Kon Tum gắn phát triển KT-XH với củng cố quốc phòng- an ninh
15:4', 16/3/ 2005 (GMT+7)

Với diện tích gần 10.000 km2, có đường biên giới giáp với Lào và Cam-pu-chia dài 275 km, dân số gần 360.000 người, trong đó trên 53% là đồng bào dân tộc thiểu số, Kon Tum là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế- xã hội và quốc phòng- an ninh không chỉ của Tây Nguyên mà còn đối với cả nước.

Qua 10 năm đổi mới, tỉnh đã giành được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm giai đoạn từ 1991- 2000 là 9,6%; giai đoạn 2001-2003 là 11,53%; thu ngân sách năm 2000 đạt 89 tỉ đồng, đến năm 2003 tăng lên 202,9 tỉ đồng. Số xã, phường, thị trấn có điện là 85/92, đạt 92,4%, tỉ lệ hộ dùng điện khoảng 90%; tỉ lệ hộ dùng nước sạch là 58,42%; 80/92 xã, phường, thị trấn có trạm y tế; tỉ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2003 còn 16,46%; có 16 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở; 100% điểm dân cư được phủ sóng phát thanh, trên 85% hộ được phủ sóng truyền hình. Bộ mặt nông thôn, thị xã, thị trấn, thị tứ có nhiều thay đổi; đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa được nâng lên một cách rõ rệt; cơ sở hạ tầng được đầu tư từ các dự án nên đến nay cơ bản các xã đã có các công trình thiết yếu về: điện, đường, trường, trạm. Quốc phòng- an ninh được giữ vững. Đặc biệt đã góp phần làm thất bại âm mưu thành lập cái gọi là "Nhà nước Đê ga" của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Trong những năm tới, tỉnh Kon Tum sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp cơ bản sau đây để nâng cao hiệu quả việc kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh.

Lấy nhóm giải pháp phát triển kinh tế- xã hội làm nền tảng; khẩn trương soát xét, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội với bảo đảm quốc phòng- an ninh trong chiến lược tổng thể của cả nước. Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp- xây dựng, thương mại và dịch vụ. Quy hoạch, sắp xếp các nguồn nhân lực, điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý giữa các vùng, ngành. Chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và các dự án quan trọng tác động tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu giảm nhanh tỉ lệ hộ đói, nghèo. Tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện về phát triển giáo dục- đào tạo, khoa học công nghệ; xác định văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tập trung chăm lo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể các cấp và các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân đóng trên địa bàn. Mỗi cấp, mỗi ngành cần có quy hoạch, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ cấp mình, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, bảo đảm chất lượng chính trị, có năng lực quản lý xã hội, vận động quần chúng; am hiểu phong tục, tập quán và tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Có chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn, làng để họ yên tâm công tác.

Giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa buôn, làng lành mạnh. Bảo đảm tự do tín ngưỡng và sinh hoạt tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật. Phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, chăm lo xây dựng khôi đoàn kết toàn dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm cho mọi người dân thấy rõ âm mưu, thủ đoạn lừa gạt của các thế lực thù địch và những phần tử phản động; chủ động tấn công vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy, vừa giúp xã phát triển kinh tế- xã hội, vừa làm chủ địa bàn, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung đấu tranh bóc gỡ, phân loại và xử lý nghiêm khắc các đối tượng cầm đầu, cốt cán trong các ổ nhóm phản động, hoạt động bất hợp pháp, đang lén lút tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền nhân dân, truyền đạo trái phép. Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân thực sự là cơ quan tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp, chỗ dựa vững chắc cho quần chúng thực hiện quyền làm chủ. Rà soát xây dựng khu vực phòng thủ, các phương án xử lý tình huống để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung cần thiết theo hướng làm rõ chức năng, nhiệm vụ; hoàn thiện cơ chế chỉ huy thống nhất và sự phối hợp hành động của các lực lượng chuyên trách trong từng tình huống. Phát huy vai trò của các đơn vị lực lượng vũ trang tham gia xây dựng cơ sở chính trị và vận động quần chúng, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số về kinh nghiệm làm ăn, xóa mù chữ và khám, chữa bệnh…

Nhiệm vụ bao trùm của các cấp, các ngành là làm cho cán, bộ, công chức và nhân dân quán triệt sâu sắc quan điềm của Đảng về vấn đề kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ luôn gắn kết hữu cơ với nhau, tác động qua lại, nhất là trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang diễn ra các hình thái vừa hợp tác vừa đấu tranh.

. Theo báo Kon Tum

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
950.000 USD để cải thiện việc cấp nước tại miền Trung   (16/03/2005)
Phê duyệt quy hoạch khu kinh tế Vịnh Vân Phong  (15/03/2005)
Chống hạn cho Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là nhiệm vụ trọng tâm   (15/03/2005)
Điểm nhấn trên hành lang Đông - Tây   (14/03/2005)
Sắp có nhà máy lọc dầu tại Phú Yên   (14/03/2005)
Thành cổ Vinh   (13/03/2005)
Khởi công nhà máy thủy điện đầu tiên tại Khánh Hòa   (13/03/2005)
Đắk Nông hành trình cùng đất nước   (11/03/2005)
Đường Trường Sơn ngày ấy, hôm nay  (10/03/2005)
Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản 2005   (10/03/2005)
Khai mạc "Festival Tây Nguyên 2005"   (10/03/2005)
Ninh Thuận sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư  (09/03/2005)
Nơi hội tụ của niềm vui  (09/03/2005)
Cơ hội vàng để ngành du lịch Hà Tĩnh tăng tốc  (07/03/2005)
Bình Thuận cần có phương án chống hạn lâu dài  (06/03/2005)