Phú Yên đã "yên" cần phải "phú"
16:12', 1/4/ 2005 (GMT+7)

Phú và Yên : Giàu và Yên ổn. Người xưa đặt cho tỉnh cái tên với kỳ vọng. Kỳ vọng ấy đến đầu thế kỷ XXI này  cũng chỉ đạt được một phần, có lẽ phần "yên ổn" trội hơn phần "giàu có".

Nhà nước Đại Việt khám phá đất Phú Yên khá sớm, tổ chức khai khẩn và bố trí cư dân người Việt xen kẽ cư dân bản địa cách nay cũng 400, 500 năm. Đèo Đại Lãnh và Thạch Bi Sơn từng là cái mốc đánh dấu cuộc Nam tiến. Đây là mảnh đất nối dài của phủ trị Quảng Nam thời xa xưa, ngoài lưu vực Sông Ba và vùng sát biển, còn lại là núi đá.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Phú Yên là tỉnh phía nam của vùng tự do Khu 5: Nam-Ngãi-Bình-Phú. Dù cuối cuộc kháng chiến, ngày 21-1-1954, tướng Navarre mở chiến dịch Atlante, đổ quân lên Phú Yên theo kế hoạch chiếm đóng Khu 5, song đã phải rút sớm, nên Phú Yên hưởng độc lập gần như liên tục từ sau Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đến Hiệp định Genève. Còn từ  Hiệp định Genève đến ngày toàn thắng 1975, Phú Yên chịu trăm nỗi đắng cay dưới thời Mỹ-ngụy. Thực sự, thời Mỹ-ngụy, một số tỉnh miền Trung có thay đổi về kinh tế, riêng Phú Yên lại ít thay đổi bởi chính quyền Sài Gòn không đầu tư gì đáng kể-quanh đi quẩn lại chỉ mỗi thị xã Tuy Hòa là khá, khá do người dân tự xây dựng là chính và do điều kiện địa lý tự nhiên. Đập Đồng Cam có đóng góp vào nghề nông của Phú Yên, song như thế là quá ít.

Phát triển một tỉnh như Phú Yên không dễ. Nó đòi hỏi những cái đầu dám nhìn thẳng vào khó khăn, dám tính đến tạo lập một địa bàn trù phú với những giới hạn khá gay gắt. Phú Yên không rộng, nếu không nói là một tỉnh nhỏ theo địa lý hành chính hiện nay-5.178 km2. Dân cũng không đông, thống kê mới nhất 830.000 người, không phải là nơi hoạt động kinh tế sôi nổi nên dân nhập cư đến Phú Yên không nhiều. Bản đồ bố trí dân số người Kinh và người dân tộc thiểu số ở Phú Yên nói chung na ná như từ trước, ngay cả vào những năm tăng trưởng kinh tế cả nước khá nhanh gần đây.

Chắc chắn người Phú Yên có vui vì cầu Đà Rằng là cầu dài nhất trên trục lộ miền Trung nước ta, nhưng đó không phải do sự tích lũy từ bản thân lao động của người Phú Yên mà do nhu cầu quốc gia. Thị xã Tuy Hòa mới được nâng lên Thành phố Tuy Hòa gần đây có thể nói vẫn còn sơ khoáng trong nhịp độ đô thị hóa hiện nay.

Tuy nhiên, nếu nhìn Tuy Hòa với tầm xa thì đây chính là nơi tiềm ẩn một năng lực trỗi dậy đáng kể. Đứng trên độ cao của Dốc Mõ, hướng nam, thuộc tỉnh Khánh Hòa, khả năng nối liền đầu bên này của Dốc Mõ với đầu bên kia bằng một hình thái kinh tế nào đó, chẳng hạn một khu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, hay một đồn điền trồng cây công nghiệp. Phú Yên không thể tồn tại riêng biệt. Phú Yên mà không mở rộng hoạt  động ra đại dương thì khó mà "Phú" được. Hoạt động mở rộng ra đại dương không chỉ là đánh bắt hải sản, dù Phú Yên nổi tiếng với cá ngừ, mà là cảng Vũng Rô, là cảng biển loại vừa, đồng thời là khu công nghiệp lọc dầu, điểm xuất phát của Phú Yên đầy triển vọng. Đúng ra, nước ta khai thác dầu thô hàng chục năm rồi nhưng vẫn phải nhập dầu đã chế biến cho nhu cầu trong nước. Dung Quất là một khu lọc hóa dầu quy mô lớn, đòi hỏi vốn đầu tư cao và thời gian xây dựng dài. Trong khi đó Vũng Rô và Thị Vải ở Bà Rịa-Vũng Tàu-với công suất thấp hơn, thời gian thi công ngắn hơn sẽ sớm cho sản phẩm từ nguyên liệu dầu thô, hỗ trợ cho Dung Quất. Tại sao không đặt một đường dẫn dầu từ Vũng Rô lên Tây Nguyên lẫn đông bắc Campuchia và đông bắc Thái Lan? Phú Yên là triền của Tây Nguyên giáp biển, sức sống và sự phát triển của Phú Yên chính là mối liên kết với Tây Nguyên. Nếu xây một đường xe lửa từ Phú Yên lên Tây Nguyên men theo thung lũng Sông Ba, đó là đường sắt lên Tây Nguyên ít tốn kém nhất. Cả 2 tuyến đường bộ và đường xe lửa đều là đường xương sườn của Đại lộ Hồ Chí Minh nối Quốc lộ 1A, sẽ tạo ra một tuyến phát triển mới của đất nước Phú Yên và mở cho Tây Nguyên vươn ra biển Đông.

Một tiềm lực khác mà Phú Yên được thiên nhiên ưu đãi: dọc bờ biển Việt Nam từ Quảng Ninh đến Nam bộ, không đâu mà cảnh trí đẹp và liên hoàn bằng bờ biển Phú Yên. Từ sông Cầu đến Đại Lãnh trên là núi, dưới là đá cuội, xét kinh tế theo nghĩa hẹp, khó làm giàu, còn xét kinh tế theo nghĩa hiện đại "công nghiệp không khói" Phú Yên có một không gian thật rộng để triển khai. Rất tiếc, đến nay, du lịch Phú Yên vẫn ở mức… "cò con". Tất nhiên, Phú Yên không liên kết với ngành du lịch cả nước, đặc biệt với SaiGon Tourist, sẽ khó sử dụng cái vốn thiên nhiên quý hiếm này. Phú Yên nên tính kế hoạch vừa cấp tốc vừa lâu dài là nâng niu du lịch thành ngành kinh tế hàng đầu.

Ngày 5-1-2005, Chính phủ đã quyết định thành lập Thành phố Tuy Hòa, tỉnh lỵ tỉnh Phú Yên. Thị xã Tuy Hòa được lên thành phố, chắc chắn đó là tầm nhìn xa, là sự "đón đầu" của Chính phủ về tương lai của Phú Yên. Quyết định ấy trùng hợp với suy nghĩ của Đảng bộ Phú Yên.

Rồi đây, đường hầm xuyên Đại Lãnh sẽ thi công như ý định của Chính phủ. Trong trường hợp đó Phú Yên tiến gần đến cái tên của tỉnh: Giàu và Yên ổn.

. Theo Báo Phú Yên

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khai mạc Lễ hội biển Nha Trang 2005  (31/03/2005)
Festival biển Nha Trang 2005 đã bắt đầu sôi động  (30/03/2005)
Đà Nẵng những con đường thế kỷ  (30/03/2005)
Đà Nẵng kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng  (29/03/2005)
Quảng Nam: Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển KT- XH  (28/03/2005)
Mỹ Sơn - Lung linh đêm tháp cổ  (25/03/2005)
Xây dựng nhà máy sản xuất điện từ bã mía  (24/03/2005)
Mưa lớn tại 4 tỉnh Tây Nguyên  (24/03/2005)
Quảng Ngãi khai thác tiềm năng du lịch  (24/03/2005)
Bình Định đoạt 1 Huy chương đồng, 1 giải khuyến khích  (24/03/2005)
Đắk Nông: Mít tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm giải phóng Gia Nghĩa  (23/03/2005)
"Bệ phóng" cho Chu Lai, Dung Quất  (22/03/2005)
Bắt đầu chương trình lễ hội Hành trình di sản 2005  (22/03/2005)
Đắc Lắc khánh thành bệnh viện đa khoa tư nhân đầu tiên  (21/03/2005)
Buôn Ma Thuột - Thành phố 100 năm  (20/03/2005)