Khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo:
Điểm nhấn trên hành lang Đông - Tây
15:44', 14/3/ 2005 (GMT+7)

Sau 6 năm hình thành, phát triển, Khu thương mại Lao Bảo đã và đang biến vùng đất cửa khẩu biên giới hoang vu và heo hút gió rừng thành một khu kinh tế thương mại với một hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo cho nơi đây trở thành "một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo" trong tương lai gần…

Xe qua lại Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo (ảnh: VietNamNet)

Ngày 12-1-2005, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 11/2005/QĐ- TTg ban hành Qui chế Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (thay thế QĐ 219 và QĐ 08) tạo thêm nhiều cơ hội hơn cho Lao Bảo trên đường phát triển.

Khu thương mại Lao Bảo (TMLB) được thành lập theo Quyết định số 219 ngày 12-11-1998 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều đặc điểm tính chất khá "tổng hợp" như một khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu mậu dịch tự do, được hưởng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất theo quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam và các điều ước Quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc tham gia. Đặc biệt, việc ra đời Khu TMLB là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia để đón đầu xu thế hội nhập của Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung, tỉnh Quảng Trị nói riêng vào lộ trình AFTA của các nước tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) dọc tuyến đường xuyên Á trên hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC).

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của khu kinh tế cửa khẩu này là thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ. Sau 6 năm thực hiện chính sách "trải thảm đỏ" và quảng bá mời gọi đầu tư, đến nay tại khu TMLB đã quy tụ được 60 doanh nghiệp và trên 2000 hộ kinh doanh buôn bán. Trong số 40 dự án đầu tư mới, có 23 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, thuê đất, từng bước đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 600 tỉ đồng trên diện tích đất thuê gần 30 ha; trong đó đã có 17 dự án cho ra sản phẩm, và nhìn chung có nhiều triển vọng ổn định, phát triển. Đáng giá nhất ở khu kinh tế cửa khẩu này là việc thu hút được 4 dự án đầu tư 100% vốn nước ngoài từ Thái Lan với tổng vốn đăng ký gần 18 triệu USD. Đến thời điểm này, hai nhà máy sản xuất nước tăng lực (Cty Chaichareon Việt - Thái) và săm lốp xe máy (Cty Camel Industries) đã khẳng định được tầm nhìn xa của các doanh nhân Thái Lan trong việc đón đầu trên hành lang kinh tế Đông- Tây bằng những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ đủ sức xuất khẩu cạnh tranh trong toàn khu vực. Hai dự án khác cũng của người Thái, đang triển khai tại Lao Bảo là sản xuất phụ tùng xe máy, xe đạp và sản xuất ngư lưới cụ đang trong giai đoạn cuối cùng để cho ra sản phẩm vào giữa năm 2005.

Phía các doanh nhân nội địa thì sao? Dù "phản ứng" chậm hơn (và thận trọng hơn), một số doanh nghiệp của tỉnh Quảng Trị và các tỉnh trên cả nước đã đầu tư kinh doanh tại Lao Bảo trong các lĩnh vực khách sạn, ngân hàng, bưu chính viễn thông, bảo hiểm… với ý đồ "đón đầu" khi Lao Bảo thành một cửa ngõ sầm uất của Việt Nam qua đường số 9.

600 tỉ đồng - đó là số tiền đã đầu tư cho xây dựng hạ tầng khu TMLB (trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước 270 tỉ đồng), bình quân 100 tỉ đồng/năm. Từ một vùng rừng bạt ngàn lau lách, tuy vẫn còn một số khó khăn vướng mắc nhất định nhưng nay Lao Bảo đã bắt đầu hình thành dáng vóc của một đô thị: các tuyến đường giao thông rải thảm bê tông nhựa "hòa mạng" vào đường cao tốc xuyên Á, khách sạn SêPôn soi mình bên dòng sông biên giới là "điểm đến" của du khách Thái, Lào… hệ thống siêu thị, ngân hàng, viễn thông… với chất lượng phục vụ ngày càng thỏa mãn nhu cầu khách hàng hơn … Trong những ngày đầu năm 2005, tỉnh đã quyết định xây dựng tại Làng Vây (trong địa phận của khu TMLB) một khu đô thị "điểm nhấn" của Lao Bảo ngay trên trục đường số 9, diện tích quy hoạch 60-80 ha. Đây một trong những chương trình hành động lớn của tỉnh Quảng Trị triển khai Nghị quyết 39/NQ/TƯ ngày 16-8-2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010.

Bắt đầu từ 2005 này, Lao Bảo đã có thêm một nguồn lực mới cho phát triển: 13 triệu USD từ nguồn vốn ODA ưu tiên đầu tư trên EWEC của tỉnh Quảng trị, thuộc các dự án vệ sinh môi trường, kho ngoại quan, trung tâm dịch vụ SOS, trung tâm dịch vụ tổng hợp đường 9, liên hiệp chế biến gỗ.

Cách đây 6 năm nói chuyện Lao Bảo sẽ thành… thành phố còn là chuyện xa vời. Nhưng nay thì đã khác. Hình hài một đô thị đã rõ. "Rồi sẽ thấy và nhất định thấy/ Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/Một thị trấn yêu kiều qua nẻo Làng Vây" (Ngô Kha, 1970). Những câu thơ đầy tiên cảm ấy không còn là chuyện giấc mơ nữa.

. Theo báo Quảng Trị

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sắp có nhà máy lọc dầu tại Phú Yên   (14/03/2005)
Thành cổ Vinh   (13/03/2005)
Khởi công nhà máy thủy điện đầu tiên tại Khánh Hòa   (13/03/2005)
Đắk Nông hành trình cùng đất nước   (11/03/2005)
Đường Trường Sơn ngày ấy, hôm nay  (10/03/2005)
Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản 2005   (10/03/2005)
Khai mạc "Festival Tây Nguyên 2005"   (10/03/2005)
Ninh Thuận sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư  (09/03/2005)
Nơi hội tụ của niềm vui  (09/03/2005)
Cơ hội vàng để ngành du lịch Hà Tĩnh tăng tốc  (07/03/2005)
Bình Thuận cần có phương án chống hạn lâu dài  (06/03/2005)
Di sản văn hóa thế giới ở miền Trung   (04/03/2005)
Sáu mươi năm sau   (04/03/2005)
Tìm thấy dấu vết cư dân nguyên thủy tại Quảng Trị   (03/03/2005)
Quảng Trị: Khởi công xây dựng KCN Đông Lễ   (03/03/2005)