Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị bàn biện pháp phòng, chống hạn và khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra, tổ chức ngày 14-3 tại Ninh Thuận.
Phó Thủ tướng nói, trước mắt cần tập trung giải quyết nguồn nước uống, nước sinh hoạt cho người và gia súc, cứu đói cho nhân dân; đồng thời phòng chống cháy rừng và bảo vệ số diện tích cây trồng, đàn gia súc hiện có; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sản xuất vụ hè thu sắp tới.
|
Hạn hán tại Ninh Thuận |
Về hỗ trợ chống hạn, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trước hết, sử dụng ngân sách dự phòng của các địa phương, ngân sách dự phòng của Trung ương bổ sung kinh phí chống hạn; xuất nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ 10kg gạo/người/tháng và cấp trong 3 tháng theo danh sách cụ thể của các tỉnh. Chính phủ giao cho Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do nắng hạn kéo dài nên lượng chảy của các sông suối liên tục suy giảm, thậm chí không còn nguồn sinh thủy, nhiều sông suối nhỏ hầu như đã cạn kiệt, trong đó nặng nhất là các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai. Một số sông lớn như sông Cái (Nha Trang, Ninh Hòa), sông Dinh, sông Cái (Phan Rang)... nhiễm mặn với nồng độ cao và lấn sâu vào trong nội địa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người, gia súc và gieo trồng.
Hiện nay, tình hình thiếu nước sinh hoạt và thiếu đói đã và đang xảy ra ở rất nhiều địa phương, trầm trọng nhất là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Nông, Đắc Lắc và Gia Lai. Tính đến ngày 10-3, đã có hơn 264.900 hộ bị thiếu nước sinh hoạt và gần 112.300 hộ bị thiếu đói và số hộ này sẽ còn tăng nếu nắng hạn còn tiếp tục. Theo dự báo, từ nay đến cuối tháng 4, tình hình thiếu nước và khô hạn sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt và nghiêm trọng hơn.
Theo báo cáo chưa đầy đủ, tính đến nay, tổng giá trị thiệt hại do hạn hán gây ra trong khu vực đạt tới 1.743 tỉ đồng và sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Về lâu dài, cùng với việc phát triển hệ thống thủy lợi, các địa phương được yêu cầu tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế thật phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao và phải kiểm soát được qui hoạch. Chính phủ sẽ xem xét huy động các nguồn vốn để nhanh chóng khởi công xây dựng thêm các công trình thủy lợi ở khu vực này.
Hội nghị phòng chống hạn có sự tham dự của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương và lãnh đạo UBND các tỉnh nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
. Theo TTXVN
|