Thành phố của du lịch
16:32', 22/4/ 2005 (GMT+7)

Du khách xuyên Việt khi đi qua tỉnh Thanh Hóa và đặc biệt là người dân xứ Thanh mỗi khi đi xa về, hẳn không thể không bồi hồi trước những cảnh trí, địa danh Hàm Rồng, Đông Sơn, Bến Ngự, Lò Chum, Bố Vệ, Đền Lê, núi Mật…, với rượu làng Quảng, rồi nem chua, bún chả Đông Hương, bánh đa nem cầu Bố, bánh cuốn Thanh Hương…

Hai thế kỷ đô thị tỉnh lỵ, một thập kỷ thành phố, là cái dấu mốc quan trọng trong sự hình thành và phát triển của thành phố chim Hạc. Ở cái dấu mốc đó, diện mạo của thành chim Hạc hôm nay đang có rất nhiều điểm xuyết. Công viên Hồ Thành, công viên Thanh Quảng, Trung tâm thể dục- thể thao, Nhà văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, Tượng đài anh hùng dân tộc Lê Lợi, Tượng đài thanh niên xung phong, Khu du lịch- văn hóa Hàm Rồng…là những công trình văn hóa gây niềm tự hào của người dân thành phố.

Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng có diện tích rộng gần 570 mẫu, nằm trọn trên đất phường Hàm Rồng. Trung tâm của khu du lịch bắt đầu từ phía trước trụ sở ủy ban phường kéo dài đến chân cầu Hàm Rồng. Nơi đây sẽ có các công trình dịch vụ, thương mại như ngân hàng, bưu điện, siêu thị, khách sạn, khu hội nghị, nhà văn hóa…và khu vui chơi giải trí hồ Kim Quy ở phía trước làng Đông Sơn. Phần du lịch khảo cổ học- lịch sử có làng cổ Đông Sơn, di chỉ khảo cổ bờ nam sông Mã, các di tích đồi C4, nhà máy điện, cầu Hàm Rồng và cuối cùng là khu du lịch lâm viên, vườn thực vật Hàm Rồng.

Du khách đến với thành phố Thanh Hóa, trước tiên sẽ được đưa tới khu du lịch văn hóa Hàm Rồng, bởi nơi đây nổi tiếng danh lam, có núi Rồng với hang Mắt Rồng gắn với truyền thuyết thi vị, vách đá khắc nhiều thi phẩm của danh sĩ gần xa, là nơi tìm đến của nhiều thi nhân, hiền sĩ… Đặc biệt, với chiến tích oai hùng trong cuộc đấu tranh giữ nước ở thế kỷ XX, cầu hàm Rồng đã được cả thế giới biết đến và khâm phục, ngợi ca như một biểu tượng của chiến thắng. Tiếp đó ta vào thăm làng cổ Đông Sơn. Năm hai mươi tư của thế kỷ trước, một người dân của làng Đông Sơn tình cờ phát hiện ra chiếc trống đồng bên bờ sông khi ông đi câu cá. Di vật quý giá ấy đã khiến cả thế giới biết tới hai chữ Đông Sơn. Tên làng từ đó đã được đặt cho nền văn hóa cổ đại rực rỡ. Cũng ở đây còn là nơi phát hiện nhiều di vật đồ gốm, đồ đồng và đồ sắt sớm. Làng cổ Đông Sơn vinh dự được chọn làm nơi gửi gắm tiếng nói của tiền nhân từ hàng ngàn năm trước cho hôm nay.

Công trường hồ Kim Quy với hơn ba chục công trình vui chơi, giải trí, thưởng lãm, có hồ bơi thuyền, bể tạo sóng, có chuồng thú, chuồng nuôi voi, nuôi hươu, bể cá sấu và dĩ nhiên có khách sạn, nhà hàng hiện đại và sang trọng… Hồ Kim Quy cùng với các danh thắng động Tiên Sơn, làng cổ Đông Sơn, chùa Tăng Phúc, đến Trần Khát Chân- Lê Uy… sẽ là một quần thể du lịch hấp dẫn.

Đi xuôi về phía nam thành phố, ta sẽ gặp quần thể di tích Thái miếu nhà Lê (mà quen gọi là đền Vua Lê), núi Mật, núi Kim Đồng- Ngọc Nữ, núi Long. Nhóm các địa danh này nằm dọc theo bờ bắc sông Bố Vệ, còn gọi là sông nhà Lê hay sông Hải Hán. Thái miếu nhà Lê nằm ở làng Kiều Đại, nay là Quảng Xá, thờ các vua nhà hậu Lê. Gần đó có lăng bà Thái hậu Tuyên Từ, mẹ đẻ của vua Lê Nhân Tôn và là mẹ nuôi vua Lê Thánh Tôn và lăng vua Lê Anh Tôn, tức Chúa Chổm nổi tiếng trong dân gian. Trong Thái miếu nhà Lê có nhóm tượng được chuyển về từ chùa Mật Sơn, khi chùa này bị phá, trong đó có pho tượng truyền thần vua Lê Thần Tôn. Rời Thái miếu nhà Lê, ta đi vào núi Mật, núi này còn có tên là núi Hổ, đối diện với núi Hổ bên kia sông Lê và núi Long, tạo nên cảnh thể rồng chầu hổ phục, tiền án của thành Thanh Hóa xưa. Dưới chân núi Hổ là núi Ngọc Nữ, có bé Tiên đang dõi theo cậu cả Tiên, tức núi Tiên Đồng, tục gọi là núi Voi xa xa về phía nam.

Du khách ham thích du lịch kinh tế cổ truyền có thể đến thăm Lò Chum nằm trên sông đào từ sông Mã vào. Sông này ngày xưa có thuyền rồng nhà vua đậu nên còn gọi là Bến Ngự. Nơi đây từng là trung tâm sản xuất đồ gốm và sầm uất từ năm thế kỷ trở lại đây. Người sành ăn, đến thành phố Thanh Hóa là nhớ ngay đến bún thang, bún ốc Hàng Than, ốc hấp lá gừng, bánh cuốn Thanh Hương, bánh xèo… những món điểm tâm nổi tiếng một thời của thành phố mang tên chim Hạc. Nem chua và nem  thính cũng là đặc sản của xứ Thanh. Chuyện ẩm thực thành phố tỉnh Thanh, vài canh giờ e không kể thấu…

Trong kế hoạch phát triển, thành phố đang phấn đấu tăng trưởng về mọi mặt. Có lẽ, các nhà hoạch định cũng đã nhận thấy một trong những thế mạnh của thành phố mình là phát triển du lịch. Các nước Xinh-ga-po, Thái lan, Malaixia… đã từng trở thành những con rồng châu Á bằng ngành công nghiệp không khói đấy thôi. Chẳng nói đâu xa, ngay như tỉnh Ninh Bình là láng giềng gần gũi của xứ Thanh, vừa rồi đầu tư xây dựng hạ tầng khu du lịch Tam Cốc- Bích Động rất mạnh bạo. Trên đường đi Hà Nội, hai trụ biểu chào khách của khu du lịch Tam Cốc- Bích Động có lẽ còn đẹp hơn cả trụ biểu của lăng Khải Định. Đầu tư cho ngành công nghiệp không khói này không thể bằng cách thức đầu tư của một ông chủ hàng đồ gỗ. Tư duy kinh tế cũng không thể là tư duy của nhiều bà hàng xáo gộp lại. Mua chín phải bán được mười. Nếu hòa, buổi chiều chuyển sang buôn rau…

Thành phố mang tên chim Hạc vừa tròn hai trăm tuổi đô thị tỉnh lỵ và mười năm thành lập. Vui hơn nữa, thành phố đã được công nhận là đô thị loại hai. Rất nhiều công trình mới đã mọc lên, rất nhiều công trình đang hứa hẹn…Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi ở trung tâm thành phố. Tượng đài thanh niên xung phong Hàm Rồng, Trung tâm văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, Trung tâm thể dục thể thao, Công viên Hồ Thành, Công viên Thanh Quảng, khách sạn Sao Mai… sẽ là những điểm xuyết tươi tắn, bổ sung cho bản đồ du lịch của thành phố trẻ. Tin rằng, với những cảnh trí hữu tình, với những danh sơn, thủy tú, những sản vật, ẩm thực thăng hương và tấm lòng cởi mở, hiếu khách… thành phố trẻ bên bờ sông Mã sẽ là nơi tìm về của bè bạn du khách xa gần. Thành phố chim Hạc, thành phố của du lịch.

. Theo Báo Thanh Hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuẩn bị triển khai thực hiện Dự án WB3  (21/04/2005)
Thế là lực mới  (21/04/2005)
Từ Biển Hồ đến... cầu treo   (20/04/2005)
Hòn ngọc Việt có thương hiệu mới  (20/04/2005)
Phát hiện nhiều hiện vật văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi  (19/04/2005)
Đô thị Kon Tum trên đường về đích   (19/04/2005)
Mật danh" Công ty 72B vùng X"  (18/04/2005)
Thêm nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào Lâm Đồng  (18/04/2005)
Pháp tài trợ 60.000 euro cho đồng bào dân tộc Cơ Tu  (17/04/2005)
"Vịnh Nha Trang của các bạn còn rất nhiều việc phải làm"  (17/04/2005)
Đà Lạt- Thành phố xanh  (15/04/2005)
Cháy hơn 100ha rừng tại Khánh Hòa  (15/04/2005)
Phú Yên: Bảo tồn một công viên đá tự nhiên  (14/04/2005)
Việt-Nhật hợp tác về quản lý rừng ở Tây Nguyên   (13/04/2005)
Đà Nẵng: 20 triệu USD xây khu du lịch biển 5 sao   (13/04/2005)