kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại được ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới, trong đó có Nhã nhạc cung đình Huế của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một di sản phi vật thể của Việt Nam được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại.

* Hội An:

Thị xã Hội An nằm trên bờ sông Thu Bồn. Thị xã có những dãy phố gần như nguyên vẹn, đó là loại hình nhà ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia. Trong đó có một dãy phố nằm sát ngay bờ sông Hội An. Nhà ở đây toàn bằng gỗ quý, trong nhà treo hoành phi, câu đối, cột nhà chạm trỗ hoa văn rất cầu kỳ. Hội An là một bảo tàng sống, khu phố cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Khung cảnh và ánh sáng kỳ ảo trong khu phố cổ quyện với giọng ca bài chòi, hò khoan, giã gạo… vẳng lên từ con thuyền đậu dưới bến sông, dưới mái hiên, nơi đầu phố… tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ đối với du khách. Không quá trang nghiêm như Cố Đô Huế, không quá sôi động như chợ Lớn, nét cổ truyền nơi đây mang một vẻ thuần khiết, thu hút những tâm hồn ưa chuộng lãng mạn của những ngày xa xưa.

* Mỹ Sơn

Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Mỹ Sơn với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13.

Bức màn lịch sử đã được các nhà khoa học vén dần lên thông qua những bia ký và lịch sử nhiều triều đại xưa cho ta thấy Mỹ Sơn là khu thánh địa quan trọng nhất của dân tộc Chăm suốt từ cuối thế kỷ IV đến thế kỷ XV.

Mỗi thời kỳ lịch sử, kiến trúc mang phong cách riêng, cũng như mỗi đền tháp thờ những vị thần, những triều vua khác nhau tạo nên đường nét kiến trúc đầy dấu ấn, nhưng nhìn chung tháp Chàm đều được xây dựng trên một mặt bằng tứ giác, chia làm ba phần: Đế tháp biểu hiện thế giới trần gian, vững chắc. Thân tháp tượng hình của thế giới thần linh, kỳ bí mê hoặc. Phần trên cùng là hình người dâng hoa trái theo nghi lễ hoặc hình cây, lá, chim muông, voi, sư tử… động vật gần gũi với tôn giáo và cuộc sống con người.

Những hiện vật này là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu, nó có giá trị văn hóa của một dân tộc. Hơn thế nữa, đó là những chứng tích sống động, xác thực lịch sử của một trong những dân tộc trong cộng đồng Việt Nam giàu truyền thống văn hóa.

* Động Phong Nha

       Phong Nha - Kẻ Bàng

Giấu mình trong núi đá vôi được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới, Phong Nha giờ đây đã trở nên nổi tiếng bởi sự hào phóng của tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất này một hệ thống hang động thật lộng lẫy với con sông ngầm được xác định là dài nhất thế giới.

Động Phong Nha nằm ở vùng núi đá vôi Kẻ Bàng cách TP Đồng Hới 50 km về phía Tây Bắc.

Nếu như đấng tạo hóa đã tạo ra con người thì hình như chính tạo hóa lại chở che cho chúng. Trải bao cuộc chiến, Động Phong Nha vẫn còn đó, nguyên sơ như hàng triệu năm về trước.

Những làng quê yên bình nằm xen kẽ giữa những lùm tre thấp thoáng mái nhà nâu đỏ bên hữu ngạn sông Son. Những o thôn nữ đứng gọi đò bên bến nước, những chiếc thuyền đưa khách ngược xuôi, chào hỏi nhau bằng ngôn ngữ của nhiều vùng làm sống động cả bến sông. Thuyền cập bến cũng là lúc du khách bắt đầu một cuộc hành trình khám phá một mê cung giữa chốn đời thường.

Động Phong Nha có rất nhiều nhánh với chiều dài lên đến khoảng trên 20km, nhưng hiện nay người ta mới khám phá nhánh dài nhất là một phần của con sông ngầm có tên là Nâm Aki mà sông Son là phần lộ ra mặt đất, nó chui ngầm dưới đất ở vùng núi Pu-pha-Đam cách đó hơn 20 km về phía Nam. Trước cửa động, cảnh núi non sông nước các thêm quyến rũ, thiên nhiên hùng vĩ với vô vàn hình ảnh kỳ thú hiện ra như khêu gợi trí tưởng tượng của con người. Người ta đã khéo đặt tên cho canh đẹp nơi đây là Động Phong Nha (Động Răng Gió). Vào mùa nước lớn, nước sông Son dâng cao che khuất cửa hang, thuyền du lịch không vào đây được. Tương truyền hơn một trăm năm về trước, ông vua trẻ Hàm Nghi đã ẩn mình ở đây cùng một số cận thần và ra lời kêu gọi Cần Vương.

Cửa động rộng khoảng 20 mét, cao 10 mét, có nhũ đá lô nhô. Bơi thuyền qua cửa hang, động rộng như một cái bát úp trên mặt nước. Nước sông trong veo và phẳng lặng như mặt gương, càng vào sâu ánh sáng càng nhạt dần rồi mất hẳn. Xen lẫn với tiếng mái chèo như có tiếng chiêng "bi…tùng..bi" vẳng lên, người bản địa cho rằng đó là âm nhạc trong tiệc rượu của Thần Núi vọng ra… tất cả hợp thành tiếng nhạc, lúc âm u như tiếng chiêng, lúc bập bùng như tiếng trống. Động chính của động Phong Nha gồm 14 buồng nối liền bởi một hành lang nước dài đến 1.500m. Từ buồng thứ 14 ta còn có thể theo những hành lang hẹp khác đi vào sâu hơn nữa đến những buồng cũng to rộng không kém nhưng có phần nguy hiểm hơn, nơi mà quá trình phong hóa đá vôi vẫn còn tiếp tục. Thuyền ngược dòng độ 800m thì đến chỗ cạn gọi là Hang nước cạn: nước biến đi nhường chỗ cho đá, cát. Nhũ đá từ trên rủ xuống, măng đá từ dưới nhô lên tua tủa như cây rừng với những hình dáng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng.

. Theo Báo Trà Vinh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sáu mươi năm sau   (04/03/2005)
Tìm thấy dấu vết cư dân nguyên thủy tại Quảng Trị   (03/03/2005)
Quảng Trị: Khởi công xây dựng KCN Đông Lễ   (03/03/2005)
Ngã ba Đông Dương điểm nhấn trên con đường hội nhập  (02/03/2005)
Festival Tây Nguyên 2005  (02/03/2005)
Kon Tum: Trận mưa đáng giá hàng tỉ đồng   (03/03/2005)
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào miền Trung  (01/03/2005)
Bảo tồn và phát huy Nhã nhạc Huế   (01/03/2005)
Sức xuân thành phố trẻ  (28/02/2005)
Kon Tum: Hơn 12.200ha cây trồng bị hạn  (28/02/2005)
Cảm nhận Chu Lai  (27/02/2005)
Bãi biển mặc áo hoa   (25/02/2005)
Rong chơi cho hết miền Trung  (24/02/2005)
Để vùng duyên hải miền Trung có nhiều hộ giàu lên  (23/02/2005)
Tái diễn quyết liệt việc tranh mua mía nguyên liệu   (21/02/2005)