Giữa một vùng núi miền Tây biên giới bây giờ đã hiện hữu một khu thương mại quy mô- "đứa con" đầy ưu ái của kinh tế đối ngoại tỉnh Quảng Bình. Ấy nhưng có lên đến nơi mới cảm nhận được rằng, đằng sau tương lai xán lạn ấy, đằng sau sự hoành tráng và thơ mộng ấy, khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo vẫn chưa hết mối lo.
Theo báo cáo của Ban quản lý về hoạt động của khu kinh tế 4 tháng đầu năm 2005, đến 30/4, thu thuế và thu khác đạt trên 2,2 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1,4 triệu USD, hàng hóa phi mậu dịch, biên giới đạt 496 ngàn USD, 967 lượt phương tiện và 3.383 lượt người qua lại cửa khẩu.
Hiện nay, phía bạn Lào đã thông tuyến đường nối với Quốc lộ 12A nên lượng xe cộ, hàng hóa qua lại cửa khẩu tăng dần, phía Lào đã mở các tua xe khách, xe du lịch từ Thái Lan, Lào sang Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo. Dịp 30-4, 1-5, có tới 300 khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam theo đường 12A. Và cũng trên tuyến đường này, hàng ngày, nhiều xe có tải trọng lớn của một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng vận chuyển thạch cao cho Nhà máy xi măng Hoàng Mai từ Khăm Muộn (Lào) qua lại.
Được sự quan tâm lớn của Bộ GTVT, đến nay Quốc lộ 12A đoạn từ Khe Ve đến Cha Lo đã được nâng cấp, mở rộng hoàn chỉnh. Đây được xem là con đường ngắn nhất, lại dễ đi lại nhất đến với Lào và Thái Lan. Bây giờ có thể dùng xe 4 chỗ ngồi qua cửa khẩu Cha Lo để đến Khăm Muộn (Lào) và Na Khon Pha Nom (Thái Lan) chỉ hơn nửa ngày. Trong ba năm qua, tỉnh Quảng Bình đã tập trung đầu tư xây dựng khu kinh tế thương mại Cha Lo nhằm tạo sự giao thương giữa hai tỉnh. Từ một vùng biên cương heo hút, đến nay, Khu kinh tế- thương mại Cha Lo đã có hình hài và đang từng bước đi vào hoạt động. Ngoại trừ nhà kiểm soát liên ngành thì các công trình khác đã được xây dựng như chợ, cửa hàng miễn phí, trụ sở làm việc của các đơn vị chức năng, đường sá, điện chiếu sáng và nước sinh hoạt. Cha Lo, còn được thiên nhiên ưu đãi nữa là thời tiết. Chúng tôi lên Cha Lo vào đầu tháng 5 dù nơi đây đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng nhưng tiết trời không nắng gắt như vùng đồng bằng và nếu so sánh với cửa khẩu Lao Bảo của Quảng trị thì hơn hẳn. Nói như thế để thấy rằng, Cha Lo hội đủ các điều kiện để trở thành một khu thương mại đường biên sầm uất giữa hai tỉnh, hai nước.
Theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo thì phía tỉnh Khăm Muộn đã thành lập khu kinh tế cửa khẩu Lằng Khằng gồm 14 bản trong khu vực và dự kiến xây dựng thành khu kinh tế tự do. Hiện nay tỉnh bạn đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng tôi đã có dịp mục sở thị đoạn Cha Lo- Lằng Khằng, dài khoảng 20km thì thấy rằng, tỉnh bạn đang tập trung lực lượng thi công tuyến đường nối với Quốc lộ 1A (thảm nhựa nữa là xong), còn ở ngã ba Lằng Khằng một khu kinh tế đang được quy hoạch xây dựng để thay thế cho chợ Lằng Khằng hiện nay.
Có thể nói, Cha Lo đang còn có cơ hội lớn để phát triển. Tuy nhiên những điều mắt thấy, tai nghe ở đây khiến chúng tôi không khỏi suy ngẫm:
Cơ hội là vậy, nhưng đến nay Khu kinh tế thương mại cửa khẩu Cha Lo sau nhiều năm được xây dựng vẫn chưa đi vào hoạt động, chợ dù chưa một ngày mở cửa nhưng đã có dấu hiệu xuống cấp, trong khi tỉnh bạn đang tập trung xây dựng cửa khẩu Lằng Khằng, lại có lợi thế là chợ Lằng Khằng khá sầm uất. Nếu làm chậm là mất cơ hội, để phía tỉnh bạn thu hút người đầu tư kinh doanh, buôn bán là điều có thể xảy ra.
Cha Lo đang vào mùa khô. Khu vực cửa khẩu thiếu nước trầm trọng. Vậy nhưng, dự án cấp nước cho vùng này lấy nguồn nước từ chân núi Giăng Màn đã được khởi công nhiều tháng qua nhưng hiện nay vẫn "dẫm chân tại chỗ" chỉ vì kẹt giá ống. Khi phê duyệt dự án, giá ống gang thấp, nay giá tăng lên 40%. Vậy là phải đợi để xin bổ sung giá ống và chưa biết bao giờ cửa khẩu Cha Lo mới có nước. Được biết, đây là dự án cấp nước thứ ba cho vùng này. Trước đây, hai dự án đều không khả thi vì không tìm ra nguồn nước, hoặc có nhưng không đủ trữ lượng để dùng trong mùa khô. Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa Khẩu Cha Lo băn khoăn: "Nước khe ở chân núi Giăng Màn cũng không nhiều, sợ không cấp đủ nước sinh hoạt cho khu kinh tế trong tháng tới".
Chính vì thiếu nước nên vừa qua, đoàn du khách của các nước bạn khi dừng chân làm thủ tục ở đây đã không bằng lòng vì sự phục vụ của cửa khẩu. Lần đầu tiên đến Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã để lại ấn tượng không đẹp trong họ. Thật đáng tiếc và cũng đáng trách sự chậm trễ trên.
Nỗi lo nữa là nơi ăn chốn ở của các hộ kinh doanh tại chợ và hoạt động ở khu vực trung tâm cửa khẩu. Hiện Ban quản lý khu kinh tế đã tiếp nhận 55 đơn đăng ký của hộ kinh doanh tại chợ Cha Lo. Nếu chợ đưa vào hoạt động thì họ sẽ tá túc ở đâu khi mà phương án phân lô đất để cấp tạm cho họ chưa được triển khai cụ thể.
Được biết, hiện nay, UBND tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận phương án phân lô đất (về phía đường nội vùng của cửa khẩu) cho người lên kinh doanh làm nhà ở. Chủ tịch UBND tỉnh Pham Lâm Phương lưu ý, việc phân đất và dựng nhà (là nhà tạm theo mẫu) phải thực hiện trong khoảng thời gian nhất định, có cam kết hẳn hoi để khi quy hoạch lại không bị vướng và không gây khó khăn khi giải phóng mặt bằng.
Còn nhiều hạng mục khác mà Ban quản lý chưa triển khai như trồng cây xanh, sửa chữa nhà kiểm soát liên ngành…cũng được Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở.
Cha Lo đang hứa hẹn là khu kinh tế vùng biên năng động nằm trên đường xuyên Á. Vậy nên, tỉnh cần huy động nguồn lực để phát huy lợi thế đó, mà trước hết phải giải quyết kịp thời các tồn tại nêu trên.
. Theo Báo Quảng Bình |