Năm 2005, toàn tỉnh Đăk Lăk hướng tới mức tăng trưởng GDP 11,5-12% (năm 2004 đạt 10,43%) trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm tỷ trọng nông- lâm nghiệp xuống 66,57% để nâng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng lên 12,38%, dịch vụ 21% và tăng nguồn thu ngân sách lên 10,85% so năm 2004. Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 300 triệu USD, huy động 3.600 tỉ đồng cho nguồn vốn đầu tư xã hội.
|
Lễ hội đua voi ở Đắk Lắk |
Đến nay đã có 9 dự án đầu tư về công nghiệp mới khởi công, trong đó có KCN Hòa Phú quy mô trên 217 tỷ đồng (riêng cho phần xây dựng cơ sở hạ tầng). Thuê đất và thuế là hai vấn đền lớn được UBND tỉnh tập trung nhiều nhất trong các chính sách ưu đãi đầu tư. Cụ thể, khi đầu tư vào các cụm, KCN thuộc 4 huyện (Krông Bông, Buôn Đôn, M’Đrăk, Ea Súp) và 3 xã vùng sâu ở một số huyện khác còn lại, doanh nghiệp được miễn hoàn toàn tiền thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án. Miễn 6 năm và giảm 50% trong thời gian còn lại cho các dự án thuộc các huyện Cư Mgar, Ea Hleo, Ea Kar, Krông Pách, Krông Búk… Riêng các dự án nằm trong địa bàn thành phố Buôn Ma Thuộc được miễn tiền thuê đất trong 6 năm. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm và giảm 50% cho 5 năm kế tiếp (trong phần ngân sách địa phương , áp dụng cho dự án thành lập mới thuộc các lĩnh vực: chế biến nông, lâm sản xuất khẩu, thực phẩm, thức ăn gia súc, máy móc thiết bị công nghiệp, vệ sinh, môi trường…).
Với các dự án mở rộng quy mô, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm kế tiếp (cho phần thu nhập tăng thêm từ việc mở rộng quy mô đem lại). Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% chi phí hợp lý cho việc vận chuyển máy móc, thiết bị (tài sản cố định) cho các loại thuộc diện miễn thuế nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Lạng- Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cũng cùng chung quan điểm với các nhà đầu tư cho rằng: hỗ trợ cơ sở hạ tầng là vấn đề quan trọng giúp cho nhà đầu tư có hiệu quả. Giải bài toán này, ông Lạng cho biết: "Tỉnh sẽ sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng". Đặc biệt là việc hỗ trợ 100% chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng (đối với các dự án đã được phê duyệt) và hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nghề cho nhà đầu tư khi đào tạo cho người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Ông Lê Kim Hòa- Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Đăk Lăk giải thích: "Hiện tại, Đăk Lăk có tổng vốn khoảng 70 tỷ đồng cộng với vốn huy động khoảng 2.000 tỷ. Nếu tính hiệu quả sức hấp thụ vốn, nơi đây được xem là địa phương có mức hấp thụ vốn cao nhất trong cả nước, trong khi phần dư nợ chỉ chiếm 10%". Thành danh với thương hiệu cà phê Trung Nguyên , ông Lê Thanh Bình- đại diện Cty Cà phê Trung Nguyên chia sẻ kinh nghiệm với các nhà đầu tư tiềm năng đồng thời kiến nghị tới lãnh đạo địa phương cần xây dựng chính sách định hướng kinh tế minh bạch, nhất quán giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn tổng thể (những điểm mạnh, điểm yếu) của từng dự án trước khi quyết định có đầu tư hay không. Mặt khác, cũng cần có chính sách ưu đãi về lãi suất ngân hàng tạo cơ hội cho doanh nghiệp hạn chế được cạnh tranh, nhất là những Cty có quy mô nhỏ và vừa (lãi suất hiện tại dao động từ 5-10%/năm, khá cao so với mặt bằng chung).
. Theo Báo Thương Mại
|