Đèo Hải Vân nằm trên tuyến du lịch hấp dẫn nhất miền Trung, mà trục chính đi qua bốn di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới: Huế - Hội An - Mỹ Sơn - Phong Nha, và tour du lịch DMZ (vùng phi quân sự) ở Quảng Trị.
Còn trong phạm vi hai địa phương Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, đèo Hải Vân nằm trong cụm du lịch nổi tiếng: Lăng Cô - Hải Vân - Liên Chiểu - Thuận Phước. Cụm du lịch này hội đủ các yếu tố giao thông: đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Ngọn đèo luôn có cả một biển mây vờn này được ca tụng bởi muôn vàn vẻ đẹp khác nhau. Từ bên phía bắc qua phía nam đèo và ngược lại dài chừng 20km là đại gia đình của hàng trăm khúc cua tay áo, thật kỳ vĩ mà cũng muôn phần nguy hiểm.
Đây là bức tường thành thiên nhiên ngăn các đợt gió mạnh từ phương bắc tràn về; nhờ thế các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào được ban tặng khí hậu ấm áp quanh năm. Từ độ cao 496m trên đỉnh đèo, phóng tầm mắt ra tứ phía, ta sẽ bắt gặp bao la bờ biển xanh ngút mắt, những doi cát trắng mịn, thoải dốc, những làng chài bình dị, nên thơ.
Đêm, khoảng 3 - 4 giờ sáng, biển Đông lấp loáng những ánh đèn của muôn ngàn thuyền đánh cá với những ánh sao lung linh trên nền trời đêm bao la...
* Bên nớ
Ông Võ Phi Hùng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế nói: Ngay từ những năm đầu có dự án xây dựng đường hầm này, ngành du lịch đất Cố đô đã có những bước chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách tham quan, đặc biệt là du lịch leo núi mạo hiểm.
Cạnh đó, nhiều công ty du lịch của các địa phương khác cũng tập trung vào cuộc làm ăn tại một điểm du lịch mới: tour leo đèo và thăm hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân.
Phía Bắc đèo Hải Vân là thị trấn Lăng Cô thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng thay đổi đến chóng mặt kể từ khi được Tổng cục Du lịch chọn là một trong 4 điểm du lịch trọng điểm của quốc gia.
Thị trấn biển này như một thiếu nữ dậy thì đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước ra ngó vào trông. Chỉ trong năm 2002, Lăng Cô được đầu tư 600 tỉ đồng phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đưa vùng đất này sớm hòa nhập vào hàng ngũ những trung tâm du lịch lớn, du lịch biển - đầm phá với sự đa dạng về tài nguyên.
Con đường 100 tỉ đồng đã hoàn thành. Một hệ thống khách sạn đã mở cửa đón du khách. Hàng chục dự án nước ngoài đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác tiềm năng du lịch Lăng Cô. Vào mùa hè, trung bình Lăng Cô đón tiếp trên 1.000 lượt khách/ngày.
* Bên ni
Ở phía bên kia đèo, Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị rất tốt để đón lấy cơ hội khai thác du lịch đang mở ra trước mắt.
Năm 2000, thành phố lớn nhất miền Trung này khởi công xây dựng con đường du lịch Liên Chiểu - Thuận Phước, mang tên Nguyễn Tất Thành nối từ đầu cầu Thuận Phước qua quốc lộ 1A đến chân đèo Hải Vân, tạo thành một vành đai liên hoàn trong sự phát triển mạnh mẽ của thành phố với các khu công nghiệp Hòa Khánh, Liên Chiểu sầm uất.
Ông Lương Minh Sâm, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, hết năm nay, các dự án cầu Thuận Phước, đường vòng quanh bán đảo Sơn Trà - Điện Ngọc hoàn thành cùng với đường Nguyễn Tất Thành sẽ tạo nên con đường ven biển từ chân đèo Hải Vân đến Điện Ngọc có chiều dài 50km, trở thành con đường ven biển dài nhất nước.
Hiện nay, dọc tuyến đường này, các dịch vụ du lịch: nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí… đã có, các bãi tắm được cải tạo, bờ biển được giữ luôn xanh - sạch - đẹp.
Hầm đường bộ xuyên núi Hải Vân được đưa vào sử dụng cũng đồng nghĩa với việc cụm du lịch Lăng Cô - Hải Vân - Liên Chiểu - Non Nước chính thức trở thành một tuyến du lịch hoàn hảo mà Hải Vân quan sẽ là điểm nhấn quan trọng.
Đây là cụm du lịch dựa trên tiềm năng tự nhiên của những thắng cảnh đẹp như: Lăng Cô, Cảnh Dương, Bạch Mã, Hải Vân, Bà Nà… kết hợp với những loại hình du lịch đặc sắc: nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng trên núi, du lịch leo núi, tham quan đường hầm, du lịch sinh thái…
Giờ thì đèo Hải Vân đã chính thức thoát khỏi gánh nặng giao thông, dành chỗ cho du khách nhàn tản cùng muôn lá ngàn hoa của con đèo bốn mùa mây phủ này. Cái câu ca chua xót: "Đi (đường) bộ sợ nhất Hải Vân…" chắc chắn phải sửa lại.
. Theo SGTT |