Ở Đăk Nông cái gì cũng mới. Những con đường đang được chỉnh trang, mở rộng. Nhiều công trình mới đang khẩn trương mọc lên. Cả hàng chục quả đồi cũng được vạt đi để nhường chỗ cho phố thị. Hơn một năm "ra ở riêng", Đăk Nông còn bộn bề công việc…
Đăk Nông là một tỉnh đất rộng người thưa, chỉ 400.000 dân, lại là nơi qui tụ tới 31 dân tộc anh em sinh sống. Với vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, ANQP, việc phát triển kinh tế- xã hội Đăk Nông còn có tác động lớn tới sự phát triển và ổn định chung của cả vùng Tây Nguyên. Theo ông Lương Văn Như, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đăk Nông, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để tạo sự phát triển là phải giải quyết được bài toán về nguồn nhân lực. Mặc dù số người trong độ tuổi lao động chiếm gần 60% dân số, nhưng có tới 78% hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Do đó, yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động được đặt ra khá bức thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh có tới gần 17,5% lao động nông thôn thiếu việc làm, tỉ lệ sử dụng thời gian ở nông thôn còn thấp, nếu không giải quyết được vấn đề việc làm - cơ cấu lao động sẽ không thể giảm được đói nghèo. Mức sống của đa số người dân trong tỉnh cần thấp, nếu không tạo được sự đột phá thì những năm trước mắt vẫn chưa thể lo cho dân đủ ăn, chứ chưa nói đến chuyện đưa nền kinh tế địa phương phát triển.
Cơn đại hạn đầu năm 2005 đã làm cho vùng cây công nghiệp Tây Nguyên điêu đứng. Mặc dù đã có những cơn "mưa vàng" trái mùa, nhưng những khoảnh vườn cà phê vẫn héo rũ. Núi đồi vốn đã khô cằn nay lại càng trơ trọi. Nhiều người dân đã bức xúc: chắc phải chuyển nghề thôi. Sống phụ thuộc mãi vào thiên nhiên thế này khó khăn quá? Nhưng chuyển nghề gì? Ở Đăk Nông mới đây đã xuất hiện thêm một số doanh nghiệp mới, như Cty tinh bột sắn ở xã Nhân Cơ(huyện Đăk Rlấp), Cty Changshin Việt Nam… Việc xuất hiện những doanh nghiệp mới trên địa bàn tỉnh mở ra khả năng tạo công ăn việc làm. Nhưng, mặc dù số lượng lao động cần tuyển dụng không nhiều, vậy mà cả tỉnh cũng chẳng có mấy người đủ tiêu chuẩn để được tiếp nhận.
Vấn đề đầu tiên phải giải quyết đó là tài chính. Trong điều kiện nhiều hộ dân thiếu vốn phát triển sản xuất, ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, giải ngân số tiền gần 7,4 tỉ đồng cho 140 dự án, tạo việc làm cho 1.362 lao động. Bên cạnh đó hệ thống dịch vụ việc làm vừa ổn định hoạt động, vừa xúc tiến các chương trình đào tạo, tư vấn và giới thiệu, giải quyết việc làm cho 7.820 người, đạt 100,26% chỉ tiêu đề ra.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Trung tâm DVVL và Trường Kỹ thuật công nghệ- Dạy nghề của tỉnh đã liên kết với các Trường, Trung tâm dạy nghề của Đăk Lăk đào tạo nghề cho 619 người (trong đó dài hạn là 269 người). Các dự án nâng cao năng lực dạy nghề và đào tạo nghề cho nông dân cũng được triển khai, hoàn tất thủ tục mua sắm thiết bị dạy nghề và tổ chức các lớp dạy nghề cho nông dân với tổng kinh phí 587 triệu đồng.
Tuy nhiên, dự báo với tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm tới, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ ở Đăk Nông chưa thể đủ sức giải quyết việc làm cho phần lớn lao động của tỉnh.
Mặc dù tất cả còn mới mẻ, nhưng người dân vùng núi rừng Đăk Nông ngày nay đã dần xác định cho mình những hướng đi mới, nhằm từng bước phát triển đuổi kịp với các tỉnh bạn.
. Theo LĐXH |