Trên những con đường "xóa đói giảm nghèo"
11:55', 8/5/ 2005 (GMT+7)

Một trong những thành tựu của tỉnh Quảng Ngãi  sau 30 năm kể từ ngày giải phóng là phát triển mạng lưới giao thông nông thôn- miền núi. Hệ thống giao thông phát triển đến đâu, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân đến đó. Có người còn gọi giao thông nông thôn- miền núi là những con đường "xóa đói giảm nghèo".

Phát triển giao thông nông thôn- miền núi là một chủ trương lớn của tỉnh Quảng Ngãi. Mặc dù ngân sách của tỉnh còn hạn chế, nhưng hàng năm tỉnh vẫn dành kinh phí rất lớn để đầu tư phát triển giao thông cho hệ thống giao thông nông thôn- miền núi. Năm 2002 sau khi hoàn thành nhựa hóa 5 tuyến đường nối trung tâm tỉnh lỵ với các huyện Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây và Trà Bồng, tỉnh đã đầu tư đầu tư xây dựng tuyến đường Trà Bồng- Trà Phong, với kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Đây là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh và có ý nghĩa sâu sắc đối với việc phát triển kinh tế- xã hội của đồng bào dân tộc ở huyện Tây Trà. Với địa hình phức tạp, các đơn vị thi công gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công, nhưng dưới sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh đã giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình thi công, nên sau hơn 1 năm thi công, đến tháng 4 năm 2004 công trình đường Trà Bồng – Trà Phong (dài trên 37 km) đã hoàn thành giai đoạn 1, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà. Hiện nay các đơn vị thi công đang triển khai giai đoạn 2 là: láng nhựa mặt đường, phấn đấu hoàn thành cuối năm nay. Nhiều người dân ở huyện Tây Trà rất vui mừng khi tuyến được được mở rộng và nâng cấp…

Trong 2 năm (2001- 2003) bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á(ADB) tỉnh đã triển khai nâng cấp gần 240 km đường ở 8 huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà, Ba Tơ và Nghĩa Hành nối với Quốc lộ 1A, với tổng mức đầu tư trên 81 tỷ đồng. Việc nâng cấp các tuyến đường này đã góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế- xã hội của nhân dân trong vùng, nhất là rút ngắn được khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi.

Năm 2004 một sự kiện mà người dân ở các xã phía tây của huyện Nghĩa Hành không thể nào quên, đó là đưa cầu Cộng Hòa vào sử dụng . Cầu Cộng Hòa hoàn thành nối liền Tỉnh lộ 627 với Quốc lộ 24, rút ngắn trên 10 km đường từ Ba Tơ đến thị xã Quảng Ngãi. Nhận xét về hiệu quả cả công trình cầu Cộng Hòa trong việc phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, theo Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành thì cầu Cộng Hòa hoàn thành là điều mơ ước của bà con lâu nay. Chiếc cầu đã tạo điều kiện đi lại cho nhân dân, mà mấy năm trước không làm được…

Xã Long Môn- một xã xa nhất của huyện Minh Long. Từ trung tâm huyện đến xã Long Môn chưa đầy 15 phút. Con đường này chỉ cách đây vài năm đi lại rất khó khăn, vào mùa mưa xã Long Môn thường bị cô lập. Từ khi tuyến đường này được nâng cấp mở rộng, đời sống của bà con ở các xã vùng cao của huyện từng bước thay đổi, nhất là hàng hóa lưu thông không còn khan hiếm như trước đây, nông sản của bà con không bị ép giá. Hiện nay huyện Minh Long đang triển khai mở rộng tuyến đường từ Long Môn đi Kỳ Sơn. Theo kế hoạch đến giữa năm 2005, tuyến đường này sẽ hoàn thành, tạo hệ thống giao thông liên hoàn giữa các huyện miền núi với nhau, nhất là tạo điều kiện cho người dân vận chuyển củ mì bán cho Nhà máy chế biến Tinh bột mì Sơn Hải thuận tiện.

Ba Tơ là một trong những huyện miền núi phát triển mạng lưới giao thông rộng khắp. Nhờ phát triển giao thông mà đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Ngoài tuyến Quốc lộ 24 ngang qua địa bàn, hiện nay toàn huyện đều có đường ô tô đến trung tâm xã, 80% thôn có đường ô tô. Giao thông nông thôn- miền núi không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương mà còn nâng cao đời sống dân trí cho nhân dân.

Năm 2002, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai chương trình bê tông giao thông nông thôn- miền núi. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" phong trào bê tông giao thông nông thôn miền núi phát triển mạnh mẽ. Đến nay, toàn tỉnh có gần 350 km đường bê tông giao thông nông thôn- miền núi. Một số huyện làm giao thông nông thôn khá như Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành… Hầu hết đường liên thôn, liên xã trong tỉnh đã được bê tông hóa.

Theo ông Lê Viết Chữ- quyền Giám đốc Sở GT-VT thì năm nay ngành sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm như đường Trà Bồng- Trà Phong giai đoạn 2; đường Long Môn- Sơn Kỳ, đường từ cầu Cộng Hòa nối với Quốc lộ 24, cầu Hải Giá, tuyến Thạch Trụ- Phổ An, khởi công tuyến Di Lăng- Trà Trung, Dung Quất- Trà Bồng- Trà My (Quảng Nam)… Ngoài ra, ngành tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các tuyến Quốc lộ 24, 24B và trên 520 km đường tỉnh, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương ngành sẽ đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn- miền núi , tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển giao thông nông thôn- miền núi của tỉnh giai đoạn 2006- 2010…

Bây giờ về các vùng nông thôn- miền núi trong tỉnh, đi trên những con đường được mở rộng, nhựa hóa mới thấy được ý nghĩa của việc xóa những "lối mòn". Phát triển giao thông nông thôn- miền núi tạo động lực để phát triển kinh tế- xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.

. Theo Báo Quảng Ngãi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đăk Lăk vùng đất năng động   (06/05/2005)
Đêm bên bến sông Hàn   (05/05/2005)
Để phát triển du lịch Đà Lạt bền vững   (04/05/2005)
Đổi thay ở các buôn làng Gia Lai   (03/05/2005)
Mở rộng cánh cửa du lịch Quảng Nam từ PATA   (01/05/2005)
Gần 40 triệu USD phát triển rừng 4 tỉnh miền Trung   (29/04/2005)
Ngã ba Đồng Lộc- mạch giao thông không bao giờ đứt   (28/04/2005)
Nâng cao tính hấp dẫn của báo Đảng và đưa báo Đảng đến với nhân dân  (27/04/2005)
Tây Nguyên là nơi giảm nghèo nhanh nhất  (26/04/2005)
Đang mở lối cho người dân vùng biên  (26/04/2005)
Xây dựng hầm đường bộ qua sông Hương  (26/04/2005)
Trận "mưa vàng" ở Tây Nguyên  (25/04/2005)
Cho nắng xuân hồng  (25/04/2005)
Phan Thiết sau 30 năm  (24/04/2005)
Thành phố của du lịch  (22/04/2005)