Khu Kinh tế Dung Quất:
Bước chuyển động tích cực
10:20', 12/5/ 2005 (GMT+7)

Sau hơn 7 năm thành lập Khu công nghiệp Dung Quất (bây giờ là Khu kinh tế Dung Quất) đã tạo được sự chú ý của các nhà đầu tư. Nhiều dự án bước đầu hoạt động có hiệu quả.  Khu kinh tế này đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ tiện ích; một số dự án đang gấp rút hoàn thành để sớm đưa vào hoạt động.

Bốc dỡ hàng tại Cảng Dung Quất.

Trở lại Khu kinh tế Dung Quất lần này chúng tôi đã nhận ra nhiều điều mới mẻ. Tại khu vực tương lai là thành phố Vạn Tường, bên cạnh Trường đào tạo nghề Dung Quất khang trang, một số công trình khác như: Bệnh viện Dung Quất giai đoạn 1 có quy mô 100 giường bệnh và Trạm thu phát lại truyền hình cũng sắp hoàn thành. Mới đây, Bưu điện tỉnh cũng vừa khánh thành Trạm chuyển mạch viễn thông có dung lượng  gần 9.000 số, với vốn đầu tư trên 10 triệu đô la Mỹ. Hệ thống giao thông ở đây tương đối hoàn chỉnh.

Hiện nay, tại Khu kinh tế Dung Quất có 10 dự án đang triển khai xây dựng. Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất  thuộc Tổng Công ty tàu thủy Việt Nam là dự án có tầm cỡ khu vực. Nhà máy có thể đóng và sửa chữa các loại tàu có tải trọng từ 100 ngàn tấn đến 400 ngàn tấn. Đến nay, một số hạng mục như: Đê Đông dài 400m, tường rào, nhà điều hành cơ bản hoàn thành. Các đơn vị thi công tập trung xây dựng ụ đóng tàu dài 270 m, rộng 45 m, phía trong cửa ụ dài 90 m. Ông Đinh Văn Dũng- Tổng vụ Nhà máy đóng tàu Dung Quất cho biết, ngoài các phương tiện cơ giới, trên công trình này mỗi ngày có ít nhất 100 kỹ sư và công nhân làm việc, phấn đấu đến năm 2006 sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đến năm 2007 đóng mới và hạ thủy chiếc tàu có trọng tài 100 ngàn tấn đã được ký kết với Tổng Công ty dầu khí Việt Nam.

Tại phân khu công nghiệp Sài Gòn- Dung Quất việc triển khai các dự án đầu tư rất sôi động. Tại phân khu này, ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất đã cấp phép đầu tư cho 9 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 700 tỉ đồng. Trong đó Xí nghiệp may Dung Quất thuộc Công ty may Phương Đông- Tổng công ty may mặc Việt Nam đã đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Văn Đồng- Phó Giám đốc Xí nghiệp may Dung Quất cho biết: "Giai đoạn 1, xí nghiệp có 9 dây chuyền may thu hút  trên 850 lao động. Dự kiến đến cuối năm nay xí nghiệp sẽ có 16 dây chuyền may, thu hút trên 1.100 lao động. Trong quý 1 năm nay, xí nghiệp đã sản xuất gần 540 ngàn sản phẩm gồm áo Jacket, pôlô, sơ mi… Sản phẩm của xí nghiệp chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ  và các nước Châu Âu". Hiện nay, tại phân khu công nghiệp Sài Gòn- Dung Quất một số dự án khác đang triển khai xây dựng như: Nhà máy rượu- bia; Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu; Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Dacata Dung Quất thuộc Tổng Công ty Đại Cát Tường. Theo ông Lê Mạnh Hùng- Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Đại Cát Tường cho biết: "Nhà máy sản  xuất lắp ráp ô tô Dacata sản xuất các loại xe vận tải nhẹ, giai đoạn 1 có công suất 6.000 chiếc/năm. Hiện nay, một số hạng mục của nhà máy như tường rào, nhà xưởng sắp hoàn thành, phấn đấu đến cuối năm nay đi vào hoạt động".

Đến nay, ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất đã cấp giấy phép cho 53 dự án với tổng vốn đăng ký trên 32 ngàn tỉ đồng ; trong đó có 14 dự án đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn có 20 dự án đăng ký đầu tư tại khu Kinh tế Dung Quất với vốn đăng ký gần 1.800 tỉ đồng. Một số doanh nghiệp bước đầu làm ăn có hiệu quả như: Nhà máy sản xuất gạch tuynel; Nhà máy chế biến nguyên liệu giấy, Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông… Riêng trong quý 1 năm nay, giá trị sản lượng công nghiệp tại khu kinh tế này đạt trên 47 tỉ đồng, kim ngạch  xuất khẩu trên 2,7 triệu đô la Mỹ, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động.

Ông Trần Lê Trung - Trưởng ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất cho biết: "Năm nay, Khu Kinh tế Dung Quất tiếp tục đầu tư hoàn thiện một số công trình như: Bệnh viện; trạm thu phát lại truyền hình (giai đoạn 1); hoàn thành cơ bản phân khu công nghiệp Sài Gòn- Dung Quất có diện tích 118 ha; san nền khu hậu cần cảng Dung Quất; xây dựng hạ tầng khu dân cư nam Dốc Sởi diện tích trên 15 ha; hoàn thành giai đoạn 1 đường nối khu Kinh tế Dung Quất với sân bay Chu Lai và cảng Kỳ Hà (tỉnh Quảng Nam), với tổng kinh phí đầu tư gần 280 tỉ đồng".

Có thể nói việc Chính phủ chuyển đổi Khu công nghiệp Dung Quất thành Khu Kinh tế Dung Quất với những cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội về môi trường đầu tư và hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện sẽ là những yếu tố để thu hút đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, để cho các cơ chế chính sách này có hiệu quả đòi hỏi sự hỗ trợ rất nhiều của tỉnh, nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp đất cho các doanh nghiệp.

. Theo Báo Quảng Ngãi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bảo Lộc - triển vọng một đô thị  (11/05/2005)
Xây nhà máy xử lý rác thải kết hợp sản xuất điện  (10/05/2005)
Đắk Lắk khởi công xây dựng thủy điện Krông K'mar  (10/05/2005)
Cửa Lò hướng tới một đô thị du lịch bốn mùa văn minh, hiện đại  (10/05/2005)
Lâm Đồng: Xây mới một làng văn hóa dân tộc thiểu số  (09/05/2005)
Đắk Nông: 1.400 tỷ đồng xây hạ tầng khu đô thị Gia Nghĩa  (09/05/2005)
Dư âm từ thành cổ  (09/05/2005)
Trên những con đường "xóa đói giảm nghèo"   (08/05/2005)
Đăk Lăk vùng đất năng động   (06/05/2005)
Đêm bên bến sông Hàn   (05/05/2005)
Để phát triển du lịch Đà Lạt bền vững   (04/05/2005)
Đổi thay ở các buôn làng Gia Lai   (03/05/2005)
Mở rộng cánh cửa du lịch Quảng Nam từ PATA   (01/05/2005)
Gần 40 triệu USD phát triển rừng 4 tỉnh miền Trung   (29/04/2005)
Ngã ba Đồng Lộc- mạch giao thông không bao giờ đứt   (28/04/2005)