Ngày 21-11-2004, thành phố Buôn Ma Thuột tròn 100 năm. Có thể nói vùng đất Buôn Ma Thuột đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, không ngừng lớn mạnh về mọi mặt trong sự phát triển đi lên cùng đất nước.
Từ một vùng xa xôi hẻo lánh, ít người biết đến, vào những năm đầu thế kỷ 20, thị xã Buôn Ma Thuột mới có gần ba vạn dân, đến năm 1975 có 13 vạn dân, ngày nay Buôn Ma Thuột đã là một trung tâm kinh tế thương mại du lịch dịch vụ của tỉnh Đăk Lăk với diện tích hơn 37.000 km2, có trên 31,2 vạn người thuộc 31 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Năm 1928, một làng của người Kinh hình thành ở Buôn Ma Thuột, lấy tên làng Lạc Giao đánh dấu quá trình đoàn kết thủy chung giữa các dân tộc anh em sống trên vùng cao nguyên này. Khi xâm lược Buôn Ma Thuột, thực dân Pháp luôn bị đồng bào các dân tộc nổi dậy đánh đuổi. Đó là các cuộc kháng chiến của A ma Jhao (1889- 1905) ở buôn Ea Yông, của N'Trang Gưh ở buôn Trấp (1900-1914), của Y Jut H'ving, Y Ut Niê (1925-1926) và của N' Trang Lơng kéo dài 23 năm.
Từ khi Đảng ra đời, lãnh đạo cách mạng Việt Nam, phong trào đấu tranh ở Buôn Ma Thuột chuyển sang một bước ngoặt mới. Những người tù cộng sản tại nhà đày Buôn Ma Thuột như Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Trần Hữu Dực, Tố Hữu, Võ Chí Công, Đoàn Khuê, Bùi San… đã biến nhà tù của thực dân thành nơi rèn luyện, truyền bá lý tưởng cộng sản, giáo dục, cảm hóa, giác ngộ những công chức, trí thức, binh sĩ… làm việc cho thực dân Pháp tham gia kháng chiến, gây dựng cơ sở cách mạng từ làng Lạc Giao với những hạt nhân tiêu biểu là Y Bih Alêo, Y Wang Mlô, Y Bloc Eban, Nguyễn Khắc Tịnh, Võ Ngũ, Võ Bá Hòe, Lê Văn Tín… Đến tháng 4-1945, chi bộ đảng đầu tiên được thành lập ở Buôn Ma Thuột và các tổ chức quần chúng cứu quốc phát triển rộng khắp. Một số trí thức, sinh viên tiến bộ yêu nước là người dân tộc thiểu số đang học và làm việc ở ngoài tỉnh cũng đã tìm cách trở về quê hương để bắt liên lạc và hoạt động cách mạng như Y Ngông Niê Kđăm, Y Nuê (Ai Phương), Y Tlam… Phong trào cách mạng nổ ra khắp nơi, đồng bào các buôn Alê, Akô Thôn, Akô Sir, buôn Ky, buôn Niêng… đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 5, Tỉnh ủy Đăk Lăk, quân và dân Buôn Ma Thuộc luôn kề vai sát cánh, anh dũng đấu tranh, cùng các lực lượng lập nên nhiều chiến công to lớn trong 2 cuộc kháng chiến, mà tiêu biểu là chiến thắng Buôn Ma Thuột - mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Buôn Ma Thuột có hàng nghìn con em thoát ly ra chiến khu tham gia giải phóng; thành phố có gần một nghìn liệt sĩ, hơn một nghìn thương binh, 2.200 gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Ra khỏi chiến tranh, Buôn Ma Thuột mang hậu quả rất nặng nề, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. 30 năm sau, nhất là từ khi Buôn Ma Thuột trở thành thành phố, đồng bào các dân tộc tập trung sức nỗ lực phấn đấu xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành đô thị lớn của Tây Nguyên. Từ một nền kinh tế mang tính tự cung tự cấp đã phát triển theo kinh tế thị trường với cơ cấu công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp; tổng sản phẩm năm 2004 tăng gấp hai lần so với năm 1995, bình quân thu nhập đầu người năm1995 là 445 USD, năm 2004 tăng lên 771 USD; 95% hộ gia đình có điện chiếu sáng, 80% dân số được cấp nước sạch, 305 km đường nội bộ khu dân cư đã "cứng hóa"; bình quân 100 dân có 14 máy điện thoại. Năm 1995, Buôn Ma Thuột được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học. Năm học 2004-2005, Buôn Ma Thuột có 116 trường học với 74.088 học sinh, trong đó có 12.421 học sinh dân tộc thiểu số.
Cùng với phát triển KT- XH, thành phố tập trung củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Ông Huỳnh Ngọc Luân, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: 100 năm hình thành và phát triển là cái mốc để quân dân thành phố cao nguyên này nhìn nhận lại những thành quả đã đạt được, nắm bắt thời cơ thuận lợi vượt qua khó khăn chung tay góp sức xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh.
Và một tin vui nữa lại đến với quân dân Buôn Ma Thuột, ngày 28-2-2005 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại II.
. Theo báo Quân khu 5
|