Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành nên những năm gần đây, ngành công nghiệp Lâm Đồng vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá.
Nếu như năm 2000, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp đạt 986 tỉ đồng, thì đến cuối năm 2004 giá trị sản xuất công nghiệp tăng lên trên 1.532 tỉ đồng, tăng 55,34% so với năm 2000, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13,83%. Cơ cấu kinh tế của ngành sản xuất công nghiệp trong giai đoạn này chiếm 19,8% trong tổng GDP của tỉnh. Đây là kết quả của việc thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp (DN) của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lâm Đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có 6.330 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó, 25 doanh nghiệp nhà nước, 110 doanh nghiệp dân doanh, 22 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và có trên 6.170 cơ sở sản xuất cá thể. Cùng với sự phát triển về mặt số lượng, quy mô doanh nghiệp cũng từng bước được tăng lên, sản phẩm ngày một đạt chất lượng cao hơn, mẫu mã, chủng loại phong phú đa dạng.
Theo Sở Công nghiệp Lâm Đồng, giai đoạn 2001-2004, các ngành công nghiệp chủ yếu, nhất là công nghiệp chế biến đã có bước tăng trưởng khá cả về số lượng và chất lượng cũng như quy mô đầu tư. Cụ thể: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp khai thác tăng 74,10%, công nghiệp chế biến tăng 58%, phân phối điện nước tăng 11,43%… Các ngành công nghiệp dựa trên nguồn nguyên liệu tại chỗ như cà phê, chè, tơ tằm, điều tăng trưởng với tốc độ khá, đạt 58% và chiếm tỉ trọng trên 60% trong cơ cấu ngành công nghiệp. Các ngành công nghiệp có tiềm năng như thủy điện, bô xít và luyện nhôm đã được chuẩn bị các điều kiện cơ bản để triển khai thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất công nghiệp Lâm Đồng phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh một địa phương có trữ lượng gỗ hơn 61 triệu m3, gần 700 triệu cây tre nứa, gần 200.000 ha cây trồng với sản lượng chè búp tươi đạt 150 ngàn tấn, gần 200.000 tấn cà phê nhân, hơn 600.000 tấn rau các loại. Tình trạng này là do ngành công nghiệp bị tác động bởi một số yếu tố bất lợi như giao thông, hạ tầng, không có cảng biển, xa trung tâm, xa cửa khẩu… nhưng các yếu tố này đang dần được khắc phục bằng việc triển khai các công trình trọng điểm của tỉnh như đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, Sân bay Liên Khương, các khu công nghiệp, cụm, điểm công nghiệp tập trung...
Tiềm năng lớn về cây công nghiệp dài ngày, điều kiện thuận lợi để phát triển đàn gia súc, gia cầm, hệ thống sông suối có lưu lượng lớn, độ dốc cao phù hợp cho việc xây dựng các công trình thủy điện sẽ là tiền đề tác động tích cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp trong thời gian tới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Chiến lược phát triển công nghiệp Lâm Đồng trong giai đoạn từ nay đến 2010 sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực chính là: khai thác bôxít và luyện nhôm; sản xuất thủy điện; chế biến các loại nông, lâm, thổ sản; chế biến các chế phẩm từ sữa, thịt gia súc gia cầm; khai thác chế biến các loại khoáng sản phi kim loại, vật liệu xây dựng.
Đối với các ngành có lợi thế trong nông nghiệp như chăn nuôi gia súc, chè, cà phê, dâu tằm, rau quả… cũng sẽ dần dần được quy hoạch theo hướng sản xuất sản phẩm sạch, quy mô lớn, năng suất cao và ổn định để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp chế biến qua việc đầu tư công nghệ mới để sản xuất được các sản phẩm có chất lượng cao, để hướng tới hội nhập và phát triển bền vững trong thời gian tới.
. Theo Báo Lâm Đồng |