Đầu tháng 6-2005 Hầm Hải Vân chính thức "thông quan”:
Đi đường hết sợ Hải Vân?
16:18', 25/5/ 2005 (GMT+7)

"Đi đường thì sợ Ải Vân, đi ghe thì sợ sóng thần hang Dơi". Câu ca xưa vẫn còn là nỗi ám ảnh của người và phương tiện trên hành trình vào Nam ra Bắc lâu nay, ít nhất cũng là thời điểm hầm đường bộ Hải Vân (hầm Hải Vân) chưa chính thức đi vào hoạt động (dự kiến vào ngày 5/6/2005). Vậy sau khi hầm Hải Vân đi vào hoạt động, nỗi ám ảnh ấy có còn? Phương tiện qua lại phải tuân thủ những gì để bảo đảm ATGT? Đâu là phương án để hạn chế tới mức thấp nhất những sự cố xảy ra? Làm gì để khai thác hiệu quả nhất công trình mang tầm vóc thể kỷ này của hệ thống đường bộ Việt Nam. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu thêm về những thông tin trên.

* Sơ lược về hệ thống hầm

Khi hầm Hải Vân chính thức vận hành, người đi bộ không được vào đường hầm.

Hầm Hải Vân bao gồm 2 hệ thống: Hầm phục vụ giao thông chính và hầm phục vụ thoát hiểm. Trong đó, hầm phục vụ giao thông chính có chiều dài 6.280 m, rộng 11,9 m cao 7,5m, tĩnh không thông xe 4,95m. Trong hầm có 2 làn xe, bề rộng mỗi làn 3,75m được phân giới bởi hàng nón cao su, dải an toàn ở mỗi bên phần xe chạy rộng 1,25m. Phía tây của hầm có đường đi bộ dành cho người bảo dưỡng hầm. Dọc theo hầm có 18 điểm mở rộng dùng cho mục đích đỗ xe khẩn cấp. Riêng hầm thoát hiểm rộng 4,7m, cao 3,8m chạy song song, nằm về phía đông của đèo và cách hầm chính 30m. Các hầm ngang nối giữa hầm chính và hầm thoát hiểm cách nhau 400m có kích thước bằng hầm lánh nạn. Tổng số hầm nối ngang là 15 hầm, trong đó có 11 hầm ngang cho người đi bộ có kích thước cửa vào rộng 2,25m, cao 2m và 4 hầm ngang cho xe cứu hộ (và cả người đi bộ), có cửa vào rộng 4,7m, cao 3m. Trong trường hợp vận hành bình thường, các hầm ngang được đóng kín bằng cửa kéo. Ngoài ra, trong hầm còn có các hệ thống đèn chiếu sáng, thông gió, báo cháy và chữa cháy, điện thoại khẩn cấp, phát thanh radio, camera quan sát, hệ thống giám sát và điều khiển giao thông.

* Sẽ cố gắng duy trì toàn bộ hệ thống hầm Hải Vân hoạt động ở chế độ tốt nhất

Các phương tiện cơ giới đường bộ được các cơ quan đăng kiểm cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật (ATKT) và bảo vệ môi trường thì được phép lưu thông trong hệ thống đường bộ Việt Nam nói chung và hầm Hải Vân nói riêng. Đơn vị quản lý vận hành đường hầm không kiểm tra ATKT của các phương tiện tham gia giao thông, mà chỉ ngăn không cho các phương tiện không được phép vào hầm theo quy định ở 2 trạm kiểm soát và thu phí ở 2 đầu cửa hầm.

Ban QLDA 85 là cơ quan đại diện cho Bộ GTVT có trách nhiệm quản lý xây dựng công trình. Sau khi hầm Hải Vân xây dựng xong, Ban QLDA sẽ bàn giao lại cho đơn vị quản lý thuộc Cục Đường bộ Việt Nam khai thác vận hành, cụ thể là Công ty Khai thác hầm Hải Vân thuộc khu Quản lý đường bộ 5. Đơn vị quản lý khai thác có trách nhiệm chính trong việc phối hợp với các ban, ngành chức năng để bảo đảm TTATGT, cũng như hạn chế sự cố trong hầm. Tuy nhiên, từ trước đến nay Ban QLDA 85 cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng để chuẩn bị cho việc khai thác hầm Hải Vân hiệu quả và an toàn. Cụ thể, đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền cho các lái xe và hành khách sử dụng hầm sau này biết các quy định về giao thông trong hầm và cách xử lý trong trường hợp khẩn cấp; phối hợp với các cơ quan y tế, cảnh sát PCCC của TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên-Huế để đào tạo công tác sơ cấp cứu ban đầu, cung cấp kiến thức và thao tác PCCC cơ bản cho các nhân viên vận hành đường hầm sau này để có chương trình phối hợp cứu hộ khi có TNGT, cháy nổ xảy ra trong hầm; phối hợp với CSGT, cơ quan Quản lý đường bộ để đào tạo nhân lực, lập kế hoạch, phương án đảm bảo TTATGT trong hầm. Ngoài ra, Ban cũng đã xây dựng chương trình phối hợp giữa các bên và tổ chức diễn tập phối hợp các lực lượng như CSGT, CSTT-XH, TTGT, Trung tâm cấp cứu, CBCNV Khu QLĐB 4,5 và các lực lượng dân phòng của hai địa phương huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên- Huế), quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) trước khi hầm Hải Vân đưa vào vận hành và khai thác chính thức.

Riêng về mặt thiết kế hạ tầng kỹ thuật, hầm cũng đã chuẩn bị rất chu đáo. Thông tin về tình trạng hoạt động của các thiết bị ATGT trong hầm đều được chuyển về và hiển thị trên màn hình điều khiển của Trung tâm Vận hành. Trong quá trình vận hành, nếu xảy ra các trục trặc về thiết bị thì nhân viên vận hành sẽ biết ngay và yêu cầu đội bảo dưỡng khắc phục. Tính an toàn của các thiết bị hỗ trợ cho công tác ATGT rất cao và các thiết bị đều mang tính dự phòng. Mặt khác trong hầm được trang bị rất nhiều thiết bị ATGT có chức năng hỗ trợ và bổ sung cho nhau nên khi sự cố xảy ra, nếu thiết bị này bị hỏng thì vẫn có thiết bị khác thay thế kịp thời. Ban QLDA 85 sẽ yêu cầu nhà thầu bàn giao các sổ tay, quy trình bảo dưỡng hầm và thiết bị để đơn vị quản lý vận hành xây dựng nên quy trình, cũng như kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hầm và các thiết bị trong hầm nhằm duy trì toàn bộ hệ thống luôn hoạt động ở chế độ tốt nhất.

* Quy định chung cho các phương tiện lưu thông qua hầm

- Các loại phương tiện sau đây không được phép vào hầm: xe chở hóa chất độc hại, vật liệu dễ nổ, dễ cháy; các loại xe đạp, xe máy, xe mô ; các loại xe quá khổ, xe bánh xích, xe có tốc độ chậm; người đi bộ.(Các phương tiện giao thông khác không được phép vào hầm, vẫn sử dụng đường đèo Hải Vân).

- Khi tham gia lưu thông trong hầm, các phương tiện buộc phải thực hiện các yêu cầu sau: bật đèn ở chế độ "pha gần”; tuân thủ chặt chẽ Luật GTĐB, các biển báo hiệu, đèn báo hiệu, hướng dẫõn của Trung tâm Vận hành; chạy đúng tốc độ, đúng phần đường, giữ khoảng cách an toàn với xe trước, tuyệt đối không được vượt xe trong hầm; tốc độ xe chạy tối đa là 60km/giờ, tối thiểu là 30km/giờ (tùy theo từng trường hợp cụ thể, tốc độ tối đa sẽ được hạn chế qua hệ thống biển báo); bật ngay đèn báo hiệu nguy hiểm khi xảy ra các trường hợp khẩn cấp.

Cẩm nang hướng dẫn sử dụng các hệ thống hỗ trợ:

- Điện thoại khẩn cấp: đặt cách nhau khoảng 200m, khi nhắc ống nghe, bạn có thể nói chuyện với Trung tâm Vận hành hầm.

- Nút báo cháy: đặt cách nhau 50 m trong các hốc chữa cháy phía trên lối đi bộ trong hầm. Nhấn tấm trong suốt phía trên nút bấm để phá vỡ và bấm nút phía bên trong cho đến khi đèn đỏ lên. Thông tin báo cháy sẽ tự động chuyển đến Trung tâm Vận hành.

- Bình chữa cháy: được đặt trong hốc chữa cháy cách khoảng 50m (sử dụng theo nguyên tắc bình chữa cháy nói chung).

- Vòi chữa cháy: được đặt cách khoảng 50m, mỗi vòi dài 25m (sử dụng theo nguyên tắc vòi chữa cháy nói chung).

- Hầm thoát hiểm: khi thoát vào hầm thoát hiểm, bạn phải chạy bộ, không được điều khiển xe chạy vào hầm thoát hiểm, hoặc dừng xe chắn ở lối vào hầm thoát hiểm.

- Nếu xe bị hỏng trong hầm: bật đèn báo hiệu nguy hiểm; di chuyển xe đến chỗ đỗ xe khẩn cấp hoặc tấp sát lề nếu có thể, tất cả tài xế và hành khách phải rời khỏi xe để di chuyển đến nơi an toàn(hành lang đi bộ trong hầm), khi rời khỏi xe, tài xế tắt máy, để nguyên chìa khóa và kéo thắng tay; đến ngay hốc điện thoại khẩn cấp để gọi cho Trung tâm Vận hành.

- Nếu xe bị tai nạn trong hầm: bật đèn báo nguy hiểm; tất cả tài xế và hành khách phải rời khỏi xe và di chuyển đến nơi an toàn, xe tắt máy và kéo thắng tay, sơ cứu người bị nạn và dùng điện thoại khẩn cấp để gọi cho Trung tâm Vận hành.

- Nếu xe gặp hỏa hoạn: đến ngay hốc chữa cháy để bấm vào nút bấm chữa cháy, đồng thời cố gắng dập tắt đám cháy càng sớm càng tốt bằng các bình chữa cháy và vòi chữa cháy, khi đám cháy vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bạn thì lập tức thoát hiểm.

Lưu ý: Khi nhận được thông tin báo cháy trong hầm thông qua biển báo hoặc hệ thống phát thanh trên sóng radio FM, phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên vận hành.

. Theo Báo Công an TP Đà Nẵng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khu kinh tế Dung Quất thu hút 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư  (24/05/2005)
Festival hoa Đà Lạt diễn ra vào trung tuần tháng 12  (24/05/2005)
Tháng 5 này, về quê Bác…  (23/05/2005)
Khánh thành nhà máy cà phê bột Trung Nguyên  (22/05/2005)
Khánh thành nhà máy xử lý nước thải đô thị đầu tiên ở VN  (20/05/2005)
Phú Lộc với chiến lược phát triển du lịch  (20/05/2005)
Giao thông mở đường cho phát triển  (18/05/2005)
Thêm một tia hy vọng?  (17/05/2005)
Trên quê hương Đắk Mil anh hùng   (16/05/2005)
Dựng biểu tượng Bác Hồ tham gia chống thuế tại Huế  (15/05/2005)
Liên hoan Huế năm 2006 diễn ra trong chín ngày  (15/05/2005)
Khởi công xây dựng đường dây 110KV Di Linh  (13/05/2005)
Hỗ trợ hơn 5,5 triệu USD cho người nghèo 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên  (13/05/2005)
Thêm 1 triệu USD hỗ trợ giảm nghèo ở miền Trung  (13/05/2005)
Hỗ trợ người nghèo Tây Nguyên đi chữa bệnh  (12/05/2005)