Mở rộng cánh cửa du lịch Quảng Nam từ PATA
11:23', 1/5/ 2005 (GMT+7)

Sở Du lịch Quảng Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội Du lịch châu Á- Thái Bình Dương (Pacific Asia Travel Association) gọi tắt là PATA. Thông qua các hoạt động của PATA, hình ảnh Quảng Nam sẽ được quảng bá rộng rãi trên thị trường du lịch quốc tế và có nhiều khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các điểm đến trên vùng châu Á- Thái Bình Dương.

Khu di tích Mỹ Sơn

PATA là một hiệp hội mang tính nghề nghiệp, thành lập hơn 50 năm nay, bao gồm các thành viên thuộc các quốc gia, tiểu bang, tỉnh, thành phố, các sở, ngành các tổ chức du lịch tự nguyện… tham gia với mục đích tối thượng là liên kết, hỗ trợ phát triển du lịch với một thương hiệu chung trên vùng châu Á- Thái Bình Dương. Thành viên của PATA, trước hết phải là các tổ chức về du lịch nằm trong lãnh thổ châu Á- Thái Bình Dương hoặc ngoài khu vực, nhưng đều cùng chung một mục đích phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch. Phải là một điểm đến thực sự hấp dẫn, được nhiều du khách mở những chuyến viễn du và là một vùng đất có nhiều khả năng chia sẻ, tích cực tham gia các hoạt động du lịch của hiệp hội du lịch này…

Các thành viên của hiệp hội phải đóng lệ phí hàng năm, nhưng không phải bất cứ tổ chức du lịch nào cũng thỏa mãn yêu cầu để PATA chấp nhận là thành viên chính thức. Sở Du lịch Quảng Nam, đứng chân trên vùng đất có hai di sản văn hóa thế giới và là một điểm du lịch không thể thiếu trong những chuyến đi của du khách quốc tế, có đầy cơ sở để chia sẻ tốt hoạt động du lịch của hiệp hội này, nhưng cũng phải sau một năm nộp đơn, mới chính thức được công nhận là thành viên của PATA.

Thông qua các chương trình Pamtrip, Road Show, hội chợ quốc tế…với sự hợp tác giữa chính quyền sở tại cùng các ngành chủ quản và doanh nghiệp, công tác quảng bá du lịch Quảng Nam với sự đầu tư lớn, nhiều hình thức…đã dần có chiều sâu và cũng hiệu quả hơn…Hình ảnh Quảng Nam đã được phát đi rộng rãi trên thế giới, thu hút khách du lịch, theo tour lẫn tự do, ngày càng đông hơn. Môi trường, phong cảnh, chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật và chất lượng phục vụ du lịch địa phương được đánh giá khá tốt trong nhận xét của du khách nước ngoài. Lượng khách quốc tế lưu trú bình quân 5 ngày chiếm đến 38,18%, với tổng số tiền chi tiêu bình quân mỗi ngày khoảng hơn 60 USD. Nhưng con số đó chưa phải là tất cả với tầm quan trọng và sự hấp dẫn của hai di sản cùng một "sưu tập du lịch" khác đang tồn tại trên đất Quảng Nam. Mặt khác công tác quảng bá, xúc tiến  lẫn các sản phẩm du lịch còn quá nhỏ lẻ so với yêu cầu thực tế. Khách du lịch quốc tế trở lại Quảng Nam lần thứ 4, theo một cuộc điều tra mới đây, gần như bằng… không. Vì vậy, rất cần một con đường để hội nhập và vươn cánh tay du lịch  Quảng Nam đến chân trời khác, xa và rộng hơn. PATA chính là lực đẩy để Quảng Nam thực hiện ước mơ này… Thực ra, PATA chỉ là người trợ lực. Cái chính là tự thân du lịch Quảng Nam phải có cái nhìn ở tầm chiến lược trong tương lai, từ việc quảng bá, đầu tư, xây dựng sản phẩm độc đáo… kẻ cả việc đào tạo nguồn nhân lực của du lịch.

Tuy nhiên, khi đã là thành viên của PATA, du lịch Quảng Nam sẽ được hưởng rất nhiều đặc quyền, đặc lợi trong hoạt động phát triển du lịch. PATA là một thương hiệu du lịch có uy tín, các thành viên sẽ được PATA hỗ trợ trong tất cả các hoạt động du lịch từ việc địa chỉ được in trên danh bạ của PATA (cập nhật hàng năm), đến quyền bỏ phiếu, bỏ thầu tổ chức sự kiện tiếp thị điểm đến; có quyền được tổ chức và nhận các quyền lợi từ hội nghị bàn tròn về du lịch sinh thái châu  Á- Thái Bình Dương và nhận miễn phí tất cả các xuất bản từ Trung tâm thông tin chiến lược của PATA… Ngoài ra, các thành viên còn có nhiều cơ hội tham gia vào các hội nghị giữa các cơ quan chính phủ và đơn vị vận tải, có thể sử dụng PATA như là một kênh trung gian để hợp tác với các tổ chức thế giới như: ADB, IATA, ICAO, APEC, ESCAP, NTOS; được quyền nối mạng trực tiếp đến các bộ phận ngành du lịch, các thành phần nhà nước, tư nhân, các tổ chức vừa và nhỏ ở các quốc gia phát triển và đang phát triển và với các công ty khác nhau…Qua đó, có điều kiện  cung cấp rộng hơn các dịch vụ du lịch tại các sự kiện do PATA tổ chức… nhất là được sự hỗ trợ của PATA trong việc tổ chức các chương trình Famtrip, chương trình buôn bán, xúc tiến điểm đến…cũng như các chiến dịch tiếp thị khách hàng của PATA và các kênh truyền thông đại chúng tại những sự kiện trong đại toàn cầu (hội nghị thường niên, hội chợ du lịch PATA và hội chợ du lịch thế giới, nhất là chương trình "Hẹn gặp bạn tại châu Á- Thái Bình Dương" sắp được tổ chức…). Nói một cách khác, với thương hiệu du lịch chung nổi tiếng của PATA, du lịch Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ "hóa rồng" trên bầu trời châu Á- Thái Bình Dương…là dự báo của một tương lai không xa.

. Theo Báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gần 40 triệu USD phát triển rừng 4 tỉnh miền Trung   (29/04/2005)
Ngã ba Đồng Lộc- mạch giao thông không bao giờ đứt   (28/04/2005)
Nâng cao tính hấp dẫn của báo Đảng và đưa báo Đảng đến với nhân dân  (27/04/2005)
Tây Nguyên là nơi giảm nghèo nhanh nhất  (26/04/2005)
Đang mở lối cho người dân vùng biên  (26/04/2005)
Xây dựng hầm đường bộ qua sông Hương  (26/04/2005)
Trận "mưa vàng" ở Tây Nguyên  (25/04/2005)
Cho nắng xuân hồng  (25/04/2005)
Phan Thiết sau 30 năm  (24/04/2005)
Thành phố của du lịch  (22/04/2005)
Chuẩn bị triển khai thực hiện Dự án WB3  (21/04/2005)
Thế và lực mới  (22/04/2005)
Từ Biển Hồ đến... cầu treo   (20/04/2005)
Hòn ngọc Việt có thương hiệu mới  (20/04/2005)
Phát hiện nhiều hiện vật văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi  (19/04/2005)