Dư âm từ thành cổ
10:13', 9/5/ 2005 (GMT+7)

Trong những ngày cả nước tưng bừng nhộn nhịp kỷ niệm 30 năm  ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thành cổ Quảng Trị cũng bận bịu với hàng ngàn lượt khách đến tham quan mỗi ngày. Giọng thuyết minh của anh hướng dẫn viên trẻ như rung động cả những bờ cỏ, ngọn cây của mảnh đất thiêng này: Quý vị đang đứng ở nơi mà tầm vóc chiến công và giá trị của nó đã được đúc kết bằng xương máu của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào cả nước và Quảng Trị anh hùng trong cuộc chiến đấu ác liệt với kẻ thù suốt 81 ngày đêm cách đây 33 năm…

Nụ cười chiến thắng - dưới chân thành cổ Quảng Trị (ảnh Tư Liệu)

Hồi tưởng lại quá khứ, chiều ngày 1-5-1972, quân ta đã bước qua xác giặc tiến vào trung tâm thị xã cắm lá cờ chiến thắng lên nóc dinh tỉnh trưởng chính quyền ngụy. Sau 1 tháng phát động các đợt tiến công, chiến tuyến phòng ngự mạnh nhất của địch đã bị đập tan, Quảng Trị được giải phóng.

Quảng Trị thất thủ, thành phố Huế có nguy cơ bị bao vây, chính quyền Sài Gòn với sự yểm trợ tối đa của Mỹ đã dốc toàn lực mở cuộc phản kích để tái chiếm lại tỉnh này, mà mục tiêu số 1 là Thành cổ. Ngày nay, đứng bên những thảm cỏ xanh của Thành cổ, hồi tưởng lại cuộc chiến đấu ác liệt năm nào, ai cũng phải nghiêng mình trên mảnh đất đã tạo nên trang sử hào hùng làm rung chuyển cả nước và toàn cầu. Chưa có một cuộc hành quân nào trong lịch sử chiến tranh mà người ta lại huy động một lực lượng quân số đông đảo và khối lượng chất nổ khổng lồ để tái chiếm một tòa thành chu vi chỉ hơn 2.160 m. Trong một tuần, Mỹ đã ném xuống thị xã này 7.000 tấn bom và bắn 100.000 quả đại bác. Số bom mà Mỹ đã ném xuống trong cuộc chiến kéo dài gần 2 tháng khoảng 328 nghìn tấn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hi-rô-si-ma của Nhật Bản năm 1945. Đương đầu với cuộc phản kích mang tính hủy diệt này, lực lượng ta ngoài 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương còn có trung đoàn 48, trung đoàn 95 và tiểu đoàn 8 cùng với sự yểm trợ vòng ngoài của 2 sư đoàn 320, 308 ở 2 cánh đông, nam, các đơn vị xe tăng, pháo cao xạ… Đối với địch, nếu chiếm được Thành cổ coi như chiếm được Quảng Trị và tạo sức ép với ta tại Hội nghị Pari; vì thế, mỗi ngày công trình kiến trúc cổ này hứng chịu không biết bao nhiêu là bom đạn, có ngày, chúng bắn vào thành tới 5.000 quả đại bác. Trung bình, một chiến sĩ trong thành mỗi ngày hứng chịu trên 200 quả đạn pháo và 100 quả bom. Với hỏa lực công phá như thế thì từng viên gạch cũng không còn nguyên vẹn chứ nói chi con người… Nói như thế để chúng ta hình dung được bản anh hùng ca bất khuất mà quân và dân ta đã viết nên trong 81 ngày đêm tại biển lửa Thành cổ Quảng Trị ngày nào. Hàng trăm du khách có mặt ở cổ thành hôm đó đã lặng im để lắng nghe người thuyết minh tái tạo lại bản anh hùng ca đó: Cuộc chiến đã diễn ra như một huyền thoại, cách đánh của bộ đội ta năm đó cũng vượt khỏi những quy lệ thông thường trong chiến tranh ; súng cối 60 mm được các chiến sĩ kẹp nách và bắn "liên thanh" mấy  chục quả một lần, lựu đạn chỉ ném khi áp sát miệng hầm địch và đã xì khói trên tay. Nhiều chiến sĩ bị thương đến 3 lần vẫn trụ lại trận địa. Tất cả đều chiến đấu với tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Trước khi chia tay thành cổ, chia tay một điểm hẹn truyền thống của mọi thế hệ Việt Nam và niềm kính phục của bạn bè khắp năm châu, chúng tôi lên đài tưởng niệm để thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Xa xa là thị xã Quảng Trị, vùng đất của một thời mưa bom bão đạn đang vươn mình hồi sinh. Dòng Thạch Hãn vẫn êm đềm lượn quanh như đang hát:

… Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…

 

. Theo Báo Bình Thuận

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trên những con đường "xóa đói giảm nghèo"   (08/05/2005)
Đăk Lăk vùng đất năng động   (06/05/2005)
Đêm bên bến sông Hàn   (05/05/2005)
Để phát triển du lịch Đà Lạt bền vững   (04/05/2005)
Đổi thay ở các buôn làng Gia Lai   (03/05/2005)
Mở rộng cánh cửa du lịch Quảng Nam từ PATA   (01/05/2005)
Gần 40 triệu USD phát triển rừng 4 tỉnh miền Trung   (29/04/2005)
Ngã ba Đồng Lộc- mạch giao thông không bao giờ đứt   (28/04/2005)
Nâng cao tính hấp dẫn của báo Đảng và đưa báo Đảng đến với nhân dân  (27/04/2005)
Tây Nguyên là nơi giảm nghèo nhanh nhất  (26/04/2005)
Đang mở lối cho người dân vùng biên  (26/04/2005)
Xây dựng hầm đường bộ qua sông Hương  (26/04/2005)
Trận "mưa vàng" ở Tây Nguyên  (25/04/2005)
Cho nắng xuân hồng  (25/04/2005)
Phan Thiết sau 30 năm  (24/04/2005)