Nha Trang 30 năm thay da đổi thịt
11:15', 4/4/ 2005 (GMT+7)

Những ai đã từng ở Nha Trang trước ngày giải phóng nay trở lại đều thấy ngỡ ngàng trước sự đổi mới nơi đây. Ngày đó, Nha Trang còn là một thị xã nhỏ bé, dân số chưa đầy 20 vạn người. Số nhà cao tầng thưa thớt, cao nhất là khách sạn 7 tầng, còn lại đa phần là những nhà lụp xụp. Kinh tế phát triển èo uột. Cả Nha Trang chẳng có cơ sở sản xuất nào đáng giá. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào viện trợ của chiến tranh. Buôn bán là chính, nhưng cũng chỉ tập trung ở một vài đường phố chính Thống Nhất, Phan Bội Châu, Ngô Gia Tự bây giờ. Đường sá nhỏ bé, số đường trải nhựa chỉ đếm trên dầu ngón tay. Chỗ đẹp nhất là bãi biển Nha Trang thì ô hợp, kẻ ở, người buôn bán tranh nhau lấn chiếm dọc bờ biển…

Sau giải phóng, Nha Trang từng bước đổi mới và thực sự thay da đổi thịt kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới của Đảng. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, Nha Trang được lãnh đạo tỉnh và thành phố không ngừng đầu tư cho việc mở mang đô thị và phát triển kinh tế-xã hội. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang cho biết, được sự hỗ trợ của Trung ương, mỗi năm tỉnh, thành phố đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc chỉnh trang đô thị, phát triển sản xuất. Cơ sở hạ tầng được đầu tư lớn. Tất cả đường giao thông chính như đường 23-10, 2-4, Lê Hồng Phong, Trần Phú… đều được cải tạo, nâng cấp mở rộng gấp 4-5 lần trước giải phóng. Nhiều đường mới mở to rộng, khang trang như đường Phạm Văn Đồng, đại lộ Nguyễn Tất Thành, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế ở 2 đầu của tỉnh. Hàng loạt các khu dân cư đô thị mới được hình thành như khu Hòn Rớ ở phía nam, khu Ba Làng ở phía bắc và sắp tới đây là khu dân cư đô thị cao cấp  Điềm Trung ở phía tây thành phố sẽ được xây dựng để di dời dân cư ra khỏi dự án vùng công nghiệp, du lịch và từng bước xóa bỏ các khu nhà ổ chuột ở các vùng sông nước, ven biển. Ngoài ra, còn có hàng chục chung cư cao tầng ở các khu vực Nguyễn Thiện Thuật, Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Phước Hải đã mọc lên, giải quyết nhà ở cho hàng vạn người thuộc diện chính sách, nghèo và những người chưa có nhà ở. Bên cạnh những khách sạn cao tầng như Nha Trang-Lodge, Yasaka-Saigon-Nha Trang, Sunrise, Viễn Đông, Quê Hương, Hải Yến… của các đơn vị nhà nước, liên doanh với nước ngoài, còn có hàng trăm khách sạn của tập thể, tư nhân tham gia đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Những túp lều xiêu vẹo và những quán hàng lụp xụp dọc bãi biển Trần Phú ngày trước giải phóng đã được thay bằng những công viên sạch đẹp và nhà hàng sang trọng. Nơi đây thực sự là một trong những địa điểm lý tưởng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với những con đường rộng mở là những cây cầu lớn được xây dựng khang trang như cầu Trần Phú, cầu Bình Tân, cầu Dứa càng tô thêm vẻ đẹp của một thành phố thanh lịch và hấp dẫn. Mạng lưới thông tin liên lạc, điện thắp sáng, cây xanh , hệ thống cấp, thoát nước cũng được tỉnh và thành phố chú trọng đầu tư mở rộng. Tốc độ đô thị hóa ở Nha Trang đang phát triển từng ngày.

Sau 30 năm giải phóng, từ một thành phố sống phụ thuộc vào viện trợ của chiến tranh, chủ yếu buôn bán, cơ sở sản xuất hầu như không có gì, trình độ sản xuất thủ công lạc hậu… nay Nha Trang đã trở thành một thành phố du lịch vào loại bậc nhất của khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên với cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển (từ năm 1999 đã được Thủ tướng Chính phủ  quyết định công nhận là thành phố loại 2). Các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến phát triển mạnh. Với hướng phát triển kinh tế theo cơ cấu "công nghiệp, dịch vụ- du lịch, lấy du lịch làm mũi nhọn" được Đại hội Đảng bộ lần thứ 13 xác định, đã tạo cho Nha Trang có một bước đi đúng trong những năm qua. Hiện nay, dịch vụ-du lịch của Nha Trang đã chiếm gần 47% tỷ trọng nền kinh tế, công nghiệp chiếm 37,5%, nông-lâm nghiệp chỉ còn 14,5%. Nhịp độ phát triển công nghiệp bình quân hàng năm là trên dưới 13%. Với cơ sở hạ tầng du lịch phát triển vượt bậc, mỗi năm Nha Trang đã đón hơn nửa triệu khách du lịch, trong đó có hơn 100 ngàn khách quốc tế. Số khách đến Nha Trang hàng năm tăng từ 15- 20%. Mỗi năm ngành du lịch doanh thu trên dưới 400 tỷ đồng, nộp ngân sách của tỉnh và thành phố trên dưới 15 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp của Nha Trang tuy có giảm về diện tích, nhưng nhờ sử dụng giống mới và áp dụng các kỹ thuật thâm canh tiên tiến nên năng suất tăng, sản lượng tăng gấp 3,7 lần ngày đầu giải phóng. Kinh tế Nha Trang phát triển đã đạo điều kiện cho văn hóa xã hội phát triển, an ninh quốc phòng ổn định. Năm 1999 Nha Trang đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, năm nay đang phấn đấu hoàn thành  chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác chăm sóc sức khỏe  ban đầu, khám chữa bệnh phòng trừ các tệ nạn xã hội , xóa đói giảm nghèo, chăm lo  đời sống các đối tượng, chính sách đã được các ngành, các cấp chính quyền thành phố quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Tệ nạn ăn xin giảm hẳn. Nạn xì ke ma túy, mại dâm, HIV/AIDS tuy chưa giảm nhưng từng bước đã được khống chế.

Sau 30 năm giải phóng, Nha Trang đã thực sự thay da đổi thịt. Thuận lợi có nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít. Khó khăn nhất hiện nay của Nha Trang đó là vấn đề môi trường. Không chỉ môi trường vệ sinh  mà cả môi trường du lịch, văn hóa, an ninh, đầu tư… tất cả đều phải trong sạch mới thu hút được khách trong và ngoài nước. Tỉnh và thành phố đang làm hết mình cho môi trường Nha Trang ngày càng trong sạch. Gần 5.000 lồng, bè tôm được di dời khỏi vịnh Nha Trang để trả lại vẻ đẹp và sự trong lành của vịnh là việc làm thiết thực bảo vệ môi trường biển của lãnh đạo chính quyền địa phương. Hàng ngày, thành phố tăng cường thu gom rác thải; thực hiện các biện pháp đưa những đối tượng ăn xin về địa phương và nơi giáo dục dạy nghề, nuôi dưỡng người cơ nhỡ của thành phố, của tỉnh; xử lý nghiêm những trường hợp "cò", cướp, giật hành lý, tư trang của khách du lịch , môi giới mại dâm và các đối tượng ma túy, hành nghề mại dâm…

Với tiềm năng, lợi thế và quyết tâm trên, tin rằng Nha Trang sẽ phát triển mạnh hơn nữa, sớm trở thành một thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại và an toàn, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của tỉnh, là điểm hẹn lý tưởng của khách du lịch trong nước và quốc tế.

.Theo Báo Khánh Hòa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khánh Hòa: 30 năm-một bước tiến dài  (03/04/2005)
Phú Yên đã "yên" cần phải "phú"  (01/04/2005)
Khai mạc Lễ hội biển Nha Trang 2005  (31/03/2005)
Festival biển Nha Trang 2005 đã bắt đầu sôi động  (30/03/2005)
Đà Nẵng những con đường thế kỷ  (30/03/2005)
Đà Nẵng kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng  (29/03/2005)
Quảng Nam: Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển KT- XH  (28/03/2005)
Mỹ Sơn - Lung linh đêm tháp cổ  (25/03/2005)
Xây dựng nhà máy sản xuất điện từ bã mía  (24/03/2005)
Mưa lớn tại 4 tỉnh Tây Nguyên  (24/03/2005)
Quảng Ngãi khai thác tiềm năng du lịch  (24/03/2005)
Bình Định đoạt 1 Huy chương đồng, 1 giải khuyến khích  (24/03/2005)
Đắk Nông: Mít tinh trọng thể kỷ niệm 30 năm giải phóng Gia Nghĩa  (23/03/2005)
"Bệ phóng" cho Chu Lai, Dung Quất  (22/03/2005)
Bắt đầu chương trình lễ hội Hành trình di sản 2005  (22/03/2005)