Lịch sử đã sang trang mới 30 năm với biết bao đổi thay kỳ diệu. Với Thừa Thiên- Huế, những ngày tháng 3 vừa qua đã đi vào lịch sử chói lọi của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà. Đó là mốc son đánh dấu ngày quê hương giải phóng, ghi đậm dấu ấn thế và lực mới của tỉnh trong sự nghiệp CNH-HĐH. Lời Di chúc Bác Hồ: "Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…" đã và đang hiện hữu trên mành đất nổi danh "Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường".
Sâu sát cơ sở, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn luôn tự hào Thừa Thiên- Huế không tồn tại cụm từ "vùng sâu, vùng xa", "địa hình chia cắt". Thật vậy, đường lên hai huyện miền núi và cả các thôn, bản bây giờ chỉ tính giờ. Phối cảnh cho những con đường liên thông miền núi, đồng bằng, ven biển đầm phá là những trung tâm thị trấn, thị tứ, đô thị, hạt nhân Thành phố Huế, các khu công nghiệp mang dáng dấp sầm uất, hiện đại, trải dài từ đông sang tây, từ bắc sông Ô Lâu đến bắc hầm đường bộ Hải Vân. Tất cả như những tấm áo mới mà sợi chỉ dệt nên chúng là hạ tầng kích cầu, động lực. Xen lẫn trong những tấm mới ấy là hàng trăm công trình quốc kế dân sinh, mang tầm chiến lược, như Lăng Cô, Chân Mây, Phú Bài…ở phía Đông Nam; Hương Sơ, Hương Trà ở phía Bắc; S3, S10, đường 74 nối Trường Sơn với đồng bằng và thủy điện Bình Điền, Tả Trạch ở phía Tây.
Hạ tầng phát triển nhằm đến mục tiêu khơi thông, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh, tổ chức đặc thù vốn có của Thừa Thiên- Huế. Với hai di sản văn hóa nhân loại, nằm trên con đường di sản miền Trung, ba lần tổ chức thành công lễ hội Festival, nhiều hội nghị tầm cỡ quốc tế, luôn giữ vững ổn định tuyệt đối an ninh- quốc phòng…đã và đang nâng cao uy tín và vị thế của Thừa Thiên- Huế trong hợp tác, đối ngoại, đầu tư, khẳng định là điểm đến an toàn, lý tưởng.
Sự đổi thay kỳ diệu của quê hương còn lắm chuyện kể. Trước ăn thiếu, mặc chưa ấm, nay ăn no, mặc đẹp là lẽ thường. Từ đó có thể thấy đời sống, sinh hoạt của đại bộ phận nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, dễ dàng nhận ra các tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; kinh tế, văn hóa- giáo dục, y tế không ngừng phát triển, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang hướng CNH-HĐH, xây dựng tỉnh trở thành trung tâm kinh tế- văn hóa- du lịch- y tế chuyên sâu của cả nước ở miền Trung. Nhiều con số đã chứng minh thực tiễn sinh động ấy. Năm 2004 là năm thứ 4 Thừa Thiên-Huế tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao 9,1%, hơn mức tăng bình quân cả nước. Tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp- xây dựng chiếm 34,1%; du lịch- dịch vụ chiếm 43,6%. Toàn tỉnh có 144/150 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, gần 80 nghìn gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%; GDP bình quân đầu người đạt 509 USD/năm …
Như vậy, chúng ta có thể tự hào một Thừa Thiên- Huế đang trên đà năng động, tiến về đích CNH-HĐH. Thành tựu ấy chỉ có từ sự nghiệp đổi mới đúng đắn, chung sức, một lòng của toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà.
Uy tín và tiềm năng tỉnh nhà những năm qua đã tạo nên cơ hội mới khi Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xây dựng Thừa Thiên- Huế thành một trong 5 tỉnh, thành phát triển KT-XH trọng điểm, động lực miền Trung. Đối chứng lại năm 2004, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP 9,1% của tỉnh thấp hơn so với các tỉnh động lực khác, như Quảng Ngãi (10,6%), Đà Nẵng (13,3%), Bình Định (10,1%)… nhưng hoàn toàn phấn khởi đó là mức tăng cao so với bình quân cả nước. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ấy vẫn chưa yên tâm và kể cả thu ngân sách, thực hiện quyết liệt 12 chỉ tiêu chưa đạt trong năm 2005. Với năm bứt phá 2005, Tỉnh ủy và HĐND đã bàn luận thống nhất và quyết tâm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 11% nhằm đạt chỉ tiêu nhiệm kỳ 5 năm; thu ngân sách 1.000 tỷ đồng, xuất khẩu 40 triệu USD; giảm hộ nghèo còn 8%… Muốn vậy, phải huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội từ 3.200-3.500 tỷ đồng.
Vốn đầu tư là một trong 7 nhóm giải pháp đưa tỉnh bức lên ngang bằng các tỉnh, thành động lực khác, trong đó ưu tiên cho 10 chương trình KT-XH trọng điểm. Điều này rất tin tưởng khi quý I-2005 xuất hiện các tín hiệu đáng mừng, đó là sản xuất công nghiệp tăng 17,9% so cùng kỳ, bằng 21% kế hoạch năm; giá trị xuất khẩu ước đạt trên 9,3 triệu USD, bằng 23,2% kế hoạch năm… Như vậy, bức tranh KT-XH của tỉnh nhà trong năm 2005 đã được vẽ ra rõ ràng hơn. Nhưng bức tranh đó đến 2010 và tầm nhìn 2020 sẽ tạo ra bằng những gam màu chủ lực nào? Vị thế của Thừa Thiên- Huế đứng ở đâu trong khu vực miền Trung? Các cuộc họp giữa lãnh đạo Trung ương với tỉnh đã đưa ra phân tích, tìm các giải pháp trọng yếu. Theo Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Lý, Chân Mây là đầu ra của hành lang Đông- Tây, tạo động lực phát triển KT-XH mạnh mẽ cho tỉnh nhà. Do đó, cần khơi thông điểm mấu chốt này bằng giải pháp cho tỉnh được hưởng cơ chế kinh tế mở như ở Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi). Đối với công nghiệp- ngành chủ lực trong CNH-HĐH, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển công nghiệp phần mềm, điện, chế biến gỗ, thủy tinh. Giữa công nghiệp- thủy sản phân bổ cơ cấu đầu tư 50%: 50%. Lấy đòn bẩy dịch vụ làm đà phát triển du lịch… Đó là những định hướng, giải pháp trọng yếu, lâu dài của Thừa Thiên Huế nhằm đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 11% thời kỳ 2006-2010 và trên 10% thời kỳ 2011-2020. Các mức tăng trưởng lý tưởng này đang là mục tiêu phấn đấu của các tỉnh, thành động lực khác.
. Theo Báo Thừa Thiên-Huế
|