Kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ đặt viên đá đầu tiên chính thức khởi công công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh CNH-HĐH, đến nay, "dự án khổng lồ" đã khép lại giai đoạn 1 với quãng thời gian hơn 1.500 ngày.
|
Đường Trường Sơn hôm nay |
Cứ nghĩ đến chặng đường gần 1.400 km - "mạch máu" xuyên suốt hơn 10 tỉnh, thành phố miền Trung- Tây Nguyên do 29 đơn vị thi công cùng hàng chục ngàn công nhân từng phải đối diện, vượt qua những thử thách bom đạn, muỗi vắt, sốt rét… mới thấy được sức mạnh, nghị lực và trí tuệ con người Việt Nam. Cũng ngần ấy thời gian, hàng trăm cây cầu, hàng chục ngàn cống lớn nhỏ… được bê tông hóa kiên cố. Và ven theo con đường mang tên Bác Hồ, cuộc sống của người dân hôm nay đang từng bước được cải thiện…
Khó có thể quên được chuyến công tác đầu tiên cuối năm 2002 tôi đến A Roàng - A Lưới (TT- Huế). Ngày ấy mới ra trường, những thông tin tôi biết về vùng đất này chỉ qua vài tờ báo. Khi đến nơi, cảnh tượng nơi đây hoàn toàn khác xa những gì tôi đã hình dung. Thời gian trước đó, A Roàng - một trong những xã vùng sâu xa nhất tỉnh chưa có đường giao thông, chưa có điện, thậm chí còn không thu được cả sóng vô tuyến. Người dân sống theo kiểu tự cung tự cấp: không buôn bán, chợ búa… Họ bảo "muốn mua đồ dùng, thực phẩm phải xuống tận A Lưới cách 40km đường rừng". Nên hay cái tin đang thi công đường Hồ Chí Minh ngang qua, người dân mừng lắm!
Gặp đoàn của anh Vũ Hồng Thắng - Trưởng Ban điều hành đường Hồ Chí Minh (Tổng công ty Sông Đà) tại UBND xã A Roàng, rồi được anh "địu" đi thăm tuyến luôn. Mệt mỏi cuốc bộ bên nhau, anh an ủi: "Gắng một chút, nơi đây phương tiện hơi bí. Ban mới thành lập nên lên tuyến phải đi bộ, khi nào gặp xe công trường thì vẫy đi nhờ". Trầm ngâm một hồi, anh lại tiếp lời: "Ấy thế nhưng vẫn còn sướng chán. Tôi nhớ hồi đầu từ Hà Nội vào mở tuyến, nơi đây hoang vu lắm, đường sá chưa thông nên phải đi bộ tận ngoài A Đớt, 7km mới vào tuyến được. Chỉ thương anh em công nhân còng lưng cõng những can dầu, gùi thực phẩm vượt rừng núi phồng rộp lưng, chứ đâu dễ như bây giờ".
Mải chuyện trò, chẳng mấy chốc chúng tôi cũng lên đến đầu tuyến. Hình ảnh đầu tiên rất ấn tượng đập vào mắt tôi trên con đường mang tên Bác là tấm băng rôn đỏ dán dòng chữ lớn "Chiến thắng thuộc về những người đúng hẹn". Anh Thắng giới thiệu: "Đoạn này có tên A Roàng - A Tép (Km 378+ 400 đến Km 420). Đây là đoạn thi công gian khổ nhất trên toàn tuyến". Nơi đây, hàng ngàn công nhân từng đã nhọc nhằn ngày đêm đào mới hoàn toàn hơn 40km đường; hai đường hầm A Roàng 1 và A Roàng 2 với tổng chiều dài 585m cùng 3 chiếc cầu, hơn 200 cống lớn nhỏ…
Tiếp tục chặng hành trình, trước mắt tôi vẫn là cảnh thi công khẩn trương của nhiều tốp công nhân. Những chiếc máy Volvo, Komatsu đang treo mình trên những sườn núi ầm ì quăng những gàu đất làm xua đi không khí tĩnh lặng của núi rừng Trường Sơn. Nhìn tôi, Hoàng - anh "lính trẻ" lái máy xúc thò đầu ra khỏi ca bin cười chọc: "Ê lính mới hả? Trông trẻ đấy. Tí nữa ghé lán tụi này uống rượu làm quen…" Tôi đưa tay vẫy, nhẹ cười rồi đi tiếp. Tháng 9 đang là mùa mưa nên trên toàn cung đường khối lượng đất đá sạt lở nhiều. Anh Thắng thống kê: ước tính từ đầu vụ đã lên đến 200.000m3/113 vị trí bị sụt. Trong đó nghiêm trọng nhất vẫn là hàng trăm ngàn mét khối đất đá, cắt đứt đôi tuyến tại Km 388+145. Ngay cả công trình 10km mặt đường bê tông xi măng, thông hầm A Roàng 1 chiều dài 429,5m hoàn thành cuối tháng 5-2004; 86/211 cống; 413/1.382m dài tường chắn cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng với tinh thần "không chịu đầu hàng khó khăn", anh em công nhân vẫn ngày đêm căng bạt thi công, khắc phục những hạng mục bị "lỡ hàm ếch" do trời… hành.
Cả ngày bộ hành thật mệt, nhưng ngẫm lại cũng thú vị. Đêm ở lán trại, nằm nghe tiếng gió giữa đại ngàn Trường Sơn thổi lạnh, tôi được nghe kể thủ thứ chuyện về cuộc sống của công nhân xa nhà, những chặng đường anh em tiếp tế thực phẩm bị gió bão tắc đường nên phải chia nhau ăn dè sẻn… Những lúc như thế anh em lại trồng rau, nuôi lợn phòng khi trái gió trở trời… Dũng - kỹ sư trẻ mới ra trường được điều ngay về làm đường Hồ Chí Minh ở đỉnh U Bò tâm sự: "Lâu dần cũng thành quen anh ạ! Bây giờ mình cũng cực nhưng thấm vào đâu. Ngẫm lại mới thấy thế hệ cha anh mở đường Trường Sơn năm xưa đi cứu nước thật vĩ đại, hùng tráng biết bao"…
Đâu chỉ riêng tuyến qua A Lưới, cả "dự án đường Hồ Chí Minh CNH-HĐH khổng lồ" giai đoạn 1 với quãng đường gần 1.400km - "mạch máu" thông suốt mười mấy tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên do 29 đơn vị thi công cùng hàng chục ngàn công nhân từng đối diện, vượt qua những thử thách bom đạn, muỗi vắt, sốt rét… đã khép lại như một sức mạnh, nghị lực và trí tuệ con người Việt Nam. Nó là chiếc cầu nối tạo nên thế cân bằng vững chắc để Việt Nam khẳng định sự vươn cao, vươn xa trên con đường hội nhập quốc tế. Toàn tuyến từ Đăk Rông (Quảng Trị) đến A Lưới (Huế) hầu như được láng nhựa hoàn toàn. Riêng từ A Đớt đến Kon Tum nhiều đoạn vượt qua những cánh rừng già cheo leo cũng được mở mới, thông tuyến. Các thị trấn như Thạnh Mỹ, Prao (Quảng Nam), Đăk Glei, Ngọc Hồi (Kon Tum) nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua được nâng cấp xây dựng khá hiện đại.
Còn nhớ, hồi đầu tháng 9-2003, trên tuyến Prao - Thạnh Mỹ (Nam Giang - Quảng Nam), hàng ngàn lượt đồng bào Cơ Tu tưng bừng "mở tiệc cồng chiêng" đón mừng lễ khởi công Nhà máy thủy điện A Vương được đầu tư kinh phí xây dựng gần 4.000 tỉ đồng, tiến tới thực hiện sứ mệnh mới "ngăn dòng A Vương" đem nguồn sáng thủy điện về với muôn nhà. Nay sứ mệnh ấy đã thành hiện thực. Các dự án xây dựng Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ 2,5 triệu tấn/năm; cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Ốc; khu kinh tế mở Chu Lai… vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cũng lần lượt ra đời, manh nha và phát triển khởi sắc. Tính đến cuối tháng 5-2004, tuyến đường Hồ Chí Minh từ Thanh Hóa vào Kon Tum đã hoàn toàn thông tuyến. Thời gian này, hàng ngàn đoàn khách trên mọi khắp mọi miền đất nước từng đã đến tham quan "con đường huyền thoại- đường Hồ Chí Minh".
Mới đây trở lại A Lưới, tôi được nghe người dân kể rằng: Từ khi thông đường Hồ Chí Minh đến nay, hàng chục đoàn khách là cựu chiến binh từ Bắc vào, Nam ra tham quan tấp nập, có đoàn ở lại với bà con cả tuần…
Giờ đang là thời khắc chuyển giao giữa hai giai đoạn xây dựng đường Hồ Chí Minh. Con đường dài hơn 3.000 km nối hai chiều Bắc- Nam chưa hoàn toàn thông mạch, nhưng ít ra trước mắt là niềm vui khi hàng chục ngôi làng mới của bà con Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều đang mọc lên nối tiếp trên 1.400 km đã tượng hình. Đến nay đã có 4 làng Thanh niên lập nghiệp do Trung ương Đoàn TNCS HCM đầu tư xây dựng tại Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Nghệ An. Ở đây, ngày tháng họ đang cần mẫn chăm lo sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng, xây dựng và bảo vệ đường Hồ Chí Minh vững chãi.
Hiện hàng ngàn dân sinh sống cạnh những cung đường Hồ Chí Minh đi qua các tỉnh miền Trung yêu thương đón cái tết đầu tiên có điện. Nhưng có lẽ vui nhất, nhờ con đường mang tên Bác Hồ này, họ sẽ về xuôi, đến làng bản khác thăm hỏi người thân mà không phải mất hàng tuần lội bộ xuyên rừng như trước… Gửi lại tuyến đường Trường Sơn nơi tôi đi qua là hạnh phúc khi tôi bắt gặp từng nhóm trẻ nhỏ người Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều… tung tăng cắp sách đến trường; những người mẹ, người cha Giẻ Triêng, Co, Ba na... địu hoa trái trên lưng, ánh mắt chan chứa khát vọng.
. Theo báo Công an Đà Nẵng |