Đà Nẵng những con đường thế kỷ
11:40', 30/3/ 2005 (GMT+7)

Đến thành phố Vũng Tàu, tôi bị ngợp trước vẻ đẹp hiện đại và nên thơ của con đường ven biển mang cái tên con gái: Thùy Vân. Đầu đường Thùy Vân có tấm bảng bằng đá cẩm thạch, khắc chữ vàng: "đây là con đường được trao giải thưởng con đường đẹp nhất Việt Nam". Đến Đà Nẵng vào cuối năm 2004, tôi đã được đi trên những con đường mới xây dựng, rộng và đẹp mê hồn, không thua kém đường Thùy Vân ở Vũng Tàu. Những con đường tràn trề sức xuân.

Sau khi khánh thành cầu quay sông Hàn, người Đà Nẵng bắt đầu chuyển hướng phát triển thành phố của mình về phía Đông. Sau khi mở con đường Bạch Đằng Đông nhằm đô thị hóa những làng thôn bên kia sông Hàn ngàn năm nghèo khó, một đại lộ lớn được xây dựng nối chiếc cầu quay nổi tiếng với bãi tắm Mỹ Khê. Đó là đường Phạm Văn Đồng, đường 4 làn xe, rộng 60m, là một trong những đại lộ đẹp và rộng nhất miền Trung hiện nay. Mỗi lần đến Đà Nẵng ban đêm tôi thưởng ra đứng vịn vai cầu sông Hàn và đi bộ mấy cây số trên đại lộ Phạm Văn Đồng để thở gió Biển Đông, để chiêm ngưỡng sức vóc mới của thành phố biển!

Từ đại lộ này, một hệ thống đường du lịch ven biển từ chân đèo Hải Vân- Liên Chiểu- Thuận Phước- Sơn Trà đến Non Nước đã được đầu tư xây dựng. Năm 2002, hoàn thành con đường Nguyễn Tất Thành dài 20 km, hai chiều, bốn làn xe chạy từ cảng cá Thuận Phước tới gần chân đèo Hải vân. Đây là một trong những con đường đẹp nhất Việt nam, có người bảo "có thể hẹp hơn con đường ven biển của Hồng Kông!" Có thể nói đây là con đường hùng vỹ lượn vòng theo bờ vịnh Liên Chiểu, như cánh tay khổng lồ ôm lấy biển sóng chan hòa. Suốt dọc 20 km đường là những bờ tường bằng đá trắng, ôm lấy bờ cát, trồng hoa. Lề đường rộng tới chục mét được lát đá rất công phu. Một đoạn lại có cửa tam cấp cho du khách xuống biển. Đi trên con đường này, tôi cứ suy nghĩ miên man. Nếu không có "con mắt" nhìn xa, trông rộng, không có một tình yêu quê hương xứ sở, thì dọc bãi biển Liên Chiểu này vẫn chỉ là những thôn xóm nghèo trên cát trắng! Con đường sẽ mở ra thời cơ để tăng tốc du lịch, làm đổi đời hàng vạn cư dân những xóm nghèo Nam Ô, Liên Chiểu… Đặc biệt, trên con đường này có cây cầu treo bắc qua sông Hàn nối Thuận Phước- Sơn Trà, đây là chiếc cầu thứ 6 bắc qua sông Hàn, cầu dây văng dài rộng và đẹp không kém cầu Mỹ Thuận trên sông Hậu! Tại sao không xây cây cầu bê tông vĩnh cửu, mà lại làm cầu dây văng? Vì cầu dây văng sẽ tạo nên một nét duyên, một điểm nhấn cho con đường trong mắt du khách.

Từ cầu treo Thuận Phước-Sơn Trà, đại lộ du lịch ven biển của Đà Nẵng tiếp tục mở về hướng Sơn Trà-Điện Ngọc (Quảng Nam) dài gần 30km, rộng 25- 35m với 4 làn xe, có dải phân cách, với tổng vốn đầu tư 398,97 tỷ đồng đang hình thành. Tuyến đường này đi qua các bãi biển nổi tiếng như Mỹ Khê, T20, T18, Furama, Non Nước, nối với phố cổ Hội An. Một khu du lịch cao cấp đang được xúc tiến với mức vốn lên tới 80 triệu USD… Cho nên những con đường hiện đại ven biển, chính là bước đột phá quan trọng, tạo ra môi trường thu hút đầu tư khai thác thế mạnh du lịch biển.

Đầu năm 2004, thành phố Đà Nẵng vừa khánh thành một con đường quan trọng nữa: Đó là đường Bạch Đằng (Tây). Con đường này bắt đầu từ Thuận Phước nối với đường 2-9 ở Bảo tàng Chàm, đường 2-9 kéo dài cho đến đầu cầu Tuyên Sơn, là trung tâm, là bộ mặt thành phố. Đường Bạch Đằng dài 2km với kinh phí xây dựng 130 tỷ đồng và đường 2-9 hai chiều được thiết kế đẹp và xanh như một công viên. Lề đường bên bờ sông Hàn rộng rãi, là nơi dạo chơi ngắm cảnh về đêm của du khách và nhân dân Đà Nẵng. Đường 2-9 nối với đường Bạch Đằng nơi có Quảng trường 2-9, nơi khai mạc các Lễ hội văn hóa du lịch Đà Nẵng, có trung tâm thi đấu thể thao, có vườn tượng đá Non Nước… Người ít đến Đà Nẵng, bây giờ đi lại trên đường Bạch Đằng thấy khác xưa một trời một vực. Bà con ở đây kể rằng để mở rộng đường Bạch Đằng lên gấp đôi, những người xây dựng đã đóng hàng ngàn chiếc cọc bê tông lớn xuống bờ sông, rồi đổ bê tông con đường dài 2km, như một cây cầu, ốp vào con đường cũ!

Trong năm 2004, Đà Nẵng đã hình thành một tổ hợp đường liên thông mang tầm thế kỷ. Những con đường thế kỷ ấy là khâu đột phá tạo ra tốc độ phát triển nhanh hơn về kinh tế và du lịch của Đà Nẵng trong những thập niên đầu của thể kỷ này. Để làm những con đường thế kỷ đó. Đà Nẵng đã huy động mọi nguồn vốn, sức dân, tiết kiệm từng đồng trong đền bù giải tỏa, trong đó có hơn 1.000 tỉ đồng vốn từ phương thức đổi đất lấy hạ tầng!

Hiện nay, Chính phủ đang triển khai các công trình giao thông lớn ở Đà Nẵng, đường cao tốc và đường sắt hai chiều Đà Nẵng- Dung Quất, nâng cấp cảng Tiên Sa lên 5 triệu tấn/năm để làm cảng đầu mối ra Biển Đông cho hành lang kinh tế Đông Tây sẽ thành hiện thực năm 2006; nâng cấp cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng… Tất cả những dự án lớn  đó sẽ tạo ra một Đà Nẵng hiện đại xứng đáng là đô thị đầu tàu cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

. Theo Báo GTVT

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đà Nẵng kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng  (29/03/2005)
Quảng Nam: Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển KT- XH  (28/03/2005)
Mỹ Sơn - Lung linh đêm tháp cổ  (25/03/2005)
Xây dựng nhà máy sản xuất điện từ bã mía  (24/03/2005)
Mưa lớn tại 4 tỉnh Tây Nguyên  (24/03/2005)
Quảng Ngãi khai thác tiềm năng du lịch  (24/03/2005)
Bình Định đoạt 1 Huy chương đồng, 1 giải khuyến khích  (24/03/2005)
Đắk Nông: Mít tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm giải phóng Gia Nghĩa  (23/03/2005)
"Bệ phóng" cho Chu Lai, Dung Quất  (22/03/2005)
Bắt đầu chương trình lễ hội Hành trình di sản 2005  (22/03/2005)
Đắc Lắc khánh thành bệnh viện đa khoa tư nhân đầu tiên  (21/03/2005)
Buôn Ma Thuột - Thành phố 100 năm  (20/03/2005)
Nha Trang: Phát hiện một ngôi mộ cổ  (20/03/2005)
Tuy Hòa - phố biển, phố rừng  (18/03/2005)
Festival biển 2005 tại Nha Trang  (17/03/2005)