Vốn là một trong những huyện nghèo nhất của Kon Tum, nhưng kể từ lúc con đường Hồ Chí Minh (HCM) hoàn thành giai đoạn I, Đắk Glei đã chuyển mình và bắt nhịp theo tốc độ phát triển với các vùng, miền khác.
Việc mở ra hai cửa cẩu phụ Đắk Long - Văn Tắt, Đắk Blô - Đắk Ba cùng với sự liên kết của những tuyến đường ngang trên địa bàn huyện và các chương trình đưa điện lưới quốc gia về vùng cao, vùng biên giới, không chỉ làm cho Đắk Glei đẹp thêm, mà còn mở ra nhiều hướng phát triển.
Trở lại Đắk Glei lần này, tôi ghi nhận sự giao thoa kỳ diệu này đang dần dần thay đổi tư duy kinh tế cho đồng bào tại các vùng cao ở đây. Ngày nào còn là ngõ cụt, nay Đắk Glei đã có đường lớn thong dong nối với mọi miền đất nước. Có lẽ hơn hết, đường HCM ra đời là yếu tố quan trọng bậc nhất, là cơ hội tuyệt vời cho đồng bào Đắk Glei tự vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no hạnh phúc.
Theo Chủ tịch UBND huyện, ông Kring Ba, thì có hai khâu đột phá quyết định cho Đắk Glei phát triển là con đường HCM và chương trình đưa điện lưới quốc gia về các xã vùng sâu.
Năm 1997, điện lưới quốc gia mới về Đắk Glei, từ đây Đắk Glei mới bắt đầu phát triển, mở rộng mạng lưới điện. Đến nay, toàn huyện đã có trên 4.714/ 6.248 hộ dân được sử dụng điện. Năm 2005, Đắk Glei sẽ xóa hết điểm trắng về các xã không có điện. Trong mấy năm gần đây điện nông thôn ở Đắk Glei phát triển rất nhanh. Từ các nguồn vốn của chương trình XDCB, chương trình 135, chương trình năng lượng nông thôn và cả sự hỗ trợ của Bộ Tư lệnh Biên phòng, Đắk Glei đã tập trung xây dựng các công trình điện về khắp thôn làng, đem lại những cơ hội cần thiết trước mắt, giúp các thôn làng xa xôi có điều kiện phát triển.
Đã qua những ngày đầu bộn bề gian khó, đường HCM và chương trình đưa điện lưới quốc gia về vùng cao, đã giúp Đắk Glei nối thông mọi tuyến, góp cho Đắk Glei một lời giải về công cuộc xóa đói giảm nghèo, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
. Theo Điện lực Miền Trung |