Lâm Đồng- vùng đất một thời xa xôi nằm tách bạch với những vùng miền và chỉ giao thương qua hai cửa ngõ chính phía Đông là QL 27 và phía nam theo trục QL 20. Khắc phục những rào cản của hệ thống giao thông yếu kém, những năm gần đây, hàng ngàn tỷ đồng đã được đầu tư nâng cấp, khai mở những tuyến đường mới tạo nên cơ sở hạ tầng liên hoàn góp phần vào công cuộc đổi thay mạnh mẽ trên quê hương Nam Tây Nguyên này.
Với hơn 9.700 km2, Lâm Đồng thuộc tỉnh có diện tích tự nhiên rộng lớn nhất nhì trong nước, nhưng địa bàn bị chia cắt bởi địa hình dẫn tới không thuận lợi trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là một bất lợi và thách thức đối với tỉnh. Thử lục lại bản đồ giao thông Lâm Đồng trước kia, sự kết nối giữa Lâm Đồng và các vùng lân cận chủ yếu nhờ hai tuyến đường chính QL 20 nối Lâm Đồng với khu vực miền Đông Nam bộ. Tuyến QL 27- đoạn từ Phan Rang chạy tới ngã ba Liên Khương là cửa ngõ thông thương duy nhất của tỉnh với khu vực miền Trung và phía Bắc. Còn tuyến đường Ma Lâm- Phan Thiết thuộc QL 28 nối thị trấn Di Linh với thành phố Phan Thiết được mở từ thời Pháp và đã ngủ yên bao nhiêu năm trời. Đến năm 1999- 2000 mới được đại tu, nâng cấp trở thành đường cấp 4 với chiều dài hơn 50 km. Điều kiện hạ tầng như vậy, sẽ là trở ngại lớn để Lâm Đồng phát triển kinh tế, nhất là khai thác du lịch nghỉ dưỡng. Trong khi đó, để phát triển kinh tế- xã hội đúng như tiềm năng thế mạnh của tỉnh đòi hỏi giao thông phải đi trước một bước, phải "dọn đường" cho phát triển và thu hút đầu tư.
Xác định giao thông vận tải giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, vừa là tiền đề, vừa là động lực của sự phát triển, những năm gần đây, Lâm Đồng đã bắt tay vào đại tu hàng loạt tuyến đường chính, đầu tư xây dựng mới hệ thống giao thông nông thôn, đường liên huyện, liên xã với tỷ lệ nhựa hóa ngày càng cao. Nếu như sau giải phóng, QL 27 mới chỉ được đầu tư từ Phan Rang đến Liên Khương- Đức Trọng thì đến nay con đường này đã được kéo dài tới cầu K’Rông Nô nối Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên. Tương tự QL 28 cũng được đại tu mở rộng và trở thành trục chính nối vùng biển Bình Thuận tới Lâm Đồng và thông suốt tới tỉnh mới Đắk Nông. Hàng loạt tuyến đường khác được khai mở mới như đường Khánh Vĩnh, Nha Trang- Đà Lạt, QL 55B chạy từ Bảo Lộc tới thủy điện Đạ Mi- Hàm Thuận và hòa vào mạng giao thông Bà Rịa Vũng Tàu… kéo theo sự đổi thay của các thị tứ, các đô thị mới trên những tuyến đường này. Một hệ thống giao thông đối ngoại liên hoàn có chiều dài trên 432 km thực sự mở cửa vùng đất lâm Đồng thông thương với các tỉnh lân cận qua nhiều hướng, giúp Lâm Đồng bảo đảm an ninh chính trị và phát triển các mục tiêu kinh tế- xã hội trong công cuộc đổi mới hiện nay. Trong vài năm tới, khi giao thương giữa khu tam giác du lịch Phan Thiết- Nha Trang- Đà Lạt đứng trên thế liên hoàn, nhất là đường cao tốc Đà Lạt- Dầu Giây được đầu tư, Cảng hàng không sân bay Liên Khương mở rộng đi vào hoạt động sẽ giúp Lâm Đồng phát huy hết tiềm năng lợi thế của một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, nghiên cứu, hội nghị, hội thảo quốc tế và nền nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng của tỉnh. Nếu như giao thông đối ngoại được xem như đòn bẩy cho sự phát triển chung của tỉnh thì giao thông đối nội lại là điều kiện để thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, đưa nông thôn Lâm Đồng phát triển. Với 346 km đường tỉnh lộ gồm 4 tuyến ĐT 721, 722, 723 và ĐT 725 đã được đầu tư thảm nhựa (duy chỉ còn đoạn Lâm Hà- Di Linh- Lộc Bắc và Con Ó (Tạ Tẻh) là chưa thông tuyến), mạng lưới giao thông nông thôn trong tỉnh với chiều dài khoảng 2.470 km đã được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Đặc biệt, trong số 473 km đường nội bộ thị của 11 huyện, thị thành (không kể huyện mới Đam Rông) đã có tỷ lệ nhựa hóa khá cao. Nhất là Đà Lạt, Bảo Lộc và Đức Trọng hầu hết các trục đường chính đã được nâng cấp, mở rộng thảm bê tông nhựa và xây dựng vỉa hè, hệ thống thoát nước góp phần làm cho bộ mặt đô thị khang trang. Đánh giá về hạ tầng giao thông hiện nay, theo giám đốc Sở GTVT thì: Trung ương và tỉnh đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho giao thông từ nhiều năm nay nên mới có hệ thống giao thông đối ngoại huyết mạch thông suốt và hiện đại như bây giờ và cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế. Giao thông đối nội đã giải quyết cơ bản yêu cầu giao thông tới các trung tâm cụm xã, tạo nên một mạng lưới giao thông khép kín không những phục vụ cho sự phát triển kinh tế- xã hội mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng. Nhưng để tiếp tục hoàn thiện mạng lưới giao thông trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng cần phải tranh thủ tối đa các nguồn vốn. Chỉ tính riêng hệ thống đường tỉnh, đường huyện và hạ tầng giao thông đô thị kết hợp với du lịch… từ nay đến năm 2010 Lâm Đồng cần đầu tư khoảng 8.335 tỷ đồng. Đầu tư cho giao thông đồng nghĩa với việc mở đường cho sự phát triển.
. Theo Báo Lâm Đồng |