Đêm bên bến sông Hàn
10:8', 5/5/ 2005 (GMT+7)

Tôi và Quỳnh vẫn thường lang thang qua từng con phố nhỏ để tận hưởng cho kỳ hết cái ngan ngát hương đêm. Quỳnh xuýt xoa mỗi khi ngắm dòng người chuyển động: "Thành phố đang bước đi đấy!". Tôi chỉ ậm ừ rồi tiếp nối cảm nhận thành phố theo cách riêng mình. Cũng như Quỳnh, miền ký ức về mảnh đất mà chiến tranh, bom đạn từng đi qua, cày xới nhưng cũng rất đỗi hào hùng của Quảng Nam- Đà Nẵng đã nuôi dưỡng tôi khôn lớn, trưởng thành. Ngày tôi cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày tên lính Mỹ cuối cùng phải lê gót giày mệt nỏi, suy sụp bước lên tàu cuốn khỏi Đà Nẵng, vĩnh viễn rời khỏi đất nước Việt Nam. Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng phất cao ngọn cờ giải phóng, lật sang trang sử mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc, dựng xây. Ngoảnh lại cột mốc 30 năm Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng, chứng kiến bao nhiêu đổi thay kỳ diệu của thành phố quê hương, chính tôi cũng phải ngỡ ngàng. Tôi đã đi qua bao vùng đất, không ở đâu để lại ấn tượng sâu đậm, sức hút lạ kỳ về sự hồi sinh, phát triển như thế. Nó hiện hữu trên từng ngóc ngách của thành phố, từng gương mặt của gần 1 triệu dân đang sống, của Quỳnh và cả tôi. Nó như khát vọng mùa xuân, căng tràn nhựa sống.

Ngày 1-1-1997, Đảng, Nhà nước đã quyết định Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sau đó, ngày 15-7-2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 145/QĐ-TTg công nhận Đà Nẵng trở thành Đô thị loại 1 cấp quốc gia và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 33/NQ-T.Ư về "Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước" vào ngày 19-9-2003. Chính cột mốc lịch sử ấy đã mở ra điểm tựa mới của Đà Nẵng lên tầm cao mới, vị thế mới là trung tâm kinh tế- chính trị- văn hóa- xã hội khu vực miền Trung- Tây Nguyên. 4 năm Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ thành phố đi vào cuộc sống, năm 2004, tốc độ tăng trưởng GDP Đà Nẵng tăng 13,3%, GDP bình quân đầu người đạt 15,52 triệu đồng/người, cơ sở hạ tầng, đô thị được chỉnh trang hiện đại, hoàn thiện. Cơ cấu kinh tế chuyển biến mạnh mẽ với giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 7.059 tỷ đồng, tăng 20,17%; du lịch dịch vụ tăng 12,75%; kim ngạch xuất khẩu đạt 400 triệu USD; tổng thu ngân sách 3.767 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 24.136 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,95% năm 2003 xuống còn 0,13% (185 hộ); hoàn thành phổ cập THCS ở 22/47 xã, phường; thủ tục hành chính, bộ máy công quyền được cải cách tinh gọn, hiệu quả; ANCT, TTATXH giữ vững, tạo ấn tượng tốt cho nhà đầu tư… Tự thân những con số biết nói ấy đã nói lên bao điều. Không ngỡ ngàng sao được.

Đêm trước của ngày từ giã căn nhà chồ nhếch nhác, lụp xụp cùng chiếc thuyền cũ kỹ từ bao để để "lên bờ" về nhà mới, cụ bà Nguyễn Thị Hường, trú làng cá Nại Hiên Đông (Sơn Trà) không sao chợp mắt được. Hết đứng lại ngồi, cụ với tay lấy nén nhang thắp lên bàn thờ người chồng quá cố để tưởng nhớ, chia sẻ nguồn vui. Ai bảo "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời" chứ riêng cụ, dù đã bước sang cái tuổi "cổ lai hy" (hơn 80 tuổi ), con đàn cháu đống nhưng cả mấy đời chỉ biết bấu víu trên chiếc thuyền vừa là phương tiện mưu sinh vừa là "nhà". Rồi như một giấc mơ, chủ trương "xóa sổ nhà chồ" được UBND TP cụ thể hóa bằng việc đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng 268 căn nhà cho các hộ nhà chồ làng cá. Ngày 29/12/2004, cụ Hường cùng 150 hộ dân làng cá  Nại Hiên Đông (giai đoạn 1) đã được trao tận tay chiếc chìa khóa của căn nhà mới, 118 hộ còn lại đã được bàn giao trước tết Âm lịch. Bây giờ, "đứng bên ni sông Hàn" không còn nhìn thấy cảnh "xanh như tàu lá". Tôi không khỏi xúc động khi thấy người dân sống ở bờ Đông sông Hàn, bàu Thạc Gián- Vĩnh Trung đã thoát khỏi cuộc sống tạm bợ, vùng đầm Thuận Phước nay chiếc phà cũ kỹ đưa khách qua sông Hàn với bao trắc trở  hiểm nguy đã lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó, những con đường mới, khu dân cư mới khang trang, sạch đẹp mọc lên. Mà đâu chỉ có cư dân làng cá, 8 năm qua, đã có gần 70.000 hộ dân được tổ chức di dời, tái định cư, chăm lo ổn định cuộc sống nơi ở mới nhằm phục vụ công tác giải tỏa, quy hoạch, chỉnh trang đô thị. Đổi lại, lòng dân một lòng son sắt, hướng về ủng hộ quyết sách của chính quyền, hy sinh quyền lợi, kỷ niệm thiêng liêng  để cống hiến công của, sức lực, trí tuệ , tâm huyết xây dựng thành phố tương lai. Mạch nguồn sức dân như "sợi chỉ đỏ xuyên suốt" mở ra cho Đà Nẵng bao thành tựu và triển vọng. Không ngẫu nhiên khi chính quyền thành phố quyết tâm lấy mục tiêu "an dân" làm nền tảng phát triển cho chặng nước rút 365 ngày của 5 năm đầu thuế kỷ XXI. Khấp khởi hy vọng hơn cả là 20.215 hộ nghèo (theo tiêu chí mới), bởi từ nay đến năm 2010, thành phố dành hẳn 1.500 tỷ đồng đầu tư cho chính sách an sinh xã hội, xóa nghèo, giải quyết việc làm… Nói về sự nghiệp an dân, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng khen tặng: Đà Nẵng chính là điểm sáng, mô hình điển hình mà các địa phương khác cần học tập.

Đã bao lần Quỳnh và tôi đi trên con đường mới mang tên vị lãnh tụ kính yêu- đường Nguyễn Tất Thành. Quỳnh thích thú mỗi khi thả hồn theo con sóng vuốt ve, ấp ôm 20 km bờ cát kéo dọc từ Thuận Phước đến chân đèo Hải Vân: "Nét xuân thì quyến rũ của nàng con gái". Tôi thì thích liên tưởng cái đường cong như một nét vẽ với hình ảnh cánh buồm căng đầy sức sống, sẵn sàng vượt lên thách thức lao mình ra biển khơi, lao về phía trước. Nối liền từ cửa nam hầm đường bộ qua đèo Hải Vân thông qua QL 1A, đường Nguyễn Tất Thành là sự cộng hưởng giữa điểm nhấn trên con đường Di sản, gạch nối chiến lược mở ra biển Đông của trục hành lang kinh tế Đông- Tây giữa miền Trung- Tây Nguyên Việt Nam- Thái Lan- Lào- Myanmar. Bên con sông Hàn xuôi ra cửa biển, bao công trình thế kỷ đã mọc lên. Đó là nhịp cầu quay Sông Hàn đang nối liền đôi bờ vui, các tuyến Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng, Sơn Trà- Điện Ngọc đang hợp sức cùng đường cao tốc Đà Nẵng- Dung Quất, Làng Đại học , bệnh viện quy mô 600 giường, cảng biển, sân bay quốc tế, hàng chục dự án du lịch trên ngọn hải đăng Sơn Trà… tạo đà cho Đà Nẵng mở hết tốc lực cất cánh, vươn đến thịnh vượng….Nhìn Đà Nẵng lung linh trong đêm, tôi tin rằng Đà Nẵng đang nắm giữ tất cả từ thiên thời, địa lợi đến nhân hòa. Tôi tin như tin chính quá khứ hào hùng của vùng đất "địa linh nhân kiệt" cũng như vị thế sung mãn của Đà Nẵng- hòn ngọc biển Đông- cả trong hiện tại và tương lai, tin vào lời hứa đầy tâm huyết của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: "Nhất thiết, chúng ta không được thỏa mãn, ngủ quên trên hào quang thành tích. Nếu không quyết liệt xây dựng Đà Nẵng văn minh, hiện đại thì chúng ta sẽ có lỗi với bao người đã hy sinh xương máu ngã xuống, thiếu trách nhiệm với người đang sống và cả thế hệ con cháu mai sau".

Thành phố đêm không ngủ. Cầu quay xoay nhịp nối đôi bờ cho dòng người hối hả lại, qua. Từ phía con đường chân trời biển Đông, ánh bình minh đang bừng lên sắc mới. Những chiếc tàu hụ còi rời bến sông Hàn rẽ sóng ra khơi.

. Theo Báo Công an Thành phố Đà Nẵng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Để phát triển du lịch Đà Lạt bền vững   (04/05/2005)
Đổi thay ở các buôn làng Gia Lai   (03/05/2005)
Mở rộng cánh cửa du lịch Quảng Nam từ PATA   (01/05/2005)
Gần 40 triệu USD phát triển rừng 4 tỉnh miền Trung   (29/04/2005)
Ngã ba Đồng Lộc- mạch giao thông không bao giờ đứt   (28/04/2005)
Nâng cao tính hấp dẫn của báo Đảng và đưa báo Đảng đến với nhân dân  (27/04/2005)
Tây Nguyên là nơi giảm nghèo nhanh nhất  (26/04/2005)
Đang mở lối cho người dân vùng biên  (26/04/2005)
Xây dựng hầm đường bộ qua sông Hương  (26/04/2005)
Trận "mưa vàng" ở Tây Nguyên  (25/04/2005)
Cho nắng xuân hồng  (25/04/2005)
Phan Thiết sau 30 năm  (24/04/2005)
Thành phố của du lịch  (22/04/2005)
Chuẩn bị triển khai thực hiện Dự án WB3  (21/04/2005)
Thế và lực mới  (22/04/2005)