Chính phủ đã cho phép Bộ VH-TT làm thủ tục đăng ký kho tàng sử thi Tây Nguyên để trình UNESCO (2007) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Như vậy, chúng ta có quyền tự hào rằng, di sản văn hóa sử thi Tây Nguyên đã và đang được bảo vệ trước nguy cơ mất đi vĩnh viễn.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc điều hành Dự án "Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên", Dự án được tiến hành từ 11.2001 và đến nay đã hoàn thành những vấn đề cơ bản của giai đoạn 1 (2001-2004) với nhiệm vụ là điều tra, sưu tầm. Trong giai đoạn này, Ban điều hành dự án đã huy động hàng trăm lượt cán bộ khoa học ở Trung ương và cán bộ văn hóa, nghệ nhân ở các địa phương tiến hành điều tra, sưu tầm trên địa bàn thuộc 530 xã, phường, thị trấn của 56 huyện thuộc 5 tỉnh Tây nguyên và các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Phước. Kết quả là đã lập danh sách hàng trăm tên tác phẩm sử thi, gặp gỡ, thống kê và làm lý lịch của 360 nghệ nhân còn nhớ, hát kể sử thi thuộc các dân tộc Êđê, Giarai, Bana, Xeđăng, M’Nông, XêTiêng, Mạ, Raglai, Chăm Hroi. Trong số này, có nghệ nhân đã hát kể trên 10 sử thi như ông Điểu Klứt, Điểu Klung, bà Mấu Thị Giêng. Văn phòng điều hành dự án đã tiếp nhận 3.321 băng ghi âm, mỗi băng có độ dài 90 phút, tương đương với 4.981 giờ hát kể của nghệ nhân, thuộc 513 tác phẩm đăng ký. Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, lần đầu tiên chúng ta phát hiện ra 3 bộ sử thi liên hoàn (sử thi chuỗi, sử thi phổ hệ), đồ sộ là Ot ndrông của người M’Nông, Đăm Giông của người Bana và Dông của người Xêđăng, mỗi bộ trên dưới 100 tác phẩm. Đó là những bộ sử thi có độ dài nhất thế giới, giống như Ramayana của Ấn Độ.
Ban điều hành dự án cũng đã khởi động việc phiên âm, phiên dịch và xuất bản (3 tác phẩm được phiên âm, 32 tác phẩm được biên dịch, 21 tác phẩm đã và đang được biên tập, năm 2004 đã xuất bản 3 tác phẩm sử thi trong kho tàng sử thi Tây Nguyên và 2005 cho ra mắt bạn đọc 15 tác phẩm sử thi nữa). Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án tại TP Buôn Ma Thuộc, theo GS.TS Tô Ngọc Thanh: "Chúng ta có một khối lượng sử thi đồ sộ, tôi đã đi trên 50 nước, chưa có nơi nào quan tâm đến trữ lượng sử thi như ở chúng ta. Đây là niềm tự hào của Việt Nam".
Chỉ còn vài năm nữa là kết thúc dự án (2007), nhưng còn quá nhiều việc phải làm. Trọng tâm nhất là phiên âm, biên dịch và xuất bản 75 tác phẩm sử thi (theo kế hoạch đã đề ra trong dự án) nhưng đội ngũ làm điều này thì quá ít. Trong 100 tác phẩm sử thi M’Nông đã sưu tầm chỉ có mình ông Điểu Kâu (Đắc Nông) có thể phiên âm và phiên dịch; dân tộc Bana, Xêđăng chỉ có một đến hai người làm được việc này, trong khi đó 60 tác phẩm sử thi của người Gia rai đã sưu tầm được nhưng chưa có ai đảm nhận việc phiên âm và phiên dịch. Ông Điểu Kâu cho rằng: "Muốn phiên âm một băng 90 phút phải mất 10 ngày, dịch ra tiếng Việt 1 băng phải mất 15 ngày. Muốn dịch được sử thi M’Nông phải thuộc lòng 3.000 cụm câu vần trong sử thi M’Nông, mỗi cụm câu vần từ 3 đến 15 dòng, ngược lại sẽ mất cả tháng cũng không dịch được, có khi nghe nhàu rách một băng vẫn không phiên âm được nếu không nghe hiểu nội dung". Việc xây dựng kho bảo quản đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, đào tạo cán bộ truyền dạy, phiên âm, phiên dịch sử thi cũng nên tiến hành đồng thời. Tuy Ban điều hành dự án đã mở 5 lớp truyền dạy sử thi, 2 lớp về phiên âm và phiên dịch, chủ yếu là người dân tộc, nhưng GS.TSKH Tô Ngọc Thanh rất mong Ban điều hành dự án cũng nên chú ý đào tạo đội ngũ chuyên gia người Kinh am hiểu sử thi học tiếng dân tộc nhằm chia sẻ việc phiên âm và phiên dịch kho tàng đồ sộ sử thi Tây Nguyên trong thời gian tới.
. Theo Văn hóa |