Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 8km về hướng bắc, Biển Hồ được ví như là một viên ngọc bích với phong cảnh xung quanh ngoạn mục và hữu tình. Biển Hồ nguyên là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm với diện tích mặt nước khoảng 250 ha và độ sâu trung bình khoảng 18 - 20m. Để tăng thêm tính ly kỳ, một số người đồn rằng Biển Hồ không có đáy, thông với đại dương và có hai người nhái lặn xuống hồ thám hiểm đã bị mất tích (!).
Còn theo truyền thuyết, Biển Hồ được tạo thành từ nước mắt của dân làng Tơ Nưng khóc thương cho người thân của mình vốn đã bị vùi chôn bởi núi lửa bất ngờ ập tới.
Về dịch vụ cho khách du lịch, nơi đây không phát triển nhiều vì ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho dân cư thành phố Pleiku. Chính vì lẽ đó, niềm vui thú của khách đến đây phần lớn là được ngắm cảnh và hòa mình cùng thiên nhiên nguyên sơ, thơ mộng. Từ trên cao nhìn xuống với trí tưởng tượng phong phú, Biển Hồ trông giống như hình một con rùa đang bơi. Đứng ngay tháp đầu rùa (có người còn gọi là nhà lồng), du khách có thể phóng tầm nhìn ra những cánh rừng bạt ngàn, những đồi thông uốn lượn chập chùng và đặc biệt là chiếc cầu treo nằm phía đối diện xa xa. Nếu lòng ham thích du lịch và khám phá trỗi dậy, khách có thể nhờ xe ôm hoặc cùng "thổ địa" thực hiện một tour "vòng quanh Biển Hồ" bằng xe gắn máy.
Có hai hướng để đi khi trở ra cổng chào của Biển Hồ, đó là rẽ trái chạy theo QL 19 hoặc rẽ phải về ngã tư Biển Hồ (đường Phạm Văn Đồng và Tôn Đức Thắng). Từ ngã tư này, khách cứ theo QL 14 và hỏi thăm đường rẽ phải vào thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai.
Chắc chắn sẽ gây ấn tượng cho chuyến dã ngoại mất khoảng 3 tiếng đồng hồ này chính là hình ảnh những cánh đồng chè xanh tươi trải dài trước mắt, những đoạn đường nhỏ "nặng mùi" đất đỏ đầy bướm vàng bay hay tràn ngập tiếng chim và tiếng thông reo trong gió. Đặc biệt, "bắt mắt" hơn nữa đó là hình ảnh chiếc cầu treo lung lay dài khoảng 60 bước chân như đang nằm vắt ngang lưng trời nếu được nhìn từ phía dưới.
. Theo SGTT |