Chiều nay 17-5, tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam Trần Ngọc Cảnh sẽ ký hợp đồng cung cấp thiết bị và xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với nhóm Technip sau 8 năm kể từ khi chủ trương đầu tư được phê duyệt.
|
Một góc Khu Công nghiệp Dung Quất. |
Tám năm cho một dự án lớn với số vốn lên đến 2,5 tỷ đô-la thì không phải quá dài, song điều đáng nói ở đây là, toàn bộ khoảng thời gian đó đều dành cho những cuộc họp hành liên tu bất tận, cho những cuộc tính toán (và cả toan tính) mà lẽ ra đã được bàn định trước khi có chủ trương đầu tư.
Hôm khai mạc kỳ họp Quốc hội vừa rồi, nhân bàn đến chuyện sẽ thông qua dự án lọc dầu tại Dung Quất (phần vốn tăng thêm) vào tháng 6 tới, có đại biểu Quốc hội đã nói rằng, một trong những lãng phí lớn nhất đã và đang xảy ra tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất mà không phải ai cũng nhìn thấy, đó là lãng phí thời gian. Một quan chức của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam tỏ ra tiếc rẻ khi biết rằng dự án lọc dầu Dung Quất không chỉ dừng lại ở mức 1,5 tỷ như dự kiến mà đã lên đến 2,5 tỷ đô-la. Ông nói: "Nếu trước đây có ai quyết cho chúng tôi làm thì đến nay mọi việc đã khác". Biến động về giá cả thiết bị nhà máy lọc dầu trên thị trường thế giới kết hợp với sự tụt giá đồng đô-la so với đồng EURO đã làm cho vốn đầu tư vào dự án này tăng gần gấp đôi! Vậy là, sự lãng phí về thời gian như vị đại biểu Quốc hội vừa nói đã được cụ thể hóa bằng tiền với giá 1,2 tỷ đô-la (trước đây nhà máy lọc dầu được duyệt là 1,3 tỷ đô-la). Đó là chưa kể đến việc, nếu đúng như dự kiến, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã vận hành cách đây 4 năm thì chúng ta sẽ hạn chế được phần nào thiệt hại do phải bù lỗ giá xăng dầu nhập khẩu mấy năm qua.
Chưa có một nhà máy nào mà sản phẩm không thấy đâu nhưng có đến 4 vị giám đốc phải "đội nón" ra đi như Nhà máy lọc dầu Dung Quất và cũng chưa có nhà máy nào mà các thiết kế phải liên tục phải thay đổi như Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trong một lần tiếp xúc với báo giới tại Quảng Ngãi hồi năm 2004, vị tân giám đốc của nhà máy này nói rằng sở dĩ chúng tôi chưa ký được với đối tác về gói thầu số 1 (phần máy móc các phân xưởng) là vì theo thiết kế mới, nhà máy sẽ có thêm hai phân xưởng nữa để thay cho xăng A83. Giao diện giữa các gói thầu lại phải thay đổi cho tương thích với hai phân xưởng mới này. Vâng, có vô vàn lý do để biện minh cho việc chậm trễ của dự án này. Giao diện giữa các gói thầu rồi sẽ được khắc phục sao cho trùng khớp, dù phải tốn thêm rất nhiều tiền và thời gian, song có một giao diện khác thì không có tiền bạc nào có thể khắc phục được, đó là giao diện với nhân dân Dung Quất-những người mà cả cuộc chiến tranh chống Mỹ họ không rời làng nửa bước nhưng vì sự nghiệp chung của đất nước, buộc họ phải ra đi để nhường đất xây dựng nhà máy lọc dầu. Tám năm qua, hàng trăm gia đình ấy đã sống cuộc sống vô cùng vất vả trên quê mới với hy vọng sự hy sinh của mình sẽ được đền bù, song điều đó vẫn chưa thấy đâu.
Việc ký kết hợp đồng cho gói thầu số 1 cũng chỉ là mở đầu cho những hy vọng mới về Dung Quất. Dự án trên có được thực thi hay không còn phải được Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này. Dân Dung Quất lại thêm một lần mong ngóng. Một chữ ký sau 8 năm vẫn chưa thể khép lại một chu kỳ chờ đợi.
. Trần Đăng
|