Cho nắng xuân hồng
10:33', 25/4/ 2005 (GMT+7)

Thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông. Núi cứ lớn trong ta, sông cứ chảy trong ta mà tạo nên một Hồng Lĩnh huyền thoại trong quá khứ, trẻ trung trong hiện tại, khao khát như cánh chim bằng vươn tới ngày mai.

"Hồng Lĩnh ơi đỉnh cao mây vờn, đã cùng em nhiều đêm thức tỏ". Câu hát ấy bây giờ em vẫn hát, câu hát ấy bây giờ tôi vẫn hát, câu hát ấy bây giờ mọi người vẫn hát. Tiếng hát đi qua đèo, tiếng hát bay qua suối, tiếng hát căng trong lồng ngực trẻ, ánh lên hào quang quá khứ của quê hương. Tiếng hát xuyên suốt thời gian tràn ngập niềm tin và hy vọng. Nghe tiếng hát ấy, người Hồng Lĩnh như thắp thêm ngọn lửa. Núi Hồng càng cao chí người càng lớn, núi Hồng càng rộng của cải càng nhiều. Có gì xao động hơn không khi ta nghe tiếng thông reo rì rào, trong tiếng chim cúc cu vọng đều đều lại nghe tiếng con bê gọi mẹ và tiếng rít điếu thuốc lào thư thả của những người biết dũng cảm và năng động trong làm kinh tế. Người ấy không phải là thần núi, nhưng phải thừa nhận rằng người ấy có trái tim của chàng trai Rô-Bin-Xơn sống trên hoang đảo. Những điều đơn giản nhất lại hóa thành những điều vĩ đại nhất. Khi giọt mồ hôi sẽ biến thành bò đàn, thành dê đàn, thành ao cá, thành cây ăn quả và từ trong núi Hồng ấy lại hiện hữu những nhân vật cổ tích giữa đời thường.

Dung nhan của Hồng Lĩnh có tự ngàn xưa. Người đời từ thế kỷ này sang thế kỷ khác đã leo lên ngọn núi kỳ vĩ này để nghe sự phóng túng của gió, để nhìn thấy sự dịu dàng của trăng, để được núi rừng ban tặng hương thơm của hoa của lá. Rồi nghe suối hát tình ca, rồi nghe thông kể về truyền thuyết 99 ngọn núi là 99 con chim phượng hoàng ngạo nghễ như sức vươn của con người qua phong ba bão táp. Đại bàng ơi hãy cất cánh bay cao để chào đón những dự định mà Hồng Lĩnh tương lai là một thành phố huy hoàng và tráng lệ!

Núi Hồng trong chiến tranh là thành là lũy, núi Hồng hiện tại là điểm hẹn của khách muôn phương. Nhưng cuộc du lịch núi đâu chỉ nam thanh nữ tú mà tất cả thế giới loài người yêu thiên nhiên tôn trọng lịch sử dân tộc. Mỗi sự vật vô tri cũng đều trở nên hấp dẫn, mỗi cái tên như Chân Tiên, Thiên Tượng, Hầm Rồng đều trở thành sử thi. Không phải ngẫu nhiên mà cảnh quan núi Hồng đã trở thành địa danh văn hóa của quốc gia.

Núi Hồng vừa là điểm tựa vừa là  lực đẩy cho thị xã trẻ Hồng Lĩnh. Ngày 3-2-1992, dòng người muôn phương đổ xô về Hồng Lĩnh để cùng hội ngộ một ngày vui: Ngày Hồng Lĩnh ra mắt một thị xã trẻ. Dòng thời gian đi nhanh, thị xã Hồng Lĩnh đã 13 tuổi. Mười ba mùa xuân, đất càng thêm cây, tình người thêm thắm lại.

"Con người là hoa của đất". Đất đai dẫu cằn cỗi bao nhiêu nhưng có hơi ấm bàn tay con người có sự thông minh sáng tạo của con người thì nơi ấy sẽ đơm hoa kết trái. Một quá khứ ảm đạm của vùng đất Treo Vọt với những ngôi nhà từ Đậu Liêu, làng Ách ủ dột, cuộc đời của người dân không được ngẩng đầu lên nhìn thấy trời xanh vì đói nghèo lam lũ. Đói, dốt và thất học khiến cho nhiều người ra đi đầu không ngoảnh lại. Và mỗi lần đi như thế, họ lại thêm một lần tự ti với quê hương. Cuộc đổi mới trong mười ba năm qua đã lay động  và thức tỉnh lương tri mỗi con người. Bây giờ không ai không yêu quê hương Hồng Lĩnh, bây giờ không ai không muốn về sống trong thị xã trẻ Hồng Lĩnh.

Về thị xã Hồng Lĩnh, đường thị xã hồng Lĩnh náo nức âm thanh, từ phường Bắc Hồng đến Nam Hồng, từ Đức Thuận, Trung Lương đâu đâu cũng nhựa hóa phẳng lì. Những con đường ấy được xây thành độ bền vững bằng ý chí quyết tâm, những con đường ấy được xây bằng nội lực của mọi người dân. Một văn minh đô thị phải tạo được vẻ đẹp đầu tiên từ những con đường. Từ con đường ấy tỏa ra muôn vàn cây xanh, từ con đường ấy tỏa ra muôn vàn ánh sáng.

Hồng Lĩnh tự tin với mình, với thế chân kiềng: vừa phát triển nông nghiệp vừa mở mang công nghiệp. Vừa phát triển thương mại kết hợp với du lịch. Cái định hướng đó là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân. Những hoạch định ấy đã được cân đong đo đếm cụ thể từ thực tiễn, từ đặc thù của địa phương mình. Hồng Lĩnh rất chín chắn khi Đảng và chính quyền cùng đối thoại với dân . "Nông suy thì bách nghệ bại". Tất cả phải lấy nông nghiệp làm tiền đề, tất cả phải lấy nông nghiệp làm bệ phóng. Những cán bộ chủ chốt của Hồng Lĩnh là con đẻ của nhân dân. Chính vì vậy, hiểu tâm tư của người dân chính là hiểu tâm tư cha mẹ mình. Biết dân cần bộ giống gì để tạo ra gạo thơm, cơm dẻo, biết sào ruộng bón bao nhiêu đạm thì vừa. Biết bao nhiêu điều dân khao khát, biết bao nhiêu điều dân nghĩ, dân lo.

Dẫu tất bật với bộn bề công việc riêng chung, nhưng con người Hồng Lĩnh vẫn gìn giữ nâng niu nếp sống thuần phong mỹ tục. Hơn ai hết, người Hồng Lĩnh biết lấy văn hóa làm gốc, không bao giờ tự khuấy đục trong mầm mống tiêu cực để làm lực cản của toàn xã hội để băng hoại tình làng nghĩa xóm. Sống có ích cho mình là phải biết sống có ích cho mọi người cho cuộc đời và danh gia vọng tộc tổ tiên. Gửi niềm tin cuộc sống vào những dự định mà Hồng Lĩnh đã hoạch định sẽ làm cho gương mặt một thị xã trẻ thêm hồng…

. Theo Báo Hà Tĩnh

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phan Thiết sau 30 năm  (24/04/2005)
Thành phố của du lịch  (22/04/2005)
Chuẩn bị triển khai thực hiện Dự án WB3  (21/04/2005)
Thế và lực mới  (22/04/2005)
Từ Biển Hồ đến... cầu treo   (20/04/2005)
Hòn ngọc Việt có thương hiệu mới  (20/04/2005)
Phát hiện nhiều hiện vật văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi  (19/04/2005)
Đô thị Kon Tum trên đường về đích   (19/04/2005)
Mật danh" Công ty 72B vùng X"  (18/04/2005)
Thêm nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào Lâm Đồng  (18/04/2005)
Pháp tài trợ 60.000 euro cho đồng bào dân tộc Cơ Tu  (17/04/2005)
"Vịnh Nha Trang của các bạn còn rất nhiều việc phải làm"  (17/04/2005)
Đà Lạt- Thành phố xanh  (15/04/2005)
Cháy hơn 100ha rừng tại Khánh Hòa  (15/04/2005)
Phú Yên: Bảo tồn một công viên đá tự nhiên  (14/04/2005)