Họ đã trở lại
16:51', 7/4/ 2005 (GMT+7)

Ba mươi năm sau cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử dân tộc, các cựu binh của một thời trận mạc đã trở lại những vùng đất đã gắn cả tuổi thanh xuân đời mình. Trong dòng người "trở lại" ấy, đã thấy thấp thoáng bóng dáng của những cựu binh Mỹ. Với họ, đây không chỉ đơn thuần là sự  trở lại mà là cuộc tìm về.

Roy Mike Boehm và cây vĩ cầm tại Sơn Mỹ.

Buổi sáng ở Sơn Mỹ mùa này yên ắng đến kỳ lạ. Trong khuôn viên của Nhà chứng tích Sơn Mỹ lại càng yên ắng hơn. Ngay cả một tiếng chim cũng không nghe thấy, dù nơi đây luôn có mặt của những đoàn khách ngoại quốc, trong đó có những cựu binh Mỹ được khoác dưới lớp áo doanh nhân. Họ đang bước những bước chân thành kính quanh khu di tích, dù trong lòng không ít người vẫn còn ngổn ngang ngờ vực. Tôi không dám làm phiền những người không muốn, hoặc không dám nhận mình từng có thời nổ súng vào đất nước tôi, mà chỉ đề cập tới những người dám bước qua mọi rào cản của những định kiến, thậm chí hận thù, để đến với đồng bào tôi ngay tại Sơn Mỹ-địa danh mà mỗi khi nhắc đến, lòng căm giận như muốn vỡ tung ra.

* Ám ảnh và tìm về

Tôi hỏi ông Navan Hancheth một câu có vẻ xách mé khi đọc được những dòng lưu bút khá "nóng" của ông trong sổ vàng tại Nhà chứng tích Sơn Mỹ: "Đây có phải là quê của ông đâu mà ông nói tìm về?". Ông tỏ vẻ cáu giận trước câu hỏi "khiêu khích" ấy và im lặng. Mãi đến khi một thành viên trong đoàn nói cho ông biết rằng tôi là nhà báo và là dân sở tại, ông bắt đầu làm quen và thanh minh: "Nếu như gia đình bạn có người thân ngã xuống trong cuộc chiến tranh, không cứ gì tại Sơn Mỹ này, thì tôi thành thật xin lỗi bạn. Không phải đến bây giờ, khi hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã bình thường hóa quan hệ, tôi mới nói đến cuộc chiến tranh cách đây đã 30 năm là một cuộc chiến tranh bẩn thỉu. Tôi đã thấy nó bẩn kể từ khi đặt chân lên đất Chu Lai năm 1965. Sao tôi lại phải nói "tìm về" ư? Việt Nam của bạn đã thành nỗi ám ảnh trong tôi mấy chục năm nay. Tôi nghĩ rằng, chỉ có quê hương, nơi sinh ra mình, mới thành nỗi ám ảnh như thế. Tôi cảm thấy mình như được sinh ra tại đây. Chính cuộc chiến tranh Việt Nam và lòng quả cảm của người dân các bạn đã khai tâm cho tôi bao điều kỳ diệu về một dân tộc biết cầm súng khi có giặc". Còn ông Roy Mike Boehm, công dân thứ… 12 ngàn của Sơn Mỹ-như cách gọi thân mật của người dân nơi đây-thì bị một nỗi giày vò khác. Ông có mặt tại Củ Chi đúng vào Tết Mậu Thân 1968 nhưng Sơn Mỹ đã ám vào ông suốt 30 năm nay. Năm nào cũng vậy, đúng ngày lễ tưởng niệm 504 đồng bào bị lính Mỹ sát hại, ông lại vượt nửa vòng trái đất để có mặt tại Sơn Mỹ. Tiếng vĩ cầm của ông đã làm cho không ít những lương tri thức tỉnh. Đạo diễn Trần Văn Thủy đã đoạt giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim Châu Á-Thái Bình Dương năm 1999 với bộ phim "Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai", cũng bắt nguồn từ cảm hứng về người đàn ông này. "Chỉ có đứng trước bờ biển này để nhìn những người đàn ông chân trần đánh cá, những người đàn bà bình yên vá lưới dưới tán dừa, những đứa trẻ lem luốc nghịch cát trong rừng dương, tôi mới thấy lòng mình thanh thản". Ông Mike đã nhiều lần nói với tôi câu ấy. Mà đâu chỉ mình Mike mới cảm thấy thanh thản khi trở lại Việt Nam hay khi về Sơn Mỹ mà mỗi năm, tại mảnh đất thấm máu một thời này, có đến 2.000 cựu binh Mỹ đã trở lại.

* Chuộc lỗi

L. Colburn và những phụ nữ được ông cứu thoát trong vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Một Việt Nam xanh hơn và hiền hòa hơn trong mắt các cựu binh Mỹ sau 30 năm chỉ đủ an ủi thoáng qua cho những ai còn một chút lương tri nhưng không đủ vá lành những vết dao găm tội lỗi. Hai viên phi công H. Thompson và L. Colburn-những người đã từng cứu hàng chục phụ nữ và trẻ em trong vụ thảm sát Sơn Mỹ đã có dịp tìm về và gặp lại những người thoát nạn trong vụ tắm máu. Các ông chính là những ân nhân nhưng lúc nào hai cựu binh này cũng nói lời xin lỗi những người dân Sơn Mỹ. Không những thế, hai ông còn vận động và góp vào quỹ xóa đói giảm nghèo cho những người phụ nữ tại đây. Cũng như H. Thompson và L. Colburn, ông Mike luôn áy náy trong lòng mỗi khi đặt chân về một vùng quê nào đó và chứng kiến sự nghèo khổ của những người phụ nữ Việt Nam. Một chiều mùa đông cách đây 8 năm, Mike về xã Hành Tín Đông huyện Nghĩa Hành-nơi xảy ra một vụ thảm sát tương tự như Sơn Mỹ-và chứng kiến cảnh tiều tụy của người đàn bà tên Nguyễn Thị Hường. Hỏi ra mới biết, bà Hường có chồng và hai người con bị lính Mỹ sát hại trong vụ thảm sát Khánh Giang-Trường Lệ. Bà Hường chẳng có một xu dính túi. Nỗi khao khát đau đáu đời bà là làm sao đủ tiền để mua một con bò cái làm giống. Ánh mắt căm giận của người đàn bà nghèo khó ấy đã theo đuổi Mike suốt mấy đêm liền. Ông đề nghị với Hội phụ nữ xã, thông qua quỹ tín dụng của tổ chức Madison Quakers’inc do ông làm đại diện, giúp cho người đàn bà này mua một con bò để làm vốn. 5 năm sau, Mike trở lại, bà Hường ra ngõ đón "ân nhân" nhưng ông Mike không tin rằng tại sao lại có sự thay đổi đến lạ kì như vậy. Đời bà Hường đã thay đổi bắt nguồn từ một con bò "chuộc lỗi" của ông Mike. 11 năm qua, ông đã lặn lội hầu khắp các hang cùng ngõ hẻm của Quảng Ngãi để triển khai dự án xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ tỉnh này. Đã có 500 người đàn bà như bà Hường đã đứng lên từ thương tật của cuộc chiến để thoát nghèo bằng những đồng vốn "chuộc lỗi" nhưng cũng đầy ắp nghĩa tình này. Một trường tiểu học 2 tỷ đồng do Mike quyên góp cũng đang được triển khai tại Sơn Mỹ. Ông là người đàn ông duy nhất được Hội phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi kết nạp…hội viên danh dự!

* Bằng một cách khác

Trong số nửa triệu quân viễn chinh Mỹ có mặt tại miền Nam những năm chiến tranh, không phải tất cả đều có điều kiện để quay trở lại và "tìm về". Song có một điều chắc chắn là, cuộc chiến ấy luôn thức ngủ trong họ với một nỗi ám ảnh khôn nguôi. Nhiều cựu binh Mỹ, do sự hối thúc của lương tri, họ đã cầm bút. Họ đã "tìm về" những vùng đất mà mình từng gây tội ác bằng những trang sách thấm đẫm máu và nước mắt của những người dân vô tội và cả chính tác giả nữa. Hàng triệu thanh niên Mỹ đã hiểu hơn về tội ác mà cha anh họ đã gây ra tại Việt Nam thông qua những trang viết lấm lem bùn đất chiến hào này. Ông Tim O’Brien, một cựu binh Mỹ, từng có mặt lại căn cứ quân sự Chu Lai năm 1968, từng bị thương ngay tại Sơn Mỹ, không chỉ trở lại Việt Nam qua những chuyến đi mà ông còn "tìm về" qua những trang sách của mình. Những trang sách của Tim O’Brien viết về cuộc chiến tranh Việt Nam luôn là đề tài nóng trên văn đàn nước Mỹ mấy chục năm qua. Trong đoàn khách tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ mới đây, có những cựu binh lẫn những người trẻ tuổi. Tôi đã thấy nhiều người kè kè trên tay cuốn sách  của Tim bằng tất cả sự nâng niu trân trọng. Tôi hiểu rằng, chính ông chứ không ai khác, sẽ là người có sức thuyết phục nhất để nói về cuộc chiến tranh vô lý ấy với thế hệ thanh niên Mỹ hôm nay. Tám năm trước, tôi đã cùng Tim về Sơn Mỹ.  Ông nhớ về một người bạn đã tử trận tại vùng quê này trước khi có cuộc thảm sát 16.3.1968: "Trước khi đổ quân xuống Sơn Mỹ, bạn tôi đã viết một bức thư cho mẹ mà chưa kịp gửi. Khi chết, bức thư ấy vẫn còn ấm nóng trong túi bạn tôi. Năm ấy nó mười chín tuổi, lần đầu viết thư cho mẹ". Tôi không dám gợi thêm về câu chuyện dễ rơi nước mắt ấy mà chỉ hỏi Tim: "Ông gửi gắm gì trong những quyển sách của mình?". "Tôi đã kể những điều như vừa kể với anh. Những lá thư chưa kịp gửi. Những lá thư của thằng con trai mười chín tuổi lần đầu viết thư cho mẹ. Nhưng đã chết. Chết ở một nơi không phải đất nước mình, một nơi hoàn toàn vô nghĩa với một công dân Mỹ". Bằng một cách khác, không phải là những con bò làm vốn như của Mike và bao cựu binh khác, Tim đã làm thức tỉnh nhiều người từ nửa bên kia trái đất, qua những tác phẩm văn học của mình. Đấy cũng là sự "trở lại" đáng trân trọng vậy.

. Trần Đăng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Để sử thi Tây Nguyên mãi trường tồn  (06/04/2005)
Quảng Ngãi: Khai quật quần thể mộ chum lớn nhất  (06/04/2005)
Nha Trang 30 năm thay da đổi thịt  (04/04/2005)
Khánh Hòa: 30 năm-một bước tiến dài  (03/04/2005)
Phú Yên đã "yên" cần phải "phú"  (01/04/2005)
Khai mạc Lễ hội biển Nha Trang 2005  (31/03/2005)
Festival biển Nha Trang 2005 đã bắt đầu sôi động  (30/03/2005)
Đà Nẵng những con đường thế kỷ  (30/03/2005)
Đà Nẵng kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng  (29/03/2005)
Quảng Nam: Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển KT- XH  (28/03/2005)
Mỹ Sơn - Lung linh đêm tháp cổ  (25/03/2005)
Xây dựng nhà máy sản xuất điện từ bã mía  (24/03/2005)
Mưa lớn tại 4 tỉnh Tây Nguyên  (24/03/2005)
Quảng Ngãi khai thác tiềm năng du lịch  (24/03/2005)
Bình Định đoạt 1 Huy chương đồng, 1 giải khuyến khích  (24/03/2005)